Thursday, August 30, 2018

Mơ hồ việc tụ tập trái luật ở VN

RFA-2018-08-30  
Người dân hò reo chào mừng đội tuyển U23 về nước sau giải đấu vô địch U23 châu Á hôm 28/1/2018.
Người dân hò reo chào mừng đội tuyển U23 về nước sau giải đấu vô địch U23 châu Á hôm 28/1/2018.AFP
Giới hoạt động trong nước thường xuyên bị ngăn cản, gây khó dễ mỗi khi tổ chức các cuộc tụ tập đông người hay biểu tình, với lý do cơ quan chức năng đưa ra là “gây rối trật tự công cộng”.
Trong khi đó nhiều sự kiện tụ tập đông người khác có tính chất ăn mừng thì lại được chính quyền cho phép, thậm chí hưởng ứng cùng.
Vài ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi Tổng Biểu tình nhân dịp lễ Quốc khánh và kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8.
Ngay sau đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nói rằng Hà Nội phải chủ động phòng, chống các hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trong dịp lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 9.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung được đưa ra, hàng ngàn người dân ở các thành phố lớn xuống đường tụ tập, hò reo mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Syria trong giải đấu ASIAD. Người dân mang theo các khẩu hiệu VN vô địch, mặc trang phục lá cờ đỏ sao vàng, hò reo ầm ĩ. Thậm chí một số video lan truyền trên mạng xã hội còn cho thấy cảnh đốt lửa, chặn xe,… trước mặt các nhân viên an ninh mà không một ai bị bắt hay gây khó dễ vì “gây rối trật tự công cộng”.
Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung ở Hà Nội nhận định về nguyên nhân dẫn đến phản ứng khác nhau của lực lượng an ninh trong các sự kiện tụ tập đông người như vậy:
Vấn đề không phải chuyện tụ tập đông người hay biểu tình hay không mà những người Cộng sản họ sợ có thế lực khác làm mất quyền độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước này. Vì vậy họ luôn sợ khi có một đám đông biểu tình hoặc một buổi tụ tập mang một chút xu hướng chính trị hay dân quyền.
Câu chữ của người Cộng sản cũng rất vô cùng. Nếu họ tụ tập ăn mừng chiến thắng, độc lập thì không sao. Nhưng nếu người khác, những người bất đồng chính kiến với họ, hay có tư tưởng cấp tiến mà tụ tập đông người hay lập hội lập nhóm gì đó độc lập mà không theo định hướng của Đảng thì lập tức quy chụp tội ngay.
Một người dân tích cực tham gia biểu tình ở Sài Gòn, cho RFA biết, chính quyền thành phố đã bố ráp an ninh khắp các nẻo đường chuẩn bị đàn áp biểu tình 2/9:
Vấn đề không phải chuyện tụ tập đông người hay biểu tình hay không mà những người Cộng sản họ sợ có thế lực khác làm mất quyền độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước này.-
Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung
Có một nhóm chuẩn bị xuống đường, và vừa đi dạo Sài Gòn thì thấy họ đã đưa người ra đầy đủ, ở tất cả các ngả đường đã bị phong tỏa. Các khu vực như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, sân bay,….
Điểm lại các sự kiện tụ họp đông người, hay biểu tình mà có sự góp mặt của những người bất đồng chính kiến, thì nhận thấy phần lớn sẽ có người bị bắt vì bị quy kết hành vi gây rối trật tự công cộng, dù đây đều là những cuộc tụ tập ôn hòa. Chỉ trong vòng hai tháng 7 và 8 đã có khoảng 40 người người bị bắt và kết án sau khi tham gia vào cuộc biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10-11/6 vừa qua, hầu hết cũng đều bị quy vào tội gây rối trật tự công cộng.
Chúng tôi nêu câu hỏi khi nào thì cụm từ “tụ tập đông người trái luật” được áp dụng, với luật sư Bùi Quang Nghiêm, thuộc đoàn luật sư TP.HCM. Ông cho biết:
Chính quyền VN nếu nghi ngờ mục đích của việc tụ tập ấy họ không kiểm soát được thì họ cho ngay rằng bất hợp pháp. Còn nếu họ kiểm soát được mục đích và có thể quản lý được thì họ cho là bình thường, và họ không ngăn cấm.
Dân biểu tình phản đối dự luật đặc khu hôm 10/6/2018.
Dân biểu tình phản đối dự luật đặc khu hôm 10/6/2018. Courtesy of FB Nguyen Peng
Hiến pháp VN cho phép việc tụ tập đông người nhưng trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP lại đưa ra một loạt các điều kiện chế tài việc tụ tập này như phải đăng ký với cơ quan chức năng, không được mang theo băng, cờ, biểu ngữ nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… và điều được nói là mơ hồ nhất đó là tụ tập không được gây rối trật tự công cộng mà không giải thích cụ thể thế nào là gây rối trật tự công cộng. Đây là những điều được VN quy vào tội “tập trung đông người nơi công cộng trái luật”.
Chính quyền VN nếu nghi ngờ mục đích của việc tụ tập ấy họ không kiểm soát được thì họ cho ngay rằng bất hợp pháp. - LS Bùi Quang Nghiêm
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói rằng cần có luật biểu tình để làm rõ việc tụ tập đông người trái luật:
Giới cầm quyền thì họ không muốn có luật biểu tình, không muốn đảm bảo quyền biểu tình hiến định được thực thi trong thực tế cho nên họ trì hoãn luật biểu tình rất nhiều lần. Cá nhân tôi thì mong muốn có luật biểu tình để làm rõ ràng ranh giới tụ tập đông người hợp pháp hay không hợp pháp.
Sau nhiều lần trì hoãn cho đến bây giờ VN vẫn chưa có luật biểu tình, dù trong Hiến pháp quy định rõ quyền được biểu tình của công dân.
Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung cho rằng việc thông qua luật biểu tình như con dao hai lưỡi, vì cơ quan chức năng có thể thắt chặt các buổi tụ tập hay biểu tình bằng cách đưa ra các con số hay câu chữ “đánh bẫy” người dân. Anh nhấn mạnh ở Việt Nam “luật chỉ dành cho dân mà không dành cho cán bộ, và khi người ta đã không thích thì bất cứ điều gì cũng có thể khép thành tội”.

No comments:

Post a Comment