Wednesday, August 29, 2018

VN và vấn đề 'ngăn tụ tập đông người' ngày 2/9

Theo VOA-29 tháng 8 2018 


Biểu tìnhBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionMột cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội năm 2016

Có ý kiến rằng việc Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngăn 'tụ tập đông người' hôm 2/9 là 'vi hiến', và rằng Hiến pháp chỉ đề cập 'biểu tình' chứ không có 'tụ tập'.
Ngăn chặn'tụ tập đông người'
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu lực lượng công an nắm bắt tình hình, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, quá khích dịp lễ Quốc khánh, theo truyền thông Việt Nam.
"Công an cần chủ động nắm tình hình, quản lý tốt đối tượng, có giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố trong dịp cao điểm này", ông Nguyễn Đức Chung nói trong cuộc họp của UBND TP Hà Nội hôm 27/8.
Theo hãng tin Reuters cùng ngày từ Hà Nội thì chính quyền Hà Nội không nói rõ các vấn đề được cho là có thể dẫn tới biểu tình là gì.
"Quyền tự do hội họp là hợp pháp ở quốc gia cộng sản này, nhưng bất chấp những cải cách sâu rộng, Việt Nam ít khoan nhượng người bất đồng chính kiến. Người biểu tình và nhà hoạt động thường xuyên bị ngăn chặn nhóm họp hoặc bị kết tội "gây rối trật tự công cộng," bản tin Reuters viết.
Không chỉ Hà Nội, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã có những hoạt động tuyên truyền để ngăn chặn biểu tình hôm 2/9, theo thông tin từ một nhà hoạt động.
"Các tổ dân phố đã phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa, hoặc đến tận nhà kêu gọi người dân 'cảnh giác với các thế lực thù địch' dịp 2/9," ông Dương Đại Triều Lâm, thành viên của mạng lưới Bloggers Việt Nam nói với BBC hôm 28/8.

'Vi hiến'

"Căn cứ vào Hiến pháp Việt Nam, điều ông chủ tịch Chung nói là vi hiến," nhà báo tự do Lê Trọng Hùng, người được biết đến với các livesteam trên mạng xã hội phổ biến về pháp luật, nói với BBC hôm 28/8.
"Trong Hiến pháp Việt Nam không có từ nào là 'tụ tập đông người', chỉ có từ 'biểu tình'.
Theo nhà báo Lê Trọng Hùng, việc ông Chung đưa ra lời kêu gọi như vậy đặc biệt trái với điều 25 Hiến pháp Việt Nam, trong đó quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình.
"Mệnh đề hai của điều 25 nói 'việc thực hiện những quyền này do pháp luật quy định' là mâu thuẫn. Vì Hiến pháp là bộ luật tối cao rồi. Các bộ luật chỉ là hiện thực hóa Hiến pháp thôi chứ không có quyền quy định lại Hiến pháp."
"Chính vì điều mơ hồ này nên người dân không dám đi biểu tình. Trong khi đã được hiến định rõ ràng thế này rồi thì không cần chờ luật nào hết. Nếu có luật biểu tình thì chỉ là để Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho người biểu tình mà thôi."


"Việc người dân đi biểu tình, nếu có, là họ đang thực hiện quyền lực nhà nước trực tiếp. Nếu ông Chung tìm cách ngăn cản là ông Chung vi hiến," ông Hùng nói với BBC từ Hà Nội.
Ông Hùng cũng nói ông không ủng hộ chuyện quá khích, nhưng cần phân biệt biểu tình với các hoạt động quá khích khác.
"Ví dụ lạng lách, đánh võng, các cô gái thoát y mừng U23 Việt Nam thắng tối 27/8 thì ông Chung ở đâu? Đó có phải là tụ tập quá khích không?"
"Ông Chung cần xem lại Hiến pháp và thượng tôn pháp luật," nhà báo tự do nói với BBC.

'Chính quyền có lý do phản ứng'

Còn nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nói với BBC rằng 'không bất ngờ với phát biểu của ông Chung' vì nhà cầm quyền thường thắt chặt an ninh vào những dịp lễ lớn.
"Những nhà hoạt động xã hội dân sự cũng thường bị canh giữ ở nhà hay giám sát gắt gao vào các dịp này. Thêm nữa, có một số kêu gọi mang tính chất "bạo lực, khủng bố" ở trên mạng nên chính quyền lập tức dựa vào điều này để tăng cường lực lượng."





