Friday, October 19, 2018

Đom đóm và cục gạch

Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư và cựu Thủ tướng, Trần Đại Quang, đương kim Chủ tịch nước, cả hai chết trước sau chỉ mươi ngày. Theo thói lề dân gian, “miệng ăn cá, ăn mấm”, thường nói đó là “chết trùng”. Cái chết trước nhằm giờ linh, kéo theo cái chết sau của người thân trong họ. Quang và Mười, về liên hệ, còn hơn 2 người trong họ, tuy không cùng huyết thống, nhưng cùng đảng là cùng nhịp thở giống nhau, cùng giấc mơ giống nhau, cùng động tâm giống nhau nên sự ứng nghiệm của giờ linh phải bén nhạy hơn những người cùng máu huyết mà suy nghĩ lại khác nhau, nguyện vọng không giống nhau. Theo kinh nghiệm dân gian đó, không biết có ai đang chờ coi “giờ trùng” sẽ còn ứng nghìệm ở đồng chí nào khác nữa của hai người đó hay không? 

Nhưng đó là chuyện lãnh tụ cộng sản chết và cách lý giải của nhơn dân về cái chết. 

Nhờ theo cộng sản, khi chết mới được tang ma linh đình như vậy. Như vua chúa thời xưa. Hơn cả Tổng thống các cường quốc văn minh ngày nay tuy sau khi chết, những người này để lại nhiều ơn ích cho đời về nhiều mặt. Và nhờ họ mà thế giới từng bước thay đổi theo hướng tốt đẹp. 

Còn các lãnh tụ cộng sản, chết rồi, mồ mả đồ sộ, để lại cho đời được gì để nhơn dân nhắc nhở? 

Về các lãnh tụ chốp bu ở Hà nội, như Đỗ Mười, lúc chưa có Trần Đại Quang Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng,… Hồ Chí Minh, Sĩ Phu Bắc Hà, lược kể thành tích: 

“Sặc mùi ba láp là tên Đỗ Mười”… 
Định hướng tối tăm là Nguyễn Phú Trọng… 
Không vợ lắm con là Nguyễn Ái Quốc! 

SĨ PHU BẮC HÀ (http://quanlambao.blogspot.com

Nhưng lãnh tụ cộng sản nào rồi cũng được đảng và Nhà nước tô vẻ để có những thành tích sáng chói. Có người do chính họ tự thêu dệt. 

Đèn đom đóm của bác Quang 

Trần Đại Quang làm Đại tướng Công an, rồi vọt lên Chủ tịch nước, nhưng nhìn lại quá trình tiến thân, Quang hoàn toàn không có một thành tích nào đáng ghi nhớ, ngoài thành tích dùi cui. Vào lúc Vìệt Nam mở cửa ra thế giới Tây phương, đảng cộng sản hô hào đảng viên phải biết làm giàu và khoa bảng vì đảng cộng sản là đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên phải gồm những đảng viên ưu tú. Thế là mọi người có tiền và có bằng cấp. Bằng cấp càng bự, chức vụ càng cao. Bằng cấp vừa là bàn đạp bước lên cao, vừa là thành tích thành đạt trong việc phấn đấu bản thân. 

Trần Đại Quang chọn giới thiệu mình bằng một hình ảnh vô cùng hiền lành: một cậu bé con nhà nghèo, sớm mồ côi cha, ham học, không có tiền mua dầu đốt đèn (hoặc trả tiền điện) nên bắt đom đóm nhốt vào vỏ trứng để đom đóm chiếu ánh sáng giúp Quang học. Và từ những bước đầu khó khăn này, Quang vượt qua, tiến lên đạt được văn bằng cao nhất là Tiến sĩ. Và còn Tiến sĩ tổ chức đảng, mới thấy ý chí và quyết tâm xây dựng con người của Quang! 

