Ngô Đồng – Web Việt Tân
Việc Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Sài Gòn biểu quyết thông qua Dự án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong tuần qua. Vấn đề không chỉ được báo chí lề phải khai thác mà còn là đề tài chỉ trích trên mạng xã hội. Ngay sau khi thông tin về dự án này được loan tải, đã có rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp công khai phản đối, nhất là khi biết địa điểm xây nhà hát tại Thủ Thiêm, nơi mà những sai phạm nghiêm trọng của nhiều thế hệ lãnh đạo cộng sản vừa được vén màn.
Dự án nhà hát giao hưởng và vũ kịch thành phố được các vị đại biểu HĐND nhất trí 100% thông qua trong một cuộc họp bất thường diễn ra ngày 08/10. Nhà hát này có 1.700 chỗ, 2 khán phòng và dự kiến sẽ xây dựng từ năm 2018 – 2022 với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách. Theo lãnh đạo thành phố này thì mục đích của dự án là để thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật, thu hút khách du lịch… và đã được lên kế hoạch từ 20 năm trước nhưng thiếu ngân sách.
Những câu hỏi khó trả lời
Rất nhiều ý kiến phản đối của người dân ở ngay cả trên các phương tiện truyền thông chính thống lẫn các trang mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao phải vội vã xây nhà hát? Ai cần nhà hát giao hưởng nghìn tỷ này? Xây công trình lớn thì kinh phí duy trì cũng lớn 1.500 tỷ liệu có đủ không? Trong 4 năm mà xây dựng nhà hát 1.700 chỗ liệu có kịp?…
Một câu hỏi khác còn lớn và quan trọng hơn: Chính quyền minh bạch tới đâu với dân trong quá trình quyết định triển khai dự án? Bởi dư luận không thể hiểu nổi vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho một công trình văn hóa lại dễ dàng hơn việc xây dựng những công trình dân sinh cấp thiết? Trong khi hạ tầng giao thông của thành phố này còn chưa hoàn chỉnh, nạn kẹt xe, ngập nước đang làm khổ người dân thì việc xây nhà hát giao hưởng có thích hợp?
Thực tế là kinh phí xây dựng công trình văn hoá có thể xây dựng thêm bệnh viện, trường học hay những con đường để trẻ em vùng cao đến trường bớt khổ hơn. Hoặc chí ít là dùng để xây thêm vài ba cái cầu nhằm giải quyết ùn tắc cho thành phố này.
Nghe con số 1.500 tỷ đồng ai cũng giật mình, nhưng cái quan tâm ở đây là việc hàng nghìn tỷ từ nguồn ngân sách chi cho công trình văn hóa mà tính hiệu quả lại không có gì đảm bảo là lãng phí và chưa cần thiết. Đối với người dân, lợi ích thiết thực và cụ thể luôn là điều họ quan tâm. Khó mà ép họ bụng đói, di chuyển xe trong dòng nước đen ngòm bẩn thỉu, hoặc mồ hôi nhễ nhại sau nhiều giờ kẹt xe để ngồi nghe nhạc giao hưởng, ngắm nhà hát được!
Nợ công, thuế phí gia tăng
Những năm gần đây, ngân sách nhà nước CSVN rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, từ đầu năm 2018 đến thời điểm 15/9, thâm hụt ngân sách Nhà nước đã lên mức 38,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017. Như vậy, từ chỗ mỗi người dân phải chịu 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ lên 35 triệu, tức là tăng thêm 4 triệu đồng.
Về an sinh xã hội, nhiều loại thuế, phí đã tăng và sẽ còn tăng cũng đang tạo gánh nặng không nhỏ trên vai mỗi người dân. Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, từ chỗ chỉ đánh thuế 1.000 đồng/lít vào năm 2012, nay thuế môi trường với xăng đã tăng lên 4.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, chính quyền không còn tiền tăng lương cho công chức, giáo viên, người về hưu… vì vậy, khi nghe những dự án hàng nghìn tỷ, ai cũng phẫn nộ.
Ngân sách là từ những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt, là đồng tiền chắt chiu của người dân. Dân đang oằn mình đóng thuế để nuôi bộ máy hành chính khổng lồ đã mệt rồi. Lẽ ra cần tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu công, thì nghịch lý là những dự án như nhà hát nghìn tỷ lại được vẽ ra. Phải chăng người vẽ ra đề án và những người phê duyệt không biết về những cơn đói lay lắt nơi vùng cao, những đứa trẻ phải chui túi nilong vượt suối đến trường và những bữa cơm của học sinh chỉ toàn muối trắng?
Lấp liếm những sai phạm?
