Nhóm PV (VNTB) “Buôn bán có đồng ra, đồng vô, tôi hiểu cần phải đóng thuế. Nhưng chuyện khoán số tiền thuế phải đóng là điều bất hợp lý. Ngoài ra người dân đã nộp đủ thứ thuế thì họ phải được hưởng lợi ích an sinh tương ứng từ đồng thuế đó! Ưu việt của chế dộ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước [*]”.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ đã bày tỏ như vậy khi quán cà phê cóc mà gia đình thầy mở cạnh bên trường tiểu học ở quận 5 đang được chi cục thuế nơi đây nhăm nhe đánh thuế.
Trong dịp gặp gỡ mừng lễ Giáng sinh ở quán nhậu lề đường, nhóm bạn là giáo viên đã nhận được câu hỏi từ các phóng viên Việt Nam Thời Báo, về ý kiến ra sao trước thời sự ngành thuế sẽ khoán thuế đối với những người buôn gánh, bán bưng trên hè phố, trong ngóc ngách xóm hẻm, những bác tài xe ôm ‘truyền thống’ ở đầu đường, xó chợ?
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ kể rằng học trò nơi ông dạy, hầu hết là từ xóm nghèo Mã Lạng nổi tiếng du dãng, xì ke ma túy của quận 1. Ngoài giờ đến lớp, học trò của thầy Sĩ phải dành thời gian phụ cha mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Đồng tiền cho cơm gạo, cho áo quần, tập vở với các em này là chưa bao giờ dễ dàng… “Tôi đã bật cười khi đọc báo thấy đăng có mấy quan chức, cán bộ khoe ngoài giờ làm đã chạy xe ôm, bán chổi đót hoặc nuôi heo dành dụm tiền xây biệt phủ. Chắc mấy bác ngành thuế thấy vậy tin thiệt nên tính chuyện thu thuế xe ôm, bán vỉa hè để tránh bỏ sót?”. Thầy Sĩ mỉa mai nói.
Là giáo viên dạy văn vừa nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Thị Tiến kể ở khu chung cư quận 10 nơi cô ở, học trò khi đi học về là phụ gia đình ra vỉa hè xung quanh đó để bán hàng rong, như bán bánh tráng trộn, chè bịch, hột vịt lộn… “Gia đình các em cả chục miệng ăn, nhiều khi chỉ sống vào những gánh hàng chạy chợ đó. Mua món hàng về bán là đã một lần đóng thuế giá trị gia tăng. Để có chỗ bán bên lề vỉa hè không bị quản lý đô thị đuổi lên đuổi xuống, là phải biết điều nộp tiền ít hay nhiều tùy vào… lương tâm của các viên chức ấy. Tôi không biết cán bộ thuế khi áp mức thuế khoán, có gia trừ tình cảnh đó hay không?”. Cô Tiến thắc mắc.
Giáo viên dạy môn địa cấp 2, cô Nguyễn Thu Dung lập luận: “Bài học ở lớp từng giảng cho học trò về thời thực dân Pháp bóc lột người lao động nghèo xứ An Nam bằng loại thuế khoán, còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người, một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau, không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng... của họ. Thuế thân hay còn gọi là thuế đinh ở Việt Nam đánh trên mỗi nam giới trưởng thành trước đây chính là một sắc thuế khoán.
Dĩ nhiên tôi cũng giảng cho học trò rằng thuế khoán không gây ra sự thay đổi về giá cả tương đối giữa các sản phẩm, nên nó có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại thuế khác, vì để chính phủ thu được một số tiền thuế bằng nhau, thì thuế khoán sẽ làm độ thỏa dụng của tất cả các cá nhân giảm đi ít hơn so với các loại thuế khác.
Tôi hiểu là nhà nước sẽ xét doanh thu tính thuế khoán đối với cá nhân nộp thuế, trong đó khoán là doanh thu được ổn định trong một năm. Tuy nhiên như ý kiến của thầy Sĩ, của cô Tiến, chúng ta làm sao xác định đúng mức doanh thu bình quân có chiết trừ gia cảnh của người nghèo buôn gánh bán bưng, của đồng tiền chạy xe ôm thất thường còn đến từ sức khỏe của bác tài?”.
Luật gia Nguyễn Cao, người từng có thời gian là thầy giáo môn toán của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, tiếp lời bằng một dẫn chứng: “Vấn đề của cô Tiến, cô Dung đặt ra sẽ được cán bộ thuế trả lời rằng trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh, thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế… Thông tư 92 của Bộ Tài chính đã quy định như vậy.
Nghĩa là nếu mấy quan trên của Bộ Tài chính đã quyết vắt cổ chày ra nước, thì họ vẫn có cơ sở pháp lý để thực hiện. Chuyện công bằng an sinh như thầy Sĩ nêu, thực ra đó là một chính sách xa xỉ đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhấp chuột vào trang đồng hồ nợ công của Việt Nam, [https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy], sẽ nhận ra ngay mỗi người dân xứ mình đang phải è cổ gánh nợ hơn 56 triệu đồng/ người! Sống trong thấp thỏm nợ mà đòi hỏi an sinh là phù phiếm…”.
Bà chủ quán nhậu mà nhóm những thầy cô giáo cùng với các phóng viên Việt Nam Thời Báo đang rôm rã luận bàn, bất ngờ xin góp chuyện. Bà nói mấy thầy cô toàn nói chuyện cao xa quá.
“Phải biết phận mình thôi, tụi em là dân vùng khác đến, người ta nói thế nào mình cũng phải chịu. Em chỉ mong sao các cấp trên quan tâm đến chị em bọn em. Bởi vì cùng là con người, vì điều kiện sống mà người ta mới phải ra đây. Tụi em đâu phải công dân hạng hai. Tụi em chỉ muốn làm ăn yên ổn, kiếm được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học tử tế, không phải gánh đồng hồ nợ công gì đó.
Đừng phân biệt đối xử như vậy với tụi em. Tận thu, không để sót, quá sòng phẳng. Đồng ý, nhưng cần sòng phẳng luôn với dân trong việc công khai, minh bạch sử dụng tiền thuế... Chứ nghe nói mấy đại gia nhà mình ở thiên đường thuế gì ấy, sao mà bất công quá mấy thầy, cô ơi!”.
Chú thích:
[*] Cái chày ngày xưa thường dùng để giã gạo, bột, thuốc, tiêu, ớt... Người ta đẽo chày dài ngắn tùy theo cái cối lớn nhỏ và để đứng hay ngồi mà giã. Phần giữa thân chày được làm nhỏ cho vừa tay nắm. Việc giã thường khiến người giã tiết ra nhiều mồ hôi (do làm việt cật lực) toàn thân, và mồ hôi tuôn ra từ tay ngấm vào cổ chày.
Thân chày bằng gỗ đương nhiên không có nước, vậy thành ngữ “vắt cổ chày ra nước” là chỉ việc tận dụng triệt để đến cùng tận từ một việc, một vật, một vấn đề nào đó được phóng đại ám chỉ ai đó keo kiệt bủn xỉn không bao giờ phí bỏ một thứ gì... đến cái chày mà hắn còn vắt ra nước... Thành ngữ này ám chỉ kẻ bóc lột sức lao động của người khác, đến những giọt mồ hôi của người làm công giã gạo thấm vào thân chày mà giới cai trị còn cố vắt lấy không bỏ sót thì đủ thấy 5 chữ này đã lột tả hết sự nghiệt ngã, thân phận của người làm thuê như thế nào.
No comments:
Post a Comment