Ralph Jennings-20/08/2018
Giao dịch tại một ngân hàng tại Hà Nội
Các nhà phân tích cho VOA biết Việt Nam đang cố gắng kìm chế lạm phát để tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng xấu như đã từng xảy ra cách nay một thập kỷ.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 4,67% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,29% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trước đó Quốc hội Việt Nam đã đặt chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 4%.
Giá các mặt hàng tăng, trong đó có giá dầu thô tăng, là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng, thêm vào đó thuế môi trường đánh trên xăng dầu được đề xuất áp dụng từ tháng 10 cũng góp phần làm tăng lạm phát, trang web VnExpress cho biết.
Đồng nội tệ đang mất giá, tầng lớp trung lưu mở rộng và thị trường tín dụng tăng cũng là các nhân nguyên làm chỉ số giá cả gia tăng.
Ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết: “Tôi nghĩ nhìn chung xu hướng này đang tăng và đó là kết quả của việc tăng chi tiêu của người Việt Nam.”
Vào năm 2008, lạm phát tăng hơn 20% đã ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ba năm sau đó. Mục tiêu lạm phát tăng dưới 4% trong năm nay là nhằm ngăn chặn điệp khúc này.
Ông Brown nói: “Chúng ta cần theo dõi chỉ số này. Rõ ràng, nếu điều đó xảy ra, tức là lạm phát tăng cao trở lại, thì đó là một vấn đề. Nhưng hiện tại thì điều đó chưa xảy ra.”
Tuy nhiên, người tiêu dùng nhận thấy giá xăng dầu đang cao hơn khi họ đổ xăng cho xe máy. Bà Phương Hồng, Giám đốc truyền thông của một công ty công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết nhiều người dân cũng nhận thấy rằng giá gạo đã tăng 10% kể từ dịp tết Nguyên Đán và từ đó đến nay không hề giảm.
Bà Hồng cho biết thêm giá điện sinh hoạt mỗi năm cứ tăng lên, trong khi mức tăng tiền lương của người lao động bình thường không đủ để bù đắp cho các khoảng tăng này:
“Thông thường tỷ lệ tăng giá luôn luôn cao hơn nhiều và luôn luôn cao hơn tỷ lệ tăng lương.”
Trong năm nay, Việt Nam nâng mức lương tối thiểu lên 6,5% và năm 2019 có kế hoạch tăng thêm 5,3%.
Việt Nam phải đối mặt với áp lực để duy trì chi phí lao động thấp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một vài công ty lớn của Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng khoảng 7% sau vài năm gần tăng 6%. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính mức tăng trưởng trong cả năm của Việt Nam là 7,1%.
Báo Nhân Dân cho biết các cơ quan chính phủ "cần giám sát chặt chẽ diễn biến giá", nhất là trong việc chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết, cần kiểm soát giá cả và "đặt ra các biện pháp hợp lý" để ổn định thị trường. Vào tháng trước Quốc hội đã xem xét lại đề xuất thu thuế môi trường.
Các nhà phân tích hy vọng rằng Việt Nam sẽ vượt qua mức tăng giá hiện tại mà không lặp lại mức lạm pháp như 10 năm trước, nhưng cảnh báo rằng việc đồng nội tệ mất giá do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã ảnh hưởng đến khu vực của châu Á.
Bà Marie Diron, giám đốc điều hành của công ty tài chính Moody Investors Service tại Singapore cho biết: “Hiện tại, thực sự chúng tôi không nghĩ có áp lực do lạm phát,” nhưng bà nói rằng “với sự suy yếu của đồng nội tệ, mức lạm phát có thể sẽ tăng thêm một chút ở Việt Nam và các nước khác.”
No comments:
Post a Comment