Ông Lâm cũng nói những lời kêu gọi biểu tình dịp 2/9 lan tràn trên mạng xã hội chủ yếu xuất phát từ hải ngoại. Tuy nhiên không thấy rõ mục đích 'xuống đường' được kêu gọi là gì.
"Biểu tình, ví dụ hôm 10/6, có mục đích rất rõ ràng, là phản đối luật an ninh mạng và đặc khu. Một số cuộc xuống đường của giới hoạt động dân sự trước đây cũng nêu rõ mục đích vì an sinh, môi trường hoặc nhân quyền."
"Trong khi đó, lại xuất hiện một số lời kêu gọi có tính chất 'bạo lực', như đốt đồn công an. Cộng thêm một số vụ việc gần đây như vụ ném bom xăng vào đồn công an quận 12, hay vụ việc của nhóm ông Đào Minh Quân ở Mỹ bị cáo buộc âm mưu tấn công bằng bom nhân các ngày lễ lớn... khiến chính quyền có lý do để phản ứng, đưa ra lời kêu gọi như vậy."
"Vì thế, các bạn trẻ trước khi xuống đường, hay biểu tình, cần biết mình làm vì mục đích gì, và những rắc rối mà mình có thể phải gặp phải sau này,," ông Lâm nói với BBC từ Sài Gòn hôm 28/8.
Giới chức Việt Nam mới đây cũng bỏ tù hai người Mỹ gốc Việt được cho là trung thành với chính phủ VNCH trước đây, cho rằng họ có âm mưu đánh bom.

Ngăn chặn 'biểu tình lật đổ'

Một số tờ báo của nhà nước Việt Nam hôm 28/8 cũng đăng những bài viết về liên quan đến 'biểu tình' và 'ngăn chặn biểu tình' dịp 2/9.
Chẳng hạn, báo Quân đội Nhân Dân có bài "Biểu tình lật đổ, những kịch bản ảo tưởng, dối lừa", đề cập đến 'các thế lực thù địch', 'phản động', kêu gọi 'tổng biểu tình' qua mạng xã hội.
"Không chỉ lợi dụng mạng xã hội để hô hào, các thế lực này còn "tuyên bố" sẽ liên tiếp phát động biểu tình đến khi nào lật đổ được chế độ cộng sản ở Việt Nam mới thôi," bài báo trên Quân Đội Nhân Dân hôm 28/8 viết.
Cũng trên website của báo này còn có video với tiêu đề "Mọi "kịch bản" biểu tình phi pháp đều thất bại trước khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam".
Trước đó, lãnh đạo ngành Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm nói "nhiều đối tượng nhiễm ma túy, HIV và sống 'ảo' được thuê để đi biểu tình" trong phiên đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An hôm 13/8, theo website của Bộ Công An.

Quyền biểu đạt và khủng hoảng niềm tin

Ở Việt Nam, chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo thường lo ngại về các cuộc xuống đường đông đảo mà cuộc phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng là ví dụ mới đây nhất.

Việt Nam, biểu tình, dân chủBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột cuộc biểu tình ở Bình Dương, Việt Nam năm 2014. Dù cuộc biểu tình có nội dung ban đầu là kinh tế tại một khu chế xuất, vấn đề nhanh chóng bị coi là chính trị và phản ứng của chính quyền là dùng cảnh sát ngăn chặn

Một mặt là nhãn quan "nhìn đâu cũng thấy kẻ thù", không có cơ chế mở rộng không gian thảo luận các vấn đề quan trọng khiến nhiều vụ việc chỉ mang tính kinh tế, xã hội như tranh chấp đất, môi trường nhanh chóng bị chính trị hóa, kể cả từ phía các cơ quan chính quyền.
Mặt khác, quyền biểu đạt tự nhiên của người dân Việt Nam thường pha trộn với cảm xúc chống Trung Quốc lâu đời mà giới quan sát nước ngoài cho là dễ "bùng nổ", khiến chính quyền không kiểm soát được.
Tình hình, như các vụ biểu tình chống Luật Đặc khu gần đây, "cho thấy có đủ các dấu hiệu của khủng hoảng niềm tin", theo một đánh giá hồi tháng 6/2018 của Viện Lowy tại Úc.
"Đa số công chúng tin rằng tham nhũng trong bộ máy công quyền là kinh niên ở Việt Nam. Dù chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ rộng rãi, điều này khó tạm thu hút niềm tin trong công chúng về các chính sách mới nhất".
Cùng lúc, bùng nổ của mạng xã hội và kết nối trong ngoài nước khiến các giới vận động dễ dàng liên lạc, và tổ chức các hoạt động đề cao tiếng nói của họ, khiến giới chức tỏ ra bất lực và dễ đi tới chỗ dùng biện pháp mạnh không cần thiết.
Luật biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần trong Quốc hội Việt Nam dù được ghi trong Hiến pháp, và điều này đang là điểm gây tranh cãi giữa chính quyền và giới vận động.

No comments:

Post a Comment