Đúng hôm Quang chết, báo Phụ nữ (21/09/2018), viết ngay một bài, dựa theo lời kể của gia đình như nguồn thông tin đáng tin cậy hơn hết, ca ngợi Quang do từ thuở nhỏ hiếu học, nên ngày nay, ở cương vị Chủ tịch nước, vẫn thiết tha với việc học. Ông “khẳng định giáo dục phải đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển, khi dự lễ khai giảng đầu năm học mới tại trường Chu Văn An, Hà Nội” 

Nhà báo Vũ Thanh Hương – Phó Ban An ninh thế giới (Báo Công an nhân dân), cũng trên báo Phụ nữ, kể tiếp: “Năm 2016, cố Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B, từng chia sẻ trên báo về “cậu học trò nhỏ” Trần Đại Quang khi ông được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam - một học sinh vừa chăm chỉ, vừa yêu thương bạn bè: “Tôi còn nhớ hồi đó, mỗi khi học xong bài là tầm 11g đêm, anh Quang còn đi xem xem các bạn còn học hay đã ngủ. Bạn nào học khuya mà bài chưa giải được thì anh ý giảng cho bạn hiểu, đến khi xong bài mới thôi”. 

Và “trong bức thư cuối cùng gửi thiếu nhi nhân ngày Tết Trung thu, đúng 1 ngày trước khi chết, Chủ tịch nước không quên dặn dò “Đảng, Nhà nước, các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh luôn quan tâm, chăm lo để các cháu được sống, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bác mong các cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, chăm ngoan, học giỏi hơn nữa, sau này tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”. 

Trần Đại Quang nay chết chẳng may không phải nhằm cùng lúc với Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Võ Thị Sáu,…nên sau khi đảng và Nhà nước cho báo chí đánh bóng Quang, thì lập tức dư luận trên fb phản bác, vừa với lập luận khoa học, vừa với lời lẽ diểu cợt: “Đom đóm không sáng liên tục, sau mỗi bốn giây mới sáng nửa giây, độ sáng của mỗi con đom đóm chỉ có 0.0006 lumens (lumen – đơn vị đo độ sáng). Để có thể đọc được gì đó, mắt một người bình thường cần độ sáng tối thiểu là 450 lumens, nghĩa là cần 750.000 con đom đóm sáng cùng một lúc trong nửa giây. Muốn duy trì liên tục độ sáng ở mức 450 lumens, cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau phát sáng, nói cách khác cần tới sáu triệu con đom đóm. (Trương Văn). Có không ít những fb diểu cho vui “Đom đóm nước ta khác, chúng sáng rực rỡ và muôn năm” (Nguyễn Phương Anh). Hoặc như Ngoc Hiêp Nguyên: “Hồi bác Quang còn nhỏ, đom đóm rất nhiều và rất to mỗi con nặng khoảng nửa ký, độ sáng bằng đèn bốn cục pin của Trung Quốc. Chỉ cần hai con là đủ học suốt đêm”. Nghe nói cụ Nguyễn Đình Chiểu vì dùng nhiều, bốn hay năm con gì đó để học bài, độ sáng quá cao nên Cụ bị mù”. Cũng có người phang ngang bửa củi như Trần Virjo đốp chác lại chế độ tuyên truyền của cộng sản: “Mùa đom đóm là mùa hè, mùa đ... có thằng đ... nào đi học trừ khi dốt quá phải học phụ đạo”. Mà bác Quang nhà ta đâu có dốt. Bác cực kỳ thông minh và học xuất sắc kia mà ! 

Cục gạch của bác Hồ 

Bác Hồ vĩ đại nên chuyện thành tích về đời tư của bác cũng phải vĩ đại, cũng phải phi thường hơn người thường. Bác có cục gạch. Và chuyện “Cục gạch” của bác không phải là câu chuyện tiếu lâm mà đó là câu chuyện thật của đời bác trong những ngày tháng bác ở Paris “tìm đường cứu nước”. Chuyện thật vì do bác kể lại trong sách, do chính tay bác viết. Bác là tác giả duới bút danh Trần Dân Tiên của quyển “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” 

Ở trang 36, bác viết về cục gạch của bác như sau: 

“Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rất rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa Đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.” 

Nếu câu chuyện cục gạch đọc qua cho vui, thì đã không thành chuyện. Với cái đảng cộng sản, cứ cái gì của bác là phải được đưa ra cho toàn dân học tập theo gương bác. Người lớn học cũng được đi vì còn biết đánh giá câu chuyện. Đem cho con nít học là một tai vạ vì nhồi nhét vào đầu óc non dại của chúng chuyện tào lao, chỉ chuốt hại cho chúng về sau mà thôi. Rồi báo chí được phen rùm beng lên vì cứ bốc bác là có tiền, có chức phận. 

