Wednesday, July 4, 2018

Gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh tiếp tục bị tấn công

 RFA-2018-07-04   
Phòng ngủ bị ném gạch tại nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh
Phòng ngủ bị ném gạch tại nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh-Courtesy FB Minh Hanh Do Maria
Nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động về quyền của người lao động, ở thị trấn Di Linh, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bị một nhóm người lạ mặt tấn công, xịt hơi cay vào đêm ngày 3/7. Cô Đỗ Thị Minh Hạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 4/7 từ nhà riêng của mình ở Di Linh.
vào lúc 11:30 phút khi hai cha con đang ngủ thì gia đình bị cắt điện và tấn công. Tấn công đầu tiên là căn phòng của ba Minh Hạnh, đập vỡ kính cửa phòng ba Minh Hạnh và xịt hơi cay vào. Rất may sáng hôm đó đã chặn một cái cửa để che cửa sổ cho nên họ chỉ xịt được hơi cay mà kính không văng vào đầu ba Hạnh. Ba Hạnh báo cho Hạnh là có hơi độc nên khi Minh Hạnh đi lấy khăn lấy nước giúp ba thì họ liên tục tấn công. Hai ba con Minh Hạnh tìm chỗ trú ẩn. Hơi độc làm ba Minh Hạnh cảm thấy khó thở. Minh Hạnh cảm thấy tay chân tê nóng rát, mặt cũng nóng rát. Họ ném đá nhiều hơn mọi ngày. Minh Hạnh thu một thùng gạch to
Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 2/7 ra thông cáo báo chí lên án các vụ tấn công liên tục nhắm vào gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Theo tổ chức này “những vụ tấn công, ngày càng gia tăng về mức độ bạo lực, có nhiều khả năng là do các hoạt động dân sự gây chú ý của cô Hạnh” và kêu gọi chính quyền địa phương phải có những hành động ngay lập tức để bảo vệ cho sự an toàn của cô Hạnh và gia đình.
Trong vài tuần vừa qua, nơi ở của cô Hạnh và người cha của cô là ông Đỗ Ty, 76 tuổi, ở 19 Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Di Linh, liên tục bị các nhóm người lạ mặt tấn công.
Thùng gạch nhặt được sau vụ tấn công vào nhà cô Đỗ Thị Minh Hạnh
Thùng gạch nhặt được sau vụ tấn công vào nhà cô Đỗ Thị Minh Hạnh Courtesy of FB Minh Hanh Do Maria
Hôm 24/6, một nhóm khoảng chục người đàn ông đã ném đá vào nhà cô. Ngày 26/6, một nhóm người lạ mặt tiếp tục ném đá vào nhà. Ngày tiếp theo, hai người bạn hoạt động dân sự khi đến thăm nhà cô Hạnh ra về đã bị tấn công bằng gậy gộc khiến một người bị thương. Sang ngày 27/6, những người lạ mặt ném bom xăng vào nhà của cô Hạnh. Theo Ân xá Quốc tế những tấn công nhắm vào nhà cô Hạnh trở nên nặng nề hơn các lần trước với nhiều hư hại cho nhà cửa, kính vỡ, gạch ngói vỡ và đồ đạc hư hại.
Cô Đỗ thị Minh Hạnh cho biết gia đình cô đã thông báo với công an thị trấn và huyện nhưng không nhận được sự trợ giúp nào.
Mình đã báo công an, cả công an huyện và thị trấn nhưng họ đều không vào. Công an thị trấn khẳng định họ có vào mà ở bên ngoài nên mình không biết. Họ trả lời rất vòng vo và cúp máy nửa chừng khi mà đang nói chuyện
Vào ngày 4/7, Đài Á Châu Tự Do liên hệ với trực ban công an thị trấn Di Linh về vụ tấn công gần nhất vào nhà cô Hạnh nhưng được cho biết công an không nhận được bất cứ thông báo nào từ gia đình.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 4/7 đã lên tiếng gọi những vụ tấn công này là các hành động trả thù rõ ràng nhắm vào việc đe doạ và để làm cho các nhà hoạt động phải im lặng. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức này thúc giục “chính quyền phải thực hiện ngay lập tức một điều tra công bằng và trừng trị những kẻ đã tham gia vào các vụ tấn công cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, tướng Bùi Văn Sơn phải đối mặt với những trừng phạt nghiêm khắc vì cho phép những hành động như vậy xảy ra ngay trong địa bàn do ông ta phụ trách
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh là một nhà hoạt động cho quyền của người lao động ở Việt Nam, người đã tham gia tổ chức một cuộc biẻu tình ôn hoà ở một nhà máy sản xuất giày dép thuộc tỉnh Trà Vinh hồi đầu năm 2010. Cô cùng hai nhà hoạt động khác là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã bị bắt vào tháng 2/2010. Cô Đô Thị Minh Hạnh sau đó bị tuyên án tù 7 năm với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình sự cũ.
Dưới sức ép của quốc tế, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh vào tháng 6 năm 2014 nhưng cô vẫn phải chịu quản chế tại địa phương.
Theo Human Right Watch, các vụ tấn công nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam tiếp tục xảy ra thường xuyên. Báo cáo của tổ chức này công bố vào tháng 6 năm ngoái ghi nhận 36 trường hợp các nhà hoạt động và blogger ở Việt Nam bị tấn công trong giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017.

No comments:

Post a Comment