Theo VOA-Trân Văn/20/08/2018
Sau khi công bố kết luận, Con Cưng không buôn lậu, không bán hàng giả (1), Bộ Công Thương công bố thêm quyết định thành lập một “Tổ công tác” mà thành viên bao gồm đại diện nhiều cơ quan trực thuộc (Văn phòng, Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế) để kiểm tra, đánh giá lại việc tuân thủ, thực thi pháp luật của Cục Quản lý thị trường trong scandal Con Cưng (2).
Con Cưng là tên của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Đến nay, Con Cưng có 330 cửa hàng trên toàn Việt Nam và là nơi mà nhiều phụ huynh nghĩ tới khi cần mua sắm gì đó cho con cháu của mình.
Hạ tuần tháng 5, một khách hàng của Con Cưng phàn nàn trên mạng xã hội rằng 1/7 sản phẩm mà khách hàng này đã mua từ Con Cưng bị lỗi và “dường như không bình thường về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm”. Con Cưng xin lỗi, xin bồi thường nhưng khách không đồng ý và tố cáo với Cục Cạnh tranh – Bộ Công Thương. Con Cưng bắt đầu bị chỉ trích trên mạng xã hội và những chỉ trích ấy bắt đầu xuất hiện trên hệ thống truyền thông.
Hạ tuần tháng 7, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra toàn bộ các của hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Ngày 22 tháng 7, Cục Quản lý thị trường kiểm tra ba cửa hàng của Con Cưng tại Sài Gòn. Hôm sau, 23 tháng 7, Cục Quản lý thị trường kiểm tra 70 cửa hàng nữa của hệ thống này…
Nếu theo dõi sát diễn biến scandal Con Cưng trên hệ thống truyền thông Việt Nam, có thể thấy rất rõ, giống như Công an Việt Nam, Cục Quản lý thị trường cũng lại dùng báo giới như quân đội thường dùng phi cơ dội bom, pháo binh bắn phủ đầu để dọn đường cho bộ binh tràn lên tiêu diệt đối phương. Chỉ có điều đối phương của Công an, Quản lý thị trường ở Việt Nam không phải là kẻ thù, đó chỉ là các doanh nghiệp, đa số rất thành công trong sản xuất, kinh doanh.
Trong và sau khi kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng, Cục Quản lý thị trường đã tỏ ra hết sức chủ động, tận tình trong việc cung cấp thông tin cho báo giới. Thay vì phối kiểm, hệ thống truyền thông chính thức tự nguyện làm xung kích. Ngoài việc liên tục cập nhật thông tin liên quan tới các cuộc kiểm tra (đã khám xét bao nhiêu cửa hàng, tạm giữ bao nhiêu sản phẩm, gồm những loại nào, sản phẩm của Con Cưng không có chứng từ nhập cảng, thiếu minh bạch về nguồn gốc…), báo giới còn “đính kèm” nhiều “thắc mắc”, “tâm tư”, cố tình gia tăng nghi ngại, kích động tẩy chay, kiểu như: “Con Cưng đối diện nghi vấn nghiêm trọng hơn Khaisilk” (Khaisilk bị phát giác bán các sản phẩm, sản xuất từ lụa của Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Vietnam) hoặc “sản phẩm bán ra từ chuỗi siêu thị Con Cưng liên quan đến trẻ em, sức đề kháng không như người lớn nên có quá nhiều câu hỏi cần Con Cưng minh bạch” (3)...
Tứ bề thọ địch, Con Cưng tìm đủ mọi cách chống đỡ. Đầu tiên, Con Cưng tuyên bố sẽ tặng một tỉ đồng cho bất kỳ khách hàng nào chứng minh hàng hóa đã mua từ Con Cưng có sự gian trá về xuất xứ sản phẩm. Thế nhưng việc treo thưởng được xác định là không phù hợp với bối cảnh – đang là đối tượng bị các cơ quan hữu trách kiểm tra – Con Cưng ngưng treo thưởng, chuyển sang công bố 30 văn bản của các doanh nghiệp ngoại quốc, xác nhận Con Cưng đã mua – phân phối sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam hoặc đặt họ gia công để mang về bán tại Việt Nam. Tới lúc này, tuy Cục Quản lý thị trường không tiện lên tiếng nữa nhưng một số cơ quan truyền thông chính thức vẫn tiếp tục xông lên phía trước, với những câu hỏi khiến người ta cảm thấy, chẳng rõ người hỏi có vong bản không: Những sản phẩm mà Con Cưng đặt các cơ sở trong nước gia công có bảo đảm chất lượng? Liệu có khả năng nhập cảng là chiêu bài để bán hàng sản xuất tại Việt Nam với giá hàng nhập cảng? (4)...
