Theo VOA-19/01/2018
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 18/1/2018.
Trả lời báo giới trong cuộc họp thường kỳ ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng yêu cầu cộng đồng quốc tế “có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người”.
Phát biểu của bà Hằng được đưa ra ngay sau khi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố phúc trình hằng năm về vấn đề nhân quyền trên thế giới. Phúc trình nói Việt Nam gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017.
“Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển”, bà Hằng trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Việt Nam đối với việc một số đối tác bày tỏ quan tâm về nhân quyền ở Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Việt Nam trong những năm qua đã “đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy quyền con người” qua việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, không ngừng cải thiện mức sống của người dân, đảm bảo quyền thụ hưởng và bảo vệ các quyền con người khác.
Theo tường thuật của báo Tiền Phong, khi đại diện Đại sứ quán Nigeria cho rằng các cơ sở giam giữ của Việt Nam có điều kiện kém, bà Hằng nói rằng bà chưa đi thăm cơ sở nào có điều kiện kém như mô tả và khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực để duy trì điều kiện tốt nhất cho người bị giam giữ.
Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam” với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Cuốn sách gồm 4 chương, với nội dung được cho biết là về quan điểm, chính sách, luật pháp, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Theo phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong năm qua, có ít nhất 24 người tại Việt Nam bị kết án vì đã viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền, nổi bật là trường hợp của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị kết án 10 năm tù; nhà hoạt động Trần Thị Nga 9 năm tù; nhà hoạt động Phan Kim Khánh, 6 năm tù; và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù.
Ngoài ra, trong 14 tháng qua, công an Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người về các tội danh liên quan tới “an ninh quốc gia” nhằm trừng phạt những tiếng nói bất đồng.
Phúc trình nói thêm rằng có ít nhất 119 người ở Việt Nam đang phải thi hành các án tù nặng nề vì đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là một mối nguy đối với quyền lực độc tôn của mình.
No comments:
Post a Comment