HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ít nhất đã có 24 người chết và 16 người còn ghi nhận mất tích vì mấy ngày mưa lũ và thủy điện xả lũ mấy ngày qua tại Việt Nam, chưa kể các thiệt hại vật chất nghiêm trọng.
Theo một số báo trong nước, gồm cả tờ Thanh Niên, mưa lũ kéo dài từ ngày 13 Tháng Bảy đến nay, hệ quả từ áp thấp nhiệt đới và trận bão số 3, còn gọi là áp thấp Sơn Tinh, thổi qua Biển Đông, đã gây nhiều thiệt hại vật chất và nhân mạng cho một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung phần Việt nam.
Các cơn mưa tầm tã liên tục gây ra “lũ quét,” sạt lở đất, ngập lụt hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc, khiến thiệt hại về nhân mạng tăng nhanh, theo sự tường thuật của tờ Thanh Niên, với 24 người chết và 16 người mất tích. Người ta sợ rằng thiệt hại nhân mạng sẽ còn lên cao hơn trong những ngày sắp tới.
Vì nhiều thủy điện xả lũ làm lũ lụt thêm trầm trọng hơn, cư dân nhiều nơi, kể cả vùng ngoại thành Hà Nội đã phải di tản đến các nơi cao hơn hầu giữ lấy mạng sống.
Thống kê đến ngày 21 Tháng Bảy, 2018 cho thấy tại tỉnh Yên Bái, nơi ghi nhận thiệt hại nặng nhất, “mưa lũ làm 11 người chết, 8 người mất tích và 11 người bị thương. Sạt lở đất uy hiếp trực tiếp đến 691 hộ dân, buộc phải sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3,356 ngôi nhà bị ngập lụt, hư hỏng và tốc mái; 422 tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng, sập đổ,” theo thông tin của tờ Thanh Niên.
Nguồn tin cho hay tiếp, lũ quét và sạt lở đất tại Phú Thọ làm hai người chết. Một nạn nhân khác bị lũ cuốn mất tích là ông Nguyễn Hồng Tư, cư dân xã Tề Lễ, huyện Tam Nông. Mưa lớn gây ngập lụt cũng khiến gần 1,300 hộ dân phải di chuyển khỏi chỗ ở. Tỉnh Sơn La có hai người chết và bốn người mất tích.
Tại Thanh Hóa, trong ngày 21 Tháng Bảy, huyện Quan Hóa đã di tản người và tài sản của 11 hộ ở xã Thành Sơn, do Thủy điện Trung Sơn trên sông Mã xả lũ. Trong khi đó, gần 200 hộ dân của xã Phú Lệ bị cô lập bốn ngày qua. Tại huyện Lang Chánh, lũ đã cuốn trôi ba ngôi nhà, khiến hai người chết, hai người mất tích. Tuyến QL15C lên huyện Mường Lát nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện không thể lưu thông, tờ thanh Niên kể.
Theo báo điện tử VietNamNet nói về lũ lụt ở tỉnh Nghệ An, hiện có hai nhà máy thủy điện Bản Cánh, xã Tạ Cạ và nhà máy thủy điện Nậm Cắn (xã Nậm Cắn) đang xả lũ với lưu lượng 670m3/s khiến nước sông tiếp tục dâng cao. Cư dân ở 4 xã và thị trấn di dời lên cao lúc thủy điện xả lũ. Nhiều đoạn đường trên tuyến 7B, từ xã Nậm Càn vào Mường Ải, Mường Típ của huyện Kỳ Sơn bị sạt lở núi dẫn tới tắc đường. Chỉ tính riêng đoạn đường từ xã Nậm Càn đến Na Ngoi có 10 điểm sạt lở.
Dự báo khí tượng được tường thuật trên báo điện tử VNExpress nói sẽ còn nhiều đợt mưa lũ trong mấy ngày sắp tới nên dân chúng Việt Nam vẫn còn phải hứng chịu các thiệt hại do “nhân tai” thủy điện phối hợp với thiên tai gây ra.
“Khả năng xảy ra mưa to đến rất to ở Bắc Bộ vẫn còn, do áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ hiện tại được dự báo sẽ đi vào phía Nam Trung Quốc, hoàn lưu của nó có thể bị đẩy về phía Bắc Bộ, gây mưa to diện rộng từ ngày 25 Tháng Bảy, với trọng tâm mưa là các tỉnh Đông Bắc (gồm Quảng Ninh), vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc.” VNExpress dẫn lời phỏng vấn ông Hoàng Phúc Lâm, trưởng phòng Dự Báo Khí Hậu (trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), về tình hình mưa lũ ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tháng trước, thiên tai họp với “nhân tai” đã làm cho 14 người chết trong khi còn 11 người nữa ghi nhận mất tích vì ba ngày lũ lụt tại hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang, đường xá hư hỏng, nhà trôi. (TN)
No comments:
Post a Comment