Monday, July 23, 2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam

RFA-2018-07-23  
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm ngày 14 tháng 7 năm 2018.(Ảnh minh họa)
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm ngày 14 tháng 7 năm 2018.(Ảnh minh họa)-AFP
Kể từ khi đắc cử, nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có những thay đổi và hành động quyết liệt trong thương mại nhằm thực hiện khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và giảm thâm hụt mậu dịch của Mỹ với các nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là một đối tượng chính. Việt Nam – một quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ cả với Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng chịu những tác động rõ rệt từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hệ lụy tại Việt Nam

Kể từ 0h01 ngày 6/7, Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc gồm máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao và lên 16 tỷ USD hàng hóa tiếp theo dự kiến có hiệu lực sau 2 tuần.
Trong buổi họp báo ngày 10/7/2018, Đại diện Thương mại Mỹ - ông Robert Lighthizer cho biết Mỹ có kế hoạch tiếp tục áp thuế suất 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump còn đe dọa, sẽ xem xét áp thuế bổ sung với 500 tỷ USD hàng hóa nữa nếu Bắc Kinh trả đũa, đưa tổng giá trị hàng hóa chịu thuế lên tới 550 tỷ USD - cao hơn cả mức Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm 2017 (506 tỷ USD).
Hệ quả bước đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thể hiện rõ nét trên các thị trường chứng khoán lớn của Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Australia, … và đặc biệt là các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc liên tục mất điểm nhiều ngày liền, kể từ khi manh nha cuộc chiến.
 Việt Nam có một cái đường dây “nối rốn” với Trung Hoa, cho nên thị trường chứng khoán Việt Nam mấy ngày qua chao đảo là tất yếu. - GS. Nguyễn Mại
Giáo sư Nguyễn Mại – Nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, chiến tranh thương mại là câu chuyện toàn cầu, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, không chỉ có Mỹ - Trung, mà còn Mỹ - EU, Mỹ - Canada, Mỹ - Mexico, … nhưng nổi bật cả về mặt giá trị và mức độ căng thẳng nhất là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Cho nên câu chuyện gắn với Việt Nam là câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bởi hai nước này đều là thị trường thương mại lớn nhất (đối với Việt Nam). Với Mỹ là trước đây từng là 20%, và 20% với Trung Quốc. Đến năm 2017 chỉ còn 11% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của mình với thế giới. Còn với Trung Quốc hiện nay vẫn là nhập siêu giảm đi, xuất khẩu mình năm ngoái tăng lên 25-26%, còn nhập khẩu tăng độ 18-20%.”
Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều nhất định phải xảy ra, bởi Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế của Mỹ trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là về kinh tế và chiến lược an ninh. Theo ông Mai, Việt Nam bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này.
“Tất nhiên, Việt Nam có một cái đường dây “nối rốn” với Trung Hoa, cho nên thị trường chứng khoán Việt Nam mấy ngày qua chao đảo là tất yếu. Anh gắn bó với nó quá chặt, nên không thể nào nói không hệ lụy. Đó là điều tất yếu.”
Hệ lụy mà Việt Nam có thể gặp phải không chỉ là thị trường chứng khoán bị tác động, mà còn có thể bị Mỹ áp thuế nhập khẩu lên nhiều mặt hàng mà họ điều tra ra được là có nguồn gốc Trung Quốc, được tuồn vào Việt Nam làm trung gian để xuất sang Mỹ.
Tuy nhiên trong lĩnh vực đầ tư theo Giáo sư Nguyễn Mại, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam không ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, mà chỉ liên quan đến ba điều kiện xúc tiến thương mại – đầu tư mà Hoa Kỳ quan tâm mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Đó là phòng chống tham nhũng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt và thời gian ưu đãi.
“Chừng nào anh giải quyết được ba yếu tố này về cơ bản, thì chừng đó có một làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn. Kể cả khi Mỹ có tham gia TPP hay CPTPP, thì đòi hỏi những cái này rất cao.”

“Trong họa có phúc” nếu biết tận dụng

Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ có tác động tiêu cực, mà còn mang đến cơ hội. Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, trong khi Trung Quốc phải chịu thuế suất cao khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, dẫn đến mất tính cạnh tranh, mất thị phần thì Việt Nam có thể tận dụng thời cơ gia tăng hàng xuất khẩu.
“Thế thì Việt Nam liệu có đủ sức để tham gia vào cái cuộc này, giành bớt lại cái thị trường mà Trung Quốc để mất ở Mỹ, liệu có thể làm được hay không? - thì đó là tài năng của các tập đoàn, đơn vị kinh tế và điều hành của chính quyền Việt Nam. Liệu Việt Nam có chớp được thời cơ này và làm cái việc này được không.”
 Nếu anh muốn chơi với Tàu, coi nó như một thị trường, thì anh phải thay đổi, phải nâng mình lên và anh phải tạo những điều kiện khác để ít thua thiệt. - GS Nguyễn Khắc Mai
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh đến việc Việt Nam có quyền lựa chọn cấp phép cho những dự án đầu tư có lợi nhất từ bất cứ nhà đầu tư nào, kể cả từ Trung Quốc, chứ không thể nhận ào ạt và có hại như hiện nay. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam cũng có cơ hội kiếm lời từ chính hàng hóa Trung Quốc.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa khó xuất khẩu sang Mỹ sang các thị trường khác. Do đó khả năng hàng hóa giá rẻ là có khả năng. Bởi vì không tiêu thụ ở Mỹ với giá cao thì bán giá thấp hơn. Và nếu chúng ta biết buôn bán, chúng ta cầm cửa ngõ của ASEAN, mà chọn Nam Ninh là thế - cửa ngõ ASEAN, chúng ta biết chớp lấy thời cơ này buôn bán với Trung Quốc.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đến vị trí địa – chính trị chiến lược quan trọng của Việt Nam khi nằm cạnh Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới. Việt Nam không thể “cắt cầu” với Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền, mà phải biết tận dụng lợi thế để phát triển.
“Nhưng mà không được tận dụng theo cái kiểu như hiện nay là thua thiệt đủ thứ. Và như thế buộc anh phải thay đổi. Nếu anh muốn chơi với Tàu, coi nó như một thị trường, thì anh phải thay đổi, phải nâng mình lên và anh phải tạo những điều kiện khác để ít thua thiệt. Chứ hiện nay chơi với nền kinh tế Tàu là anh “thua đơn thiệt kép” đủ chuyện. Đấy là sự thật, anh phải tỉnh ngộ.”
Giáo sư Nguyễn Mại đề xuất bốn giải pháp để Việt Nam chủ động ứng phó với các diễn biến tình hình hiện nay, tập trung vào việc theo dõi, nghiên cứu, phân tích mọi động thái và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu đối với ASEAN và Việt Nam. Để từ đó, các ngành cần phải xây dựng chương trình hành động, ứng phó kịp thời. Quan trọng nhất, theo ông Mại là cần thay đổi cách thức điều hành chính phủ một cách phân tán như hiện nay.

No comments:

Post a Comment