HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Quốc Hội chưa xem xét dự án Luật Đơn Vị Hành Chính Kinh Tế Đặc Biệt tại kỳ họp thứ 6” là thông báo chính thức của Quốc Hội CSVN trên trang mạng của cơ quan này hôm 24 Tháng Tám, 2018.
Dự án Luật Đơn Vị Hành Chính Kinh Tế Đặc Biệt, còn được gọi là dự luật Đặc Khu, được Quốc Hội CSVN thông báo như sau: “Dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa XIV (Tháng Mười, 2018), Quốc Hội chưa xem xét dự án Luật Đơn Vị Hành Chính Kinh Tế Đặc Biệt để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật thông qua vào kỳ họp sau.”
Theo lịch trình trước đó vài tháng, kỳ họp Quốc Hội vào Tháng Mười tới đây được xem là thời điểm quan chức “quyết tâm thông qua” dự luật Đặc Khu như họ đã làm với Luật An Ninh Mạng hồi Tháng Sáu, 2018, bất chấp sự phản đối kịch liệt của công luận.
Báo VNExpress dẫn lời Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích việc lùi thời gian xem xét dự luật Đặc Khu là vì “việc lấy ý kiến về dự luật nêu trên đang được chính phủ thực hiện.”
“Qua thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đặc Khu. Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Ý kiến của các đại biểu Quốc Hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau,” bài báo cho hay.
Từ vài tháng nay, các ảnh chụp văn bản bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy nhà cầm quyền CSVN ráo riết chỉ thị công an tại các thành phố lớn tăng cường việc tuyên truyền, bắt người dân ký cam kết “không nghe lời kẻ xấu kích động đi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu vì đó là chủ trương đúng đắn của nhà nước.”
Hồi giữa Tháng Tám, nhiều Facebooker chỉ trích trang fanpage của Huyện Đoàn Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, công khai đăng loạt ảnh thanh niên, đoàn viên Cộng Sản tại địa phương này chụp ảnh với các biểu ngữ công khai ủng hộ Luật Đặc Khu.
Theo dự luật Đặc Khu, CSVN dự trù xây dựng ba đặc khu gồm Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc tại Kiên Giang.
Đa số người dân Việt Nam đã bày tỏ sự phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền vì một điều khoản trong dự luật cho phép “trường hợp đặc biệt được cho thuê đất đến 99 năm.” Ưu đãi này làm dấy lên quan ngại làn sóng doanh nghiệp và người dân Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào ba tỉnh trọng yếu về quốc phòng của Việt Nam.
Các phát ngôn của quan chức bao biện cho Luật Đặc Khu “không có chữ nào về Trung Quốc” càng khiến dư luận thêm nghi ngờ về việc luật này sẽ được thông qua nhằm hợp thức hóa cho một lộ trình nào đó được thỏa thuận ngầm giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Dường như để tránh phản ứng của công luận, các ý kiến dù ủng hộ hay phản đối dự luật Đặc Khu đã bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương CSVN ra chỉ thị hạn chế đăng tải trên mặt báo từ vài tháng nay.
Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam, đưa ra lời kêu gọi trên trang cá nhân: “Bà con cho ý kiến mạnh vào để Quốc Hội ‘cân nhắc’ về dự luật Đặc Khu. Đề nghị Quốc Hội cứ ‘cân nhắc’ lâu lâu như đã từng với Luật Biểu Tình ấy, vài năm nữa là vừa…” (T.K.)
No comments:
Post a Comment