Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam, để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “Made in Vietnam”,theo tin của tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/07/2018. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, Sùng Tả, Trung Quốc.
Phó thị trưởng của thành phố này nói với South China Morning Post rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”. Theo lời ông, các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “xuất xứ từ Việt Nam” hay “xuất xứ từ Trung Quốc”.
Bí thư thị xã Bằng Tường dự báo là các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc “sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng « made in China » tới Mỹ và một số sẽ được vận chuyển qua ngõ các nước thành viên ASEAN”.
Các quan chức của những địa phương sát biên giới Việt Nam đang nỗ lực chào hàng kế hoạch này cho các nhà xuất khẩu ở tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng sông Dương Tử. Họ cho biết những nhà xuất khẩu đó sẽ tiếp cận nguồn lao động rẻ từ Việt Nam, và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của cả hai bên biên giới. Những chính sách này, theo các tài liệu quảng bá, sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Trung Quốc không dễ gì mà thuyết phục được chính quyền Việt Nam chấp nhận. Là một thành viên của ASEAN và là một trong những quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam rất thận trọng trên vấn đề này.
Tuy Hà Nội đồng ý với kế hoạch thành lập các khu vực thương mại xuyên biên giới, nhưng công trình xây dựng các khu này cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết lại đang chậm trễ. South China Morning Post trích lời một nhà báo Việt Nam cho biết là dư luận Việt Nam chống lại việc lập các khu vực thương mại xuyên biên giới bên phía Việt Nam, vì rất nhiều người lo ngại khi thấy đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng, kéo theo những hậu quả nghiệm trọng về ô nhiễm, và những vấn đề về đất đai.
Tờ Financial Times ngày 20/07 vừa qua cũng đã loan tin là các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang xem xét việc dời việc sản xuất sang Việt Nam và các nước có chi phí thấp khác ở Đông Nam Á.
Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung buộc họ phải đẩy nhanh các kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi mà lương công nhân đã tăng rất nhanh trong thập kỷ qua. Nhưng các nhà sản xuất được Financial Times trích dẫn lưu ý rằng việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài sẽ mất nhiều năm, và có nguy cơ, một là từ đây đến đó tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã được giải quyết, hai là chính quyền Trump sẽ mở rộng việc áp thuế sang những nước như Việt Nam để ngăn chận các nhà sản xuất Trung Quốc né thuế./.
No comments:
Post a Comment