Wednesday, July 4, 2018

Tự thiêu vì bị dồn vào thế cùng!

RFA-2018-07-03  
Ông Bùi Hữu Tuân tự thiêu trước cổng trụ sở Cơ quan tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở số 1, Ngô Thì Ngậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vào sáng hôm nay 2 tháng 7.
 Ông Bùi Hữu Tuân tự thiêu trước cổng trụ sở Cơ quan tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở số 1, Ngô Thì Ngậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vào sáng hôm nay 2 tháng 7.Courtesy of Facebook Giang Doan.
Sự kiện thêm một người dân đi khiếu kiện tự thiêu trước cổng trụ sở Ban Tiếp Công dân Trung Ương ở Hà Nội vào sáng hôm 2 tháng 7 lại dấy lên cầu hỏi vì sao người dân phải chọn giải pháp mang tính bế tắc như thế.

Tự thiêu vì ‘oan trái’

Người phải chọn giải pháp tự hủy thân thể vào trưa ngày 2 tháng 7 năm 2018 là ông Bùi Hữu Tuân, sinh năm 1960. Ông là nguyên trưởng thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trước khi đi đến quyết định tưới xăng lên mình và đốt, ông cùng một người cùng thôn đã có cuộc làm việc với cán bộ Ban Tiếp Công Dân Trung ương.
Nguyên nhân ban đầu được cho biết là vì bất bình trước bản án phúc thẩm 3 năm tù với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.’
Con trai ông Tuân cho biết trước ngày thi hành án, ông Tuân hỏi địa chỉ trụ sở Ban Tiếp Công Dân Trung ương rồi đến đó để kháng cáo lần cuối.
Lúc hơn 10 giờ thì tôi thấy lo nên gọi hỏi bố tới chưa. Bố tôi nói tới rồi và dặn dò nếu sau này bố có mệnh hệ gì, đi tù thì con làm đơn kêu oan giúp cho bố để bố được yên lòng.
Con trai ông Tuân nói trước đó thấy ông buồn và nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến hành động tự thiêu là vì quá uất ức.
Mấy hôm tôi thấy ông buồn buồn nên lúc ăn cơm có động viên với ông là cứ đi đi. Chắc 3 năm cải tạo tốt thì 2 năm được về rồi. Ở nhà tôi con lo lắng hết. Nhưng mà ông làm đơn xong không giải quyết được thì ông quẩn quá.
Truyền thông trong nước hôm 3 tháng 7 loan tin cho biết ông Tuân vào năm 2012 đã thay mặt 23 hộ dân trong thôn Đạo Ngạn mở cuộc họp và gửi đơn lên Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Hợp Đồng để đề nghị xin đất làm lăng họ cho bà con.
Bố tôi dặn dò nếu sau này bố có mệnh hệ gì, đi tù thì con làm đơn kêu oan giúp cho bố để bố được yên lòng.
-Con trai ông Bùi Hữu Tuân
Tuy nhiên, UBND xã Hợp Đồng khẳng định ông Tuân cùng với hai Phó thôn là ông Nguyễn Đình Hoàn và ông Lương Kông Tính đã tự ý thu tiền và giao đất cho 20/23 hộ dân với tổng diện tích gần 1700 m2 khi chưa có giấy phép đồng ý của UBND.
Tòa Án Nhân Dân huyện Chương Mỹ trong phiên xử sơ thẩm tuyên ông Tuân 5 năm tù; ông Hoàn 30 tháng tù và ông Tính 12 tháng tù với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.’
Khác với thông tin từ phía chính quyền, gia đình ông Tuân cho biết chính cơ quan địa chính xã đã đo đạc và chia đất cho dân, và trong khi vụ án được đưa ra xét xử, thì địa chính và các bên liên quan đã chối bỏ hành động và đổ hết tội cho ông Tuân.
Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần tự thiêu và tử vong vào tháng 7 năm 2012.
Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần tự thiêu và tử vong vào tháng 7 năm 2012.Courtesy of Citizen.
Phiên phúc thẩm Ông Tuân được cho biết là phiên xử kín không có gia đình và người dân đến dự. Sau đó ông đi khiếu kiện khắp nơi nhưng đều bị khước từ. Con trai ông khẳng định cha mình hoàn toàn bị oan ức.
Ông giúp bà con nhân dân trong thôn để có đất lăng để người dân nếu có người nhà mất thì có đất để chôn cất, thờ cúng. Ông nhiệt tình giúp đỡ người ta nên có đi đo đất, đi thu tiền thì mình không rõ. Nhưng đến khi cơ quan điều tra vào thì xã lại khuyên bố tôi là không khai là đã có địa chính xuống đo đất. Rồi là bảo bố tôi cứ nhận hết trách nhiệm đi, không sao đâu. Nhưng mà đến khi có bản án sơ thẩm mà có bên địa chính kết luận thì bố tôi bất ngờ quá.