May mắn cho Con Cưng là giới sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam công tâm hơn báo giới. Tất cả những nỗ lực tự bảo vệ của Con Cưng giúp nhiều facebooker nhìn ra sự bất thường của Cục Quản lý thị trường nói riêng và Bộ Công Thương nói chung. Một số facebooker bắt đầu phân tích thực – hư, đúng – sai và kêu gọi Bộ Công Thương phải sớm có kết luận cuối cùng chứ không thể ngâm Con Cưng trong nghi ngại...
***
Cuối cùng, Bộ Công Thương cũng đã có kết luận, bảy “đại tội” của Con Cưng đã được gom lại thành ba “lỗi nhỏ”. Nói cách khác, Con Cưng đã được tha tội chết. Chỉ có điều doanh nghiệp này đã trọng thương. Suốt tháng vừa qua, các cửa hàng vắng như chùa Bà Đanh, các loại chi phí (lương, mặt bằng, điện, nước, thuế, phí,…) vẫn phải trả. Bao nhiêu phụ huynh sẽ quay lại với Con Cưng để mua sắm các vật dụng cần thiết cho con cháu của họ? Bao nhiêu phụ huynh quyết định tránh xa hệ thống phân phối vốn càng ngày càng hiếm hoi của một doanh nghiệp Việt Nam cho nó “lành” vì dù sao hệ thống phân phối này cũng đã từng rất… tai tiếng? Không biết.
Cho dù Bộ Công Thương có tổ chức kiểm điểm, kỷ luật bao nhiêu viên chức hữu trách thì Con Cưng cũng đã no đòn và doanh giới – chủ các doanh nghiệp tư nhân đủ loại, đủ cỡ tại Việt Nam - vốn đã chán chường càng thêm ngán ngẩm cho tương lai của mình.
Sau khi trở thành Thủ tướng hồi giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu xiển dương “chính phủ kiến tạo”, thề nâng đỡ, hỗ trợ doanh nhân, kêu gọi họ mạnh dạn đầu tư, phát triển sự nghiệp, góp phần vực nền kinh tế đang lụn bại gượng dậy.
Hai năm vừa qua, song hành với “chính phủ kiến tạo” vẫn là hàng loạt scandal kiểu như Con Cưng. Sẽ chẳng ngoa chút nào nếu bảo rằng ở Việt Nam, “kiến tạo” đã được định nghĩa lại. Giờ, nói tới “kiến tạo” thì phải hiểu rằng đó là nỗ lực bảo vệ cái cũ – cái tiêu cực và tiếp tục phá bỏ cái mới – cái tích cực.
Đầu năm nay, “chính phủ kiến tạo” từng ban hành một Nghị quyết, xác định ngày 15 tháng 8 năm 2018 là hạn chót để tất cả các bộ trong nội các phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh – vốn đã được xác định là đang làm vẩn đục môi trường kinh doanh, kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh giới Việt Nam, nguy hại cho kinh tế - xã hội.
Dẫu cho “cải thiện môi trường kinh doanh” vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “chính phủ kiến tạo” nhưng hạn chót đã qua, “chính phủ kiến tạo” chỉ mới thực sự cắt giảm được 15,1% điều kiện kinh doanh. Tuy nỗ lực thực hiện yều cầu về cải thiện môi trường kinh doanh chỉ ở mức trên 1/10 yêu cầu một chút như Bộ Thông tin - Truyền thông (tỉ lệ cắt bỏ điều kiện kinh doanh chỉ có 6,75%), Bộ Giáo dục – Đào tạo (tỉ lệ cắt bỏ điều kiện kinh doanh chỉ có 7,5%) nhưng vẫn được xếp vào nhóm các bộ… dẫn đầu về “cải thiện môi trường kinh doanh” (5)!
Chú thích
No comments:
Post a Comment