Wednesday, August 29, 2018

Mừng ngày 2 tháng 9 và mừng... ngày mất của Bác!

Hưng Yên (Danlambao) - Để tránh bị chê là thằng... ngu, chúng tôi xin thưa ngay rằng cái "tiêu đề" của bài viết náy không phải chúng tôi tự nghĩ ra được, mà là đã "cóp" nguyên xi của một vị nào đó ở trên Net.

Số là nó như thế này: Mỗi sáng sau khi thức dậy, làm vệ sinh cá nhân xong, công việc bắt buộc của tôi - có tính cách bất di bất dịch - là: Trong khi chờ bà xã chuẩn bị cho bữa điểm tâm buổi sáng thì tôi tự pha cho mình 1 ly cà phê, cũng "cái nồi ngồi trên cái cốc" đàng hoàng. Ăn sáng với nhâm nhi cà phê xong rồi là tôi kéo ống nước tưới cho mấy chậu rau đủ thứ linh tinh như là: mấy gốc ớt, mấy chậu ngò gai, ngò rí, kinh giới, tía tô, dấp cá... đại khái mất chừng 5 phút. Công việc này siêng thì tôi làm, còn không thì tự bà xã làm lấy không sao. Ngoại trừ một thứ bắt buộc tôi phải tự làm lấy, không thể "đùn" cho người khác được và đó là "nghiêm lệnh" của bà xã. Đó là tôi phải tự đi bộ bằng đôi chân của mình chung quanh cái sân xi măng phía sau nhà tối thiểu 30 phút, lâu hơn nữa thì càng tốt. Chỉ có vậy thôi mà thi thoảng vì lười tôi cũng... ăn gian, ấy là tưới xong mấy chậu rau tôi lỉnh vào nhà ngay, lại ngồi trước cái Com-pu-tơ đọc đọc, viết viết ra cái điều ta đang bận rộn lắm đây. Biết được cái việc tôi "trốn việc quan đi ở chùa" (*) này, bà xã lại "cằn nhằn: Đi exercise tốt cho sức khỏe của mình không muốn, tối ngày cứ đọc đọc viết viết thì ăn cái giải gì chứ?! Không "ăn cái giải gì nhưng tính tôi nó thế thì biết làm sao? 

Chết thật, mãi "thanh minh thanh nga lẩm cẩm" mà tí nữa quên mất mục đích của bài viết. Ấy là đọc được ở trên Net câu "Mừng ngày 2 tháng 9 và mừng ngày mất của Bác"! Tôi cố nghĩ mãi ngày 2 tháng 9 là ngày quái quỷ gì mà phải mừng thế nhỉ, còn ngày Bác mất sao lại mừng? Nghĩ mãi sau mới chợt nhớ ra: À 2/9/1945 là ngày quốc khánh của Việt cộng, còn ngày 2/9/1969 lại là ngày Bác Hồ đi ngủ với giun. Một sự trùng hợp thú vị cho nên không thể buổi sáng nhảy múa mừng ngày quốc khánh rồi buổi chiều lại lăn lộn khóc thương Bác được. Thôi thì gồm cả 2 thứ làm một: Mừng ngày 2 tháng 9 rồi mừng ngày mất của Bác luôn cho tiện việc sổ sách! Thế nhưng đọc đi đọc lại cái "tiêu đề" của bài viết tôi lại thấy nó như "lấn cấn" một cái gì không ổn. Bác mất mà lại mừng thì có khác gì nó... đem Đỗ Mười ra chửi Bác không? Hay là người viết lên câu này muốn "xỏ lá" Bác? 