Quá vô lý khi Dự án xây dựng nhà hát có giá trị lên tới 1.500 tỷ đồng lại được quyết định chóng vánh tại một cuộc họp bất thường, chưa lấy ý kiến rộng rãi, phân tích đủ kỹ lưỡng, thấu đáo. Nhiều người càng thêm phẫn nộ khi báo chí dẫn lời Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm rằng việc xây nhà hát là “cần cho người dân” trong khi chưa xin ý kiến của họ.
Có nhận định cho rằng giới lãnh đạo thành phố Sài Gòn vội vàng muốn xây dựng công trình nhà hát tại Thủ Thiêm, là nhằm lôi kéo nhân sự công cộng đổ vào khu vực này. Từ đó sẽ làm chìm đi những sai phạm trong việc giải phóng mặt bằng của lãnh đạo cộng sản đối với hàng nghìn dân oan Thủ Thiêm trong nhiều năm qua. Thực tế, nhận định đó là hoàn toàn có lý, bởi việc công cộng hóa các khu vực đất tranh chấp không còn là điều mới.
Phương pháp “hóa giải” những khu vực nóng tranh chấp trong giải phóng mặt bằng được nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên áp dụng, đó là xây dựng trên đó những công trình công cộng như công viên, đường sá, rạp hát, bảo tàng… cách làm này có mục đích đẩy người dân oan vào trạng thái bị cô lập với số đông người dân. Những vụ Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến, giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội… là minh chứng rõ nhất về thủ đoạn này.
Nâng cao sinh hoạt động văn hóa, nghệ thuật?
Hiện nay tại Sài Gòn đã có Nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ và Nhà hát Thành phố 1.400 chỗ. Nhà hát Thành phố không hề quá tải, chủ yếu được thuê để làm sự kiện. Đoàn giao hưởng thành phố than là phí đắt, nên không thuê. Còn Nhà hát Hoà Bình, trước kia có tổ chức ca nhạc, hài, kịch, cải lương… Sau một thời gian thì nhu cầu giảm thì họ chuyển thành rạp chiếu phim. Bây giờ xuống cấp trầm trọng thì để im luôn. Như vậy không thể nói là Sài Gòn thiếu nhà hát đến mức phải bỏ ra hơn 1.500 tỷ để xây thêm tốn kém.
Việc xây dựng nhà hát vội vã khi chưa tính toán chặt chẽ sẽ gây lãng phí, thậm chí là bỏ hoang. Thực tế là đã có không ít công trình xây dựng tốn kém đã rơi vào tình trạng như vậy. Không cần đâu xa, Trung Tâm triển lãm hàng chục triệu USD cũng tại Thủ Thiêm hiện đang bị bỏ hoang, cỏ lau ngút trời, trâu bò gặm cỏ. Nhà hát Trần Hữu Trang đầu tư hơn trăm tỷ ngay tại trung tâm Sài Gòn cũng đang lâm vào tình trạng “cửa chốt then cài”. Xa hơn là Bảo Tàng Hà Nội với chi phí xây dựng 6 nghìn tỷ đồng, sau 7 năm đi vào hoạt động đã trở nên hoang tàn, vắng lặng…
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có bất kì thống kê nào được công bố về nhu cầu thưởng thức của xã hội về giao hưởng, vũ kịch tại Việt Nam. Trong khi đó, nhạc giao hưởng là loại hình âm nhạc kén người nghe, đòi hỏi thính giả có tri thức về đỉnh cao khí nhạc. Bằng cảm nhận của một người dân Việt Nam, có thể nói thành phần này không nhiều trong xã hội hiện nay.
Rõ ràng có nhiều ẩn số chưa có lời giải, nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn nôn nóng quyết định xây nhà hát. Phải chăng là vì những khoản tiền “lại quả” hậu hĩnh mà người ta bất chấp hiệu quả, bất chấp lương tri?
Tóm lại, việc có hay không có một nhà hát nghìn tỷ không hề quyết định sự phát triển về văn hóa, nghệ thuật. Bởi thực tế, hai yếu tố này được định hướng bởi cơ chế và chính sách. Trong đó, điều kiện tiên quyết để văn hóa, nghệ thuật phát triển phải là sự tự do, cởi mở trong tư tưởng để sáng tạo. Nhưng điều này không thể nào có khi tồn tại Ban tuyên giáo, Bộ Thông tin-Truyền thông, Sở văn hóa… những kẻ chuyên đi kiểm duyệt, những hung thần của tự do xã hội. Bởi vậy, nếu thể chế độc tài còn cai trị, thì việc xây vài ba cái Nhà hát nghìn tỷ cũng không bao giờ làm cho nền nghệ thuật nước nhà khá hơn được.
No comments:
Post a Comment