HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dịch “tay chân miệng” đang quay trở lại với tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng khiến tất cả trẻ nhỏ đều có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo Dân Trí, “tay chân miệng” là bệnh do virus lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rãi rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011 “tay chân miệng” đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong. Từ năm 2012 đến giữa năm 2018, bệnh tay chân miệng trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, từ Tháng Bảy và Tháng Tám bệnh có xu hướng tăng lên, và đến nửa cuối Tháng Chín và tuần đầu của Tháng Mười bệnh bắt đầu tăng vọt tại nhiều tỉnh thành, trong đó Sài Gòn đang có mức tăng đáng kể nhất, lên đến hơn 130% so với tuần cùng kỳ năm 2017.
Báo Dân Trí dẫn lời Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 là chủng virus và chủng C4 loại virus gây nên dịch năm 2011.”
“Muốn trẻ có miễn dịch thì cơ thể phải thấy loại vi rút gây bệnh, nhưng trong vòng 7 năm qua Ev71 không xuất hiện nhiều nên trẻ không được tiếp xúc, không tạo được miễn dịch. Do đó, những bé sinh sau năm 2013 gần như không có chút miễn dịch nào với Ev71 và C4 nên chỉ cần có một tác nhân gây bệnh xuất hiện sẽ mang đến nguy cơ lây bệnh cho cả cộng đồng,” Bác Sĩ Khanh nói.
“Tay chân miệng” là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Bác Sĩ Khanh cho rằng: “Việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Khoảng 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.” (N.L)
No comments:
Post a Comment