Thú thật, đậm nét nhất trong đầu chúng tôi cho tới ngày nay chỉ là ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1955 là ngày khai sinh nền Đệ I VNCH, tiếp đó là ngày Quốc Khánh 1/11/1967 là ngày khai sinh nền Đệ II VNCH, chót hết là ngày 19/6 hàng năm là ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH. Chỉ bấy nhiêu thôi, chứ với những 2 tháng 9, với những ngày sinh, ngày mất của Bác có làm chúng tôi bận trí bao giờ đâu? Đặc biệt chỉ mới gần đây thôi, mở Còm-pu-tơ, vừa mới lên Net là thấy ngay lời kêu gọi trong nước cũng như ngoài nước, mọi người nên đông đảo xuống đường dẹp cho bằng được cái đám Việt gian cộng sản mất gốc này đi, chứ cái điệu này thì nó dâng Việt Nam cho Tàu cộng đến nơi rồi! Đúng đấy các vị ạ, ngoài những Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc nay đã thuộc về Tàu cộng thì ở trong nước, suốt từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng đầy rẫy người Tàu. Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương... có những phố Tàu. Từ chữ viết, tiếng nói, bảng hiệu, trang trí... cái gì cũng Tàu. Thậm chí có những cửa hiệu, quán ăn nó còn không cho người Việt Nam vào. Mua bán toàn bằng Đô La Mỹ hoặc bằng đồng nhân dân tệ của Tàu chứ không tiêu bằng tiền đồng của Việt Nam. 

Nhớ lại trước 1975, nhất là dưới thời Đệ I VNCH, Sài Gòn chỉ có một khoảnh gọi là Chợ Lớn cho người Tàu ở túm tụm lại với nhau. Đặc biệt người Tàu muốn ở luôn Việt Nam thì phải nhập quốc tịch Việt Nam, thanh niên Tàu đến tuổi cũng phải đi quân dịch như thanh niên Việt Nam vậy. Có đúng như thế không hay bảo chúng tôi chỉ giỏi phịa? 

Không biết các bạn trẻ bây giờ thế nào, chứ già cúp bình thiếc cỡ tuổi tôi trở về trước (80 tuổi trở lên), ít người lại không biết bài thơ của Lý Thường Kiệt: 

Nam quốc sơn hà 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. 

Dịch nghĩa: 

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong. 

Bài thơ của Tiền Nhân vẫn còn rành rành ra đây, lịch sử mấy nghìn năm còn có: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung không làm chúng bay sợ hay sao? 

Thế nhưng mà các vị ạ, khổ lắm, thời nào cũng vậy, hễ có người anh hùng giữ nước thì lại có kẻ bán nước cầu vinh. Đời nhà Trần có Đức Trần Hưng Đạo đánh cho quân Nguyên te tua không còn manh giáp thì lại có Trần Ích Tắc bán nước cầu vinh, bị sử sách muôn đời xỉ vả. 

Đời nhà Nguyễn có Vua Quang Trung Nguyễn Huệ với cuộc hành quân thần tốc đêm 30 tết. Lang thang trên Net, chúng tôi đọc được 1 bài viết có đoạn thú vị như thế này, xin trích nguyên văn ra đây để mọi người cùng đọc: 

"Đêm 30 tết (âm lịch), quân ta vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy), tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. Đêm mồng 3 tết, quân ta bí mật vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Quân giặc bị đánh bất ngờ, hoảng sợ, hạ khí giới đầu hàng.

Mờ sáng mồng 5 tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là đồn quan trọng nhất của địch với khoảng 3 vạn quân tinh nhuệ đóng giữ. Đồn luỹ được xây đắp kiên cố, xung quanh đều cắm chông sắt và chôn địa lôi dầy đặc.

Khi đến sát đồn giặc, Quang Trung truyền lệnh cho tượng binh và bộ binh đồng loạt xông tới. "Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết..., thây ngổn ngang đầy đồng, máu chảy thành suối. Quân Thanh đại bại".

Khi đạo quân của Quang Trung đang đánh đồn Ngọc Hồi thì đạo quân của đỏ đốc Long tấn công đồn Đống Đa. Được nhân dân địa phương giúp sức, quân ta giáp chiến, đốt lửa thiêu cháy doanh trại giặc. Tướng giặc là sầm Nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử." (Hoàng Lê nhất thống chí).

Tiền nhân anh hùng như thế, nhưng đến đời chúng ta ngày nay thì sao? Cũng mang họ Nguyễn đấy nhưng bác Nguyễn Phú Trọng, TBT của đảng cộng sản ngày nay thế nào? Bác là "anh hùng" hay là "anh hèn"? Nếu là anh hùng sao bác lại mang tiếng là "hèn với giặc ác với dân? Hỏi tức là trả lời vậy! 

(*) Trốn việc quan đi ở chùa - thành ngữ - Ý nói tránh việc nặng làm việc nhẹ. 

30.08.2018

No comments:

Post a Comment