Chế Lan Viên, chuyên viên nịnh bợ, đã viết một câu thơ mà kẻ không rành thơ cũng thấy khó ở: 

“Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê 
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!” 

Rồi Tố Hữu, lãnh tụ văn nghệ, tiếp hơi. Thường thơ bợ đít của nhà thơ lớn này rất hay nhưng nay, lại quá tầm thường. Như rặn không ra. Và như phải dùng mỏ vịt cho ra câu cuối: 

“Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen 
Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn 
Một hòn gạch nóng nung tâm huyết 
Mẩu bánh mì con nuôi chí bền” 

Trong sách, tác giả viết trước khi đi làm, bác lấy cục gạch bỏ vào lò bếp khách sạn nhờ nướng cho nóng. Sau này, cán bộ tuyên truyền thấy bác nói như vậy chưa đủ liều lượng nên sửa lại “bác đem gởi cục gạch ở lò bánh mì”. 

Ngày xưa ở Pháp, dân ở nhà quê, nhà nghèo sưởi bằng cục gạch nung nóng nhờ ở lò bánh mì hay nhà có lò sưởi. Loại gạch sưởi có sức chịu nóng tới 400°c và giử nóng tới 5 giờ. Và ở Pháp, lò bánh mì là cái bếp (foyer) chung của khu xóm. Nét văn hóa lâu đời của dân pháp. Cách sưởi này, tới năm 1960, không còn nữa. 

Nhưng khi đem viên gạch nóng về sưởi, người ta dùng kẹp sắt, gắp viên gạch để lên cái giá bằng sắt có quai, xách đi. Và sưởi là đặt viên gạch với cả cái giá sắt dưới giường. Khi thấy nguội, người ta mới gói viện gạch trong vải bố dày, đút dưới nệm, sưởi tiếp. Không ai gói viên gạch trong lớp giấy báo. 

Bác Hồ của đảng cộng sản làm vì bác vĩ đại! 

Một hôm với Cụ Bùi Tín ngồi uống cà phê, nói chuyện vui. Nhân nói tới Hồ Chí Minh, Cụ kể: 

“Một phái đoàn gồm cán bộ Văn hóa Thông tin, Tuyên huấn, Lịch sử trung ương đảng của Hà Nội tới Paris, sau khi Unesco không tuyên dưong ông ấy, có nhiệm vụ sưu tìm các dấu vết, tập kết các di tích về bác ở những nơi bác đã sanh sống trong thời gian bác tranh đấu ở đây, để viết thêm vào đời hoạt động của bác. Để bác phải thật sự là một bậc vĩ nhơn của nhơn loại! 

Họ vào Văn khố Cảnh sát Paris ở Quận 18, vào Văn khố Hải ngoại, tới Villa des Gobelins, Paris 13… lục tìm về bác. Ngoài một số thông tin đã biết về bác, phái đoàn chụp được một thông tin mới, vào những năm 1921, bác đã từng ở số 9, impasse Compoint, Paris 17. 

Thế là họ kéo nhau tới đó. Căn phố số 9 còn đó. Dĩ nhiên, đã được xây lại từ lâu. Nhưng đúng là chổ bác đã từng ở trước kia. 

Phái đoàn tìm người lớn tuổi để phăng hỏi về bác. Họ gặp một bà đầm cở tuổi 90. Có vẻ nhân dân lao động. Mừng như bắt được vị cứu tinh, họ chụp ngay, hỏi bà có biết ông Nguyễn năm 1921 từng ở đây không? 

- Biết. Ông ấy ở căn kia, từng 2 đó. 

- Bà có biết chuyện ông Nguyễn có cục gạch ôm sưởi mùa đông không ạ? 

Nghe Cụ Tín kể tới đây, Cỏ May tôi vội can thiệp vì nghĩ tại sao Cụ này lại tin câu chuyện tuyên truyền bố láo của VC. Nhưng cụ đưa tay, chận tôi lại, kể tiếp: 

· Đúng ông Nguyễn, vào mùa đông lạnh lẻo, đã nhờ nướng cục gạch ở bếp để tối về lấy ôm vào lòng mà ngủ. Ông ấy nghèo lắm. 

