Diễm Thi, RFA-2018-08-23
Những thanh vàng 100g được khắc logo và tên của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.AFP
Mất lòng tin
Chuyện huy động vốn nhàn rỗi trong dân không hề mới tại Việt Nam; tuy nhiên lại là vấn đề nóng khi từ năm 2011, Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình cho Thủ tướng cũng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân. Đã 7 năm mà sao cơ quan chức năng không thể thực hiện được mong muốn thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân? Câu trả lời được Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho RFA biết:
Câu trả lời đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. Tại vì từ năm 2011 cho tới nay, NHNN và chính phủ hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi của dân và các chuyên gia phản biện là làm thế nào để NHNN và chính phủ bảo đảm vàng của dân gửi vào NHNN hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ trở lại với dân.
Nhiều người dân Việt Nam hẳn vẫn chưa quên những phiếu công trái mất giá như thế nào sau kỳ đổi tiền năm 1985. Ông Bàng, một cư dân sài Gòn, chủ tấm phiếu công trái trị giá bốn lượng vàng lúc mua, nói với RFA:
Công trái hồi đó nó bán giờ sau này mất hết, tại vì nó bán thời đó cả chỉ vàng mà sau này mua không được tô phở. Giá nó lên vùn vụt chứ không như bây giờ. Tiền in ra chừng vài năm sau như giấy lộn à. Sau 1975 thì nó đổi tiền thành 'tiền giải phóng'. Một đồng 'tiền giải phóng' ăn tới 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa lận. Trong khi đó đồng tiền của Bắc Việt chỉ là một tấm tín phiếu, không có giá trị tiền tệ thế giới. Sau đó thêm mấy lần đổi tiền nữa, năm 1985... Giai đoạn sau này đồng tiền in ra chừng một năm đến hai năm đã hoàn toàn mất giá trị.
Câu trả lời đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. - Ts. Phạm Chí Dũng
Báo Giao thông số ra ngày 17/5/2016 trích dẫn số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng cho thấy trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu vàng không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động vàng phục vụ phát triển kinh tế nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghi ngờ về lý do nhà nước đưa ra là muốn huy động 500 tấn vàng trong dân để tạo vốn phát triển kinh tế. Ông nói:
Cái lý do nhà nước huy động 500 tấn vàng của dân làm mục tiêu phát triển kinh tế là một điều cực kỳ đáng nghi ngờ. Tôi đặt câu hỏi là huy động 500 tấn vàng của dân để phát triển kinh tế hay để trả nợ nước ngoài, tại vì hiện nay Việt Nam nợ nước ngoài rất nhiều. Con số chính thức được công bố có thể tới khoảng 40 tỷ đô la, có thể còn cao hơn nữa. Và mỗi năm phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế từ 6 đến 8 tỷ đô la, đặc biệt có những năm lên tới 10 hoặc 12 tỷ đô la một năm. Từ nhiều năm qua Việt Nam không có tiền tự có để trả nợ mà phải vay để đảo nợ.
Giải pháp nào?
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nghiên cứu để xây dựng và lập kế hoạch ngăn chặn mọi hoạt động chi phối bởi vàng và biến vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội Việt Nam vào năm 2020. Trả lời câu hỏi của chúng tôi là làm cách nào để nhà nước có thể huy động vàng trong dân, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết:
Tôi nghĩ cách có thể thực hiện được là NHNN phát hành chứng chỉ vàng. Hiện tại số vàng trong dân được cho là đến 500 tấn vàng nằm rải rác trong dân, và chính phủ luôn luôn muốn huy động số vàng đó để phát triển kinh tế qua việc dùng số vàng đó để vay mượn nước ngoài. Vay mượn theo kiểu đó là vay mượn có thế chấp và thế chấp bằng vàng. Có thể vay mượn với giá rất rẻ và lãi suất thấp và dùng số tiền đó để phát triển kinh tế. Thế nhưng làm sao mà huy động hàng trăm tấn vàng từ người dân thì đây là vấn đề rất khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng thẳng thắn cho rằng chủ trương thì đúng nhưng việc thực hiện không phải là dễ bởi người dân Việt Nam có tâm lý cất giữ vàng như là một tài sản có giá trị dù lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống. Ông nói:
Tôi nghĩ để người dân lấy số vàng từ gầm giường, chôn trong nhà hay từ két sắt đem vào hệ thống tài chính thì ngân hàng phải đứng ra là người huy động số vàng đó và phát hành chứng chỉ vàng cho người gửi vàng. Đồng thời chứng chỉ vàng đó phải là chứng chỉ có trả lãi thì dân họ cảm thấy có lợi khi đưa vàng cho nhà nước sử dụng. Và họ tin tưởng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Trung ương đứng ra huy động số vàng đó thì việc hoàn trả số vàng đó đương nhiên là bảo đảm, và rủi ro là 0%.
Theo các chuyên gia kinh tế thì môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn sẽ khiến người dân tin tưởng đưa vàng ra đầu tư thay vì cất trữ như hiện nay. Vậy điều cần thiết phải làm là tạo được lòng tin cho người dân, nhưng bằng cách nào?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây là trở ngại đầu tiên bởi thật sự ra việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng là chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc đầu tiên là làm sao Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra sự tin tưởng cho người dân. Nhưng ông tin rằng với chiến dịch tuyên truyền và thực hiện một cách minh bạch thì người dân dần dần họ sẽ tin tưởng. Ông nói thêm:
Vấn đề chính là Ngân hàng Nhà nước phải cam kết vô điều kiện là bất cứ lúc nào người dân đến lấy vàng ra thì phải trả đúng cho họ chất lượng vàng mà họ đã ký gửi ở ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua lại dường như lại gây thêm nghi ngại trong người dân.
Thống kê số liệu từ báo cáo tài chánh quý 2/2018 của 15 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6/2018, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức gần 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.
Vấn đề chính là Ngân hàng Nhà nước phải cam kết vô điều kiện là bất cứ lúc nào người dân đến lấy vàng ra thì phải trả đúng cho họ chất lượng vàng mà họ đã ký gửi ở ngân hàng trung ương. - Ts. Nguyễn Trí Hiếu
Theo Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, tình hình ngân hàng cổ phần ở Việt Nam hiện cũng vô cùng bê bối, với những ngân hàng lớn nhất lại dính vào những bê bối lớn nhất. Ví dụ Ngân hàng Agribank, một trong 5 ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam, đang giữ kỷ lục số quan chức ngân hàng bị ra tòa vì tội tham nhũng và chiếm đoạt tài sản. Quan chức các ngân hàng lớn như VietinBank, EximBank, Vietcombank, BIDV đều dính dáng tới những vụ chiếm đoạt tài khoản và tài sản của khách hàng. Ông nói thêm:
Nếu mà sâu xa hơn nữa thì một phần ba trong tổng số hơn 30 ngân hàng Việt Nam dính vào tỷ lệ nợ xấu cao. Nếu không cẩn thận giải quyết được vấn đề nợ xấu là chết chùm. Thế thì làm sao người dân có nổi niềm tin vào ngân hàng thương mại, và trên nữa là niềm tin chính trị như “Tuần lễ vàng” năm 1946 để có thể “cúng” vào cho nhà nước?
Truyền thông trong nước dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 rằng bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế bởi vàng được cất giữ trong dân như mọi tài sản khác. Nếu huy động thì vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông và do đó nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống và sẽ khiến thị trường bất ổn do người dân sẽ đầu cơ, tích trữ vàng.
No comments:
Post a Comment