Điểm chung của các vụ tự thiêu

Trước đây đã xảy ra nhiều trường hợp phải tự thiêu tại Việt Nam liên quan chuyện khiếu kiện mà không được giải quyết. Đơn cử, hồi tháng 4 vừa qua, một phụ nữ tại Quy Nhơn tự thiêu phản đối cưỡng chế nhà; vào tháng 8 năm 2015, một phụ nữ tại Quảng Ngãi tự thiêu vì tranh chấp đất đai với chính quyền; chị Nguyễn Minh Tân tại Quảng Nam tự thiêu phản đối việc chính quyền xây chợ mới vào tháng giêng năm 2015. Vụ bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, bị chính quyền khủng bố tinh thần dẫn đến tự thiêu trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu và tử vong vào tháng 7 năm 2012.
Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn nhận xét dù nguyên nhân của các vụ tự thiêu có như thế nào nhưng tất cả đều có điểm chung. Anh giải thích.
Con người ta chỉ tự thiêu khi người ta bị đẩy tới mức đường cùng, nghĩa là không còn bất cứ lựa chọn nào khác nữa. Họ quá tuyệt vọng rồi, và họ cho rằng chỉ còn cách tự thiêu thì mới giải thoát được cho họ. Thứ nhất là mong muốn giải thoát và thứ hai là mong muốn công lý sẽ được thực thi.

Lối ra

Từ thực tế đó, những nhà hoạt động xã hội như anh Nguyễn Trường Sơn cho rằng để không còn những người dân phải chọn phương thức cuối cùng là tự tử như thế, chính quyền cần phải lắng nghe người dân hơn nữa và phải có hệ thống tam quyền phân lập công minh, hữu hiệu.
Thứ nhất chính quyền cần có những kênh, những cơ chế, hoặc cá nhân đại diện cho dân thực sự để làm sao đối thoại với dân, lắng nghe người dân, trả lời câu hỏi cho người dân. Thứ hai là hệ thống tư pháp, cụ thể là hệ thống tòa án cần phải độc lập khỏi các nhánh khác của chính quyền để đưa ra những phán quyết mang tính vô tư, hoàn toàn dựa trên căn cứ của luật pháp.
Con người ta chỉ tự thiêu khi người ta bị đẩy tới mức đường cùng, nghĩa là không còn bất cứ lựa chọn nào khác nữa.
-Nguyễn Trường Sơn
Ngoài vai trò lớn từ phía chính quyền, anh Trường Sơn còn cho rằng các tổ chức xã hội dân sự cũng sẽ là cầu nối quan trọng giữa người dân và chính quyền. Đồng thời, các tổ chức nãy sẽ là nơi xoa dịu và lắng nghe nỗi oan ức mà người dân khiếu kiện đang gánh chịu.
Trong những trường hợp tự thiêu này thì vai trò của các tổ chức xã hội dân sự vô cùng quan trọng. Cái mà các tổ chức xã hội dân sự có thể làm là cần đem lại hy vọng cho người dân. Chí ít là lắng nghe câu chuyện của họ và nỗ lực đem câu chuyện của họ ra công chúng và cơ quan công quyền. Con người ta chỉ tuyệt vọng khi không có bất cứ sự giúp đỡ hay chia sẻ nào đến với họ cả. Tôi tin là chỉ cần một chút hy vọng thì người ta cũng sẽ bình tĩnh hơn và cũng sẽ không đi đến nước tự thiêu cháy bản thân.
Trong cuộc giải trình về vụ tự thiêu của ông Bùi Hữu Tuân, đại diện Công An Hà Nội nói đã bố trí lực lượng nắm tình hình và kịp thời giải quyết các vụ việc đột xuất nhằm ngăn ngừa, không để xảy ra trường hợp tương tự. Thắc mắc tiếp tục được đưa ra liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu từ phía cơ quan chức năng!

No comments:

Post a Comment