TTTVN -2018-01-19
Giáo trình lịch sử lớp 5 của Việt Nam - TTVN
Việt Nam dự tính sẽ tích hợp hai môn lịch sử và địa lý lại thành một môn học trong giáo trình tiểu học. Dự thảo này gặp nhiều phản ứng trong giới giáo viên và các nhà nghiên cứu, bởi hai môn lịch sử và địa lý, về mặt bản chất hoàn toàn trái ngược với nhau. Môn lịch sử thuộc về lĩnh vực xã hội học, môn địa lý thuộc về tự nhiên học. Nếu tích hợp hai môn này lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho người giảng dạy. Những nhận định của các giáo viên và nhà nghiên cứu dưới đây sẽ nói lên điều này.
Liệu có khả thi?
Thầy Hoàng Nam, một cựu giáo viên, hiện đang thực hiện một công trình về giáo dục Việt Nam, chia sẻ:“Sẽ gặp khó khăn tại vì môn địa lý nó thuần về tự nhiên hơn, còn lịch sử lại theo tiến trình lịch sử. Mà cái này khó khăn nữa là trong quá trình đào tạo, anh không đào tạo tích hợp, anh đào tạo đơn môn thôi, mà giờ dạy đa môn tích hợp chắc chắn sẽ gặp khó khăn.”
Theo thầy Hoàng Nam, việc tích hợp hai môn lịch sử và địa lý thành một môn, cho dù giảng dạy ở cấp phổ thông trung học, lúc này học sinh đã có đủ tuổi nhận thức và bề dày tri thức thường thức thì vẫn không ổn bởi vấn đề đánh tráo khái niệm của kiểu tích hợp này. Trường hợp dạy cấp phổ thông cơ sở thì càng nguy hiểm hơn bởi độ tuổi này chưa có đủ nhận thức và tư duy phán đoán đúng sai. Trường hợp tích hợp hai môn này trong giáo trình tiểu học thì quá nguy hiểm.
Sẽ gặp khó khăn tại vì môn địa lý nó thuần về tự nhiên hơn, còn lịch sử lại theo tiến trình lịch sử. - Thầy Hoàng Nam
Sự nguy hiểm mà thầy Hoàng Nam muốn nhắc đến ở đây là tính nhân bản, lòng yêu thiên nhiên và tính hiếu kỳ, khám phá tự nhiên có thể bị bóp chết. Vì sao? Thầy Hoàng Nam giải thích, trước đây, chưa bàn chuyện lịch sử hiện tại viết đúng hay sai như thế nào, nhưng rõ ràng dạy sử riêng, địa riêng. Khi hai môn này dạy riêng lẻ, thông qua môn địa lý, giáo viên có thể giải thích hoặc giới thiệu thêm cho học sinh kiến thức tự nhiên, chẳng hạn như tại vùng A có các tỉnh, tại vùng này có loại cây gì đặc trưng, con vật nào sống hợp với vùng đất này và con người phải làm gì để sống chan hòa với thiên nhiên nơi đó…
Ngược lại, với xu hướng tích hợp, khi nói về vùng đất A nào đó thì sẽ có những nhân vật lịch sử gắn với nó, ví dụ như ông A là nhà cách mạng, từng bắn bao nhiêu quân thù, từng đánh Mỹ cứu nước, là anh hùng… Với trẻ con, tâm hồn và trí nhớ của các cháu như tờ giấy trắng, mỗi môn học là một vết mực ghi lên tâm trí các cháu. Trong khi đó, giáo trình lịch sử Việt Nam hiện tại có quá nhiều vấn đề để bàn, nếu gieo rắc những thứ này vào trí nhớ trẻ em, thật khó mà nói được tâm hồn của chúng khi lớn lên sẽ ra sao.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Nam, ông Lê Khế, một giáo viên dạy môn lịch sử vừa nghỉ hưu, hiện đang sống tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, chia sẻ:“ Cả nền giáo dục mà, từ a đến z là để dạy con người biết nghe chứ không phải con người biết sáng tạo. Thường thường lịch sử nó sẽ định hướng cho một triều đại nhưng không có lịch sử nào tệ như bây giờ. Tức là luôn luôn người ta viết sử thuận theo họ đương nhiên rồi, mình có muốn cũng không thay đổi được nhưng mà ở chỗ lý ra phải có lẽ phải, liêm sỉ. Ví dụ như hiện tại đang kỷ niệm 50 năm Mậu Thân, rõ ràng là gắng gượng. Một sự thất bại ê chề, kể cả chính trị, quân sự, tất cả mọi cái nhưng giờ nó công khai nó kỷ niệm, nó làm hoành tráng, sự kiện lịch sử đó chứ, lý ra phải biết hối lỗi. Những vùng đất như Huế và nhiều vùng khác nữa, lý qua phải lập những trai đàn, thông qua tôn giáo mà giải cho họ. Nhưng không, họ kỷ niệm một cách hoành tráng là nhờ sự lãnh đạo của A mới có B, có C...”