Tôi thấy như các ông muốn tìm lại cục gạch ấy, hay muốn biết rỏ về cục gạch ấy, phải không? 

· Dạ, phải, thưa bà. 

· Cục gạch ấy, tôi giữ. Các ông muốn, hảy trả tôi một số tiền, tôi chỉ cho. 

Còn hơn bắt được vàng, trưởng phái đoàn liền đưa cho bà đầm một số tiền. 

Lấy tiền đút túi xong, bà dẩn phái đoàn lên lầu hai, chỉ nới đây, trước kia, ông Nguyễn ở. Và cục gạch đó,…chính là tui đây. Bà vừa vổ bẹp bẹp vào người bà! 

Cả hai cùng cười thoải mái. 

Người cộng sản phải có hào quang 

Chế độ cộng sản ra đời từ cướp chính quyền đang có. Khi lên cầm quyền, họ dùng dối trá và bạo lực để giử quyền lực. Thế lực mà họ sợ, và coi là kẻ thù lớn nhất, là dân chúng mà họ cai trị. 

Họ biết rỏ hơn ai hết, dân chúng không chấp nhận họ, chỉ chở lật đổ họ. Họ kìm kẹp sát dân chúng để duy trì chế độ, quan tâm xây dựng lớp dân chúng thứ hai, thứ ba. Bằng tuyên truyền nhồi sọ, họ hi vọng sẽ có lớp dân chúng theo họ. 

Để thu hút sự ủng hộ của dân chúng, họ phải tìm cách tự biến họ thành một sức thu hút, hấp dẩn, lôi cuốn mạnh mẻ. Để đạt được mục đích, họ vận dụng tuyên truyền để thần thánh hóa đảng và các lãnh tụ đảng. 

Nói đến sùng bái là nói đến tôn giáo. Người đầu tiên nghĩ phải tôn giáo hoá chế độ chắc chắn là Lénine. Bởi ông gốc là chủng sinh Cơ đốc giáo. Nhưng người đưa nó lên bàn thờ lại là Staline. Với Staline, sự sùng bái đảng và sùng bái lãnh tụ biến thành sự sùng bái cá nhơn. 

Trước kia, chế độ quân chủ đều được xây dựng trên cơ sở mang tính thần quyền. Nhà vua được thiêng liêng hoá, gắn liền với thiên mệnh: Vua là con Trời. Mọi người tuân phục và trung thành với vua không phải vì tài năng hay cá tính của ông mà là vì ông là con Trời. Vì vâng mệnh Trời cai trị nên vua không dám vô cớ hại dân, hà khắc, ác ôn với dân vì sợ Trời đánh, và Trời thâu hồi thiên mệnh, không còn được làm vua nữa. 

Đảng cộng sản cướp chính quyền của dân, thần thánh hoá đảng và lãnh tụ, không nhận lảnh sứ mệnh cai tri nhơn dân từ Trời hay từ ai hết nên họ không sợ bị Trời đánh. Họ chỉ sợ bị nhơn dân giành lấy quyền lực mà thôi. 

Cách thần thánh hóa lãnh tụ cộng sản rất đơn giản và giống nhau. Nhưng Hồ Chí Minh tự tìm cách lách mình đi riêng. Với nhơn dân việt nam, ông tự xưng bác của mọi người, chung cả cho các thề hệ khác nhau. Của cả nước. Tạo thành hình ảnh một ông già hiền lành, đạo đức. Như một tiên ông ! Bởi ông biết, và mọi người biết ông đúng là một trong 13 tội phạm chống nhơn loại. 

Cũng như các lãnh tụ cộng sản khác, từ Lénine, Staline, Mao,… tới Hồ chí Minh, Đỗ Mười, Trần Đại Quang,… đều phải cần tạo thành tích, tạo hào quang sáng chói cho mình bởi nếu không, thì sự nghiệp của họ để lại cho đời không gì khác hơn là tội ác với nhơn dân. 


No comments:

Post a Comment