Ánh Liên-20-01-2018
(VNTB) Vào tối 18.01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Công điện số 82, yêu cầu Bộ GTVT cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm.
Sau Công điện số 82, lực lượng vũ trang sẽ 'danh chính ngôn thuận' vào cuộc để giải cứu BOT. |
Công điện số 82: thù địch, đối tượng xấu, kích động
Tối ngày 18.01, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đưa tin về chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc đối với vấn đề BOT, trong đó tinh thần chung là lập lại an ninh, đồng thời nhấn mạnh các thế lợi thù địch, các đối tượng xấu đã và đang lợi dụng BOT để kích đông, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ông Phúc cũng yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Công an cũng như chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Đây là điều bất ngờ! Vì nhiều người tin rằng, vấn đề BOT sẽ được giải quyết theo hướng xử lý sai phạm của chủ đầu tư để người dân thực sự hưởng đúng đồng thuế (bảo trì đường bộ) mà mình bỏ ra trên tinh thần ưu tiên quyền lựa chọn của người dân (như Thủ tướng Phan Văn Khải trước đó từng khẳng định); đồng thời giải quyết nạn tắc nghẽn tại các khu vực BOT dựa trên tinh thần Luật pháp quốc gia.
Người dân Cai Lậy và cánh tài xế vui mừng khi BOT Cai Lậy xả trạm |
Với Công điện lần này, hình ảnh về một ‘Chính phủ kiến tạo’ đã trở nên xấu hơn, bởi nhiều người kỳ vọng đó sẽ là một Chính phủ vì dân hành động hơn là một Chính phủ ‘tiếp tay’ cho Doanh nghiệp sai phạm nhằm thúc đẩy sự lạm thu. Nói cách khác, thay vì chấn chỉnh các trạm BOT về vị trí, giá vé, thời gian hoàn vốn, khoảng cách giữa các trạm BOT, thì lần này, Công điện số 82 khiến người dân hiểu rằng, nó đang ‘bảo kê’ cho các trạm BOT.
Công điện số 82, cùng với việc tăng giá xăng A95 (nhằm bảo hộ cho xăng E5),… Tất cả đã khiến cho chi phí lưu thông trên đường trở nên khắc nghiệt hơn, nhất là khi người dân đang vào dịp Lễ tết cổ truyền.
Công điện số 82 khiến nhiều người thông qua mạng xã hội Facebook đã bày tỏ thẳng thắn rằng: Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ kiến tạo cho phía doanh nghiệp sai phạm để khoan kiệt sức dân.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mưa toan gì?
Ông Nguyễn Phú Trọng, người từng đưa ra quan điểm: 'Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp'.
Nghĩa là, cái gì dân ‘ủng hộ’, thì tiếp tục làm, và kết quả đến nay, một UVBCT đã hầu tòa, những người liên quan đến nhóm đại án kinh tế bắt đầu được điều tra xét xử.
Sở dĩ phải đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào trong câu chuyện liên quan đến 'Chính phủ kiến tạo' bởi vì, vào thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng đang can thiệp khá nhiều vào trong vấn đề liên quan đến quyết sách của phía Chính phủ.
Vấn đề, nếu BOT giải quyết theo hướng Công điện 82, thì ít nhiều khiến bức xúc trong xã hội gia tăng, dẫn đến sự méo mó hình ảnh Chính phủ kiến tạo hay hình ảnh ĐCSVN 'vì nhân dân' mà ông Nguyễn Phú Trọng tạo dựng trong cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua.
Vấn đề là vào tối ngày 18.01, báo Tuổi trẻ Online (TTO) đã đưa một bản tin, theo đó: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: ‘Ký hợp đồng BOT Cai Lậy tôi không tư túi’.
Vũ trang hóa BOT là cách thức mà Chính phủ kiến tạo hướng tới? |
Vị Bộ trưởng này chia sẻ thêm, ‘dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử’, và chia sẻ ‘thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang vào cuộc xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.’
Như vậy, BOT vẫn đang được kiểm tra! Vậy Công điện 82 đang đi ngược?
Thực ra, có thể Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang tìm cách đốt nóng vấn đề BOT lên bằng giải pháp ‘an ninh’, sau đó hạ nhiệt nó bằng ‘Cai Lậy’ theo con đường mà không ai nghĩ tới.
Cụ thể, đốt nóng dư luận và cánh tài xế bằng Công điện 82, sau đó tiến hành dời BOT Cai Lậy.
Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là Chính phủ kiến tạo đang muốn sử dụng tiếp cách thức ‘kỷ luật một vài người để cứu muôn người’, bằng cách hy sinh điểm nóng Cai Lậy để tạo dư luận phấn khởi, kết hợp tăng cường an ninh tại các điểm BOT còn lại.
Như vậy, bằng cách này, BOT vẫn sẽ giữ được phần lớn bằng biện pháp an ninh thắt chặt, trong khi lòng dân tại điểm nóng nhất và xuất phát điểm của phong trào 'làm thất thủ BOT' (Cai Lậy) sẽ được xoa dịu.
Cách thức này cũng được hiểu hơn qua câu nói trích dẫn của TS Vũ Đình Ánh: “Thu thuế cũng như ‘vặt lông vịt’, đừng để kêu toáng lên.”.
Một sự 'tập kích' có kế hoạch.
No comments:
Post a Comment