Theo thầy Lê Khế, nói về lịch sử Việt Nam là câu chuyện dài, và thật đáng tiếc là hiện tại, hầu hết các giáo trình lịch sử trong giáo dục đều là những bộ sử một chiều, lịch sử của bên thắng cuộc. Có rất nhiều vấn đề để nói về tính trung thực của môn lịch sử Việt Nam hiện tại. Trong trường hợp gắn thêm những kiến thức không thật này vào thì có thể nói đây là mối nguy hiểm chứ không đơn giản là giáo dục lệch lạc.
Người đứng lớp nói gì?
Thầy giáo Hoàng Kim Hùng, dạy môn địa lý, hiện đang sống ở thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, chia sẻ:“Dạy địa lý nhưng mà có gắn liền ví dụ như nói về thực vật thì nó gắn với môn sinh. Ví dụ như sinh học gắn liền với thực vật, động vật rồi gắn liền với địa lý, nên ví dụ như có thể tích hợp môn sinh. Như sử thì qua địa được chứ địa mà qua sử thì không có gì để nói. Cái đó rất là khó, bởi vì một người giáo viên sử thì không có kiến thức địa, một người dạy địa thì không có kiến thức sử thì làm sao dạy, có bồi dưỡng cũng rất là khó bởi vì kiến thức anh dạy không có, như anh giờ nói anh dạy qua sử thì chịu rồi. Ví dụ như địa lý và gắn với sinh học thì còn được chứ địa và sử thì chịu. Rất là khó khăn đấy!”
Thầy Hoàng Kim Hùng chia sẻ thêm rằng chuyện tích hợp hai môn điạ lý và lịch sử thành một chẳng khác nào trộn mắm rò với mù tạc. Một khi hai thứ này trộn lẫn với nhau thì không những là vô cùng khó ăn mà có thể là ăn không được, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của những người bị cao huyết áp và dị ứng mùi. Nhưng hiện tại, nếu Bộ giáo dục mang hai môn lịch sử và địa lý tích hợp với nhau thì cũng chẳng khác mấy so với việc trộn mù tạc với mắm rò.
Cái đó rất là khó, bởi vì một người giáo viên sử thì không có kiến thức địa, một người dạy địa thì không có kiến thức sử thì làm sao dạy. - Thầy Hoàng Kim Hùng
Thầy Hùng cho rằng chỉ có một cách nghĩ duy nhất cho việc tích hợp hai môn địa lý và lịch sử là một phương cách tuyên truyền mới của chế độ. Gắn vào ký ức non nớt của trẻ em ngay từ khi chúng ghi nhận thế giới xung quanh, đặc biệt là ghi nhận thế giới tự nhiên thông qua môn học địa lý bằng cách gắn thêm nhân vật lịch sử, sự kiện chế độ.
Và với đà này, sẽ có rất nhiều thế hệ sau bị thay thế tình yêu thiên nhiên, óc khám phá bằng lòng tôn sùng chế độ và tính vâng phục. Như để kết thúc buổi nói chuyện, thầy giáo Hùng kết luận rằng nếu vẫn cứ tiếp tục nhồi nhét những thông tin lịch sử lệch lạc vào trí nhớ của các thế hệ sau này thì cái giá phải trả không còn dừng ở thế hệ, giai đoạn lịch sử nữa, mà là cả một dân tộc phải trả giá vì điều này.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
No comments:
Post a Comment