RFA-2018-08-28
Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10 năm 2016-Citizen photo
Phiên tòa xét xử vụ án một người dân kiện Ủy Ban Nhân Dân Quận 2 liên quan số hộ phải di chuyển trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và cưỡng chế thu hồi đất dự kiến diễn ra sáng 28/8 đã bị hoãn. Lý do được thông báo ngay tại phiên xử là do bên bị đơn vắng mặt.
Mạng báo Vietnamnet loan tin nguyên đơn là ông Lê Văn Lung và ông này cho biết đã nộp đơn kiện đến nay đã 5-6 năm, 2 lần tòa mời lên đối chất cũng chỉ có ông dự. Bên bị đơn không ai có mặt. Nay tới ngày xử thì lại hoãn.
Ông Lê Văn Lung khiếu kiện vì cho rằng cơ quan chức năng Quận 2 cưỡng chế, phá hủy nhà của ông tại địa chỉ số 9 Trần Não, Phường Bình An là trái pháp luật. Ông Lê Văn Lung cũng cho rằng căn nhà của ông không nằm trong địa giới qui hoạch Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Vụ việc của ông Lê Văn Lung không phải cá biệt vì nhiều người dân tại khu vực Thủ Thiêm cũng có cáo buộc tương tự.
Do đó khi nghe tin về phiên tòa vào ngày 28 tháng 8 như vừa nêu, một số người dân Thủ Thiêm cũng đến tham dự. Theo giấy triệu tập, phiên tòa sẽ bắt đầu làm việc lúc 8h sáng, tuy nhiên tới 9h20 vẫn không thấy Hội đồng Xét xử xuất hiện. Phải tới 9h30, người dân mới được thông báo phiên tòa bị hoãn do bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là UBND phường Bình An và người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn vắng mặt. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 19/9.
Đối với vụ Thủ Thiêm, vào cuối tháng 5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo phải xong kết luật thanh tra trước ngày 15 tháng 7 trên tinh thần càng nhanh càng tốt. Đến ngày 16 tháng 7, ông bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đến thăm người dân, thuyết phục những hộ còn bám đất vào khu tái định cư; thế nhưng một số người vẫn không đồng ý.
Liên quan chuyện lãnh đạo không đến dự những phiên xử bị dân kiện, tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Tư pháp diễn ra vào sáng 22/8, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Việt Nam nêu vấn đề tại sao các phiên tòa hành chính có liên quan đến chính quyền đều không có lãnh đạo UBND nào tham gia.
Cụ thể từ năm 2015-2017, TAND Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban có mặt.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch và đại diện uỷ ban nhân dân vắng mặt tại toà án thành phố, chiếm tỷ lệ 100%.
Tại phiên họp, đoàn giám sát cho biết, tỷ lệ các lãnh đạo UBND và người đại diện không tham gia phiên tòa năm 2017 cao gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật tố tụng hành chính 2015.
No comments:
Post a Comment