Monday, June 25, 2018

Vì sao người Việt Nam bị thế giới khinh miệt?

“…Khi viết lên những điều này, tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương quá lớn và đau xót cho một dân tộc, mà lẽ ra nó phải có một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế từ sau 1945…”
tranhnhau_an01
Người Việt ra nước ngoài hầu hết bị thế giới khinh miệt, bởi mấy lí do sau:

1- Việt Nam có một nền giáo dục rất lạc hậu, thấp so với thế giới chứ không phải là “được thế giới đánh giá cao” như ông Bộ trưởng nói. Bằng chứng cũng có một số giải tri thức quốc tế về môn nọ môn kia, nhưng lại chưa bao giờ có một thành tựu nào về phát minh, sáng chế khoa học, sáng tạo ra những máy móc hay những công trình về công nghệ công nghiệp... để thế giới biết đến. Nếu có thì cũng đắp chiếu bỏ đấy vì không có kinh phí, hoặc phải bán công nghệ cho nước ngoài. Bằng cấp ở Việt Nam chỉ là hữu danh vô thực, đem ra trình các nước tiên tiến như Phần Lan, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ... thì hầu như bị loại bỏ và phải học thi lại theo cách của họ. Họ xem thường bởi sự lười biếng, thiếu tính trung thực, man trá trong thi cử.
2- Nguồn nhân lực người Việt xuất khẩu lao động là rất lớn nhưng trình độ văn hoá và chuyên môn lại rất thấp. Tính cách bóc ngắn cắn dài, sống chộp giật, ăn cắp vặt. Vào siêu thị ăn cắp đồ siêu thị; ở cùng nhau ăn cắp vặt của nhau; trộm cắp cả chó mèo (thú cưng) của người bản địa để ăn thịt; ăn đồ nội tạng dành để chế biến cho gia súc, nhất là món tiết canh vô cùng kinh dị mà người văn minh họ ghê tởm khủng khiếp. Nhìn chung, hầu hết họ vẫn mang theo lối sống mọi rợ từ thế kỉ trước đến xứ người.
Người Việt sống, làm việc hay buôn bán, kinh doanh ở nước nào cũng thế. Cạnh tranh, chèn ép, nói xấu, hãm hại lẫn nhau một cách bẩn thỉu, ác độc, vô nhân tính. Không có tính hội đoàn, đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, mặc dù cùng quê hương máu đỏ da vàng. Tư tưởng tư hữu của người nông dân từ nửa thế kỉ trước, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, chỉ nghĩ cho cá nhân mình mà không nghĩ cho người khác, cho cho tập thể, cho lợi ích của nhà máy, doanh nghiệp...
Ở cũng rất bẩn, đi đến đâu ăn uống tham lam, lãng phí, vứt rác bừa bãi đến đó; nói to, cười đùa hơ hớ, chửi bới nhau oang oang. Người ta nói học ăn, học nói, học gói, học mở; nhập gia tuỳ tục... nhưng công nhân Việt vẫn bê nguyên lối sống làng xã đến nước bản xứ, chả học được ở họ điều gì tốt đẹp, bất tuân pháp luật của họ. Trong khi đó, ở đất nước họ, từ quan đến dân đều phải tuân theo luật pháp. Luật pháp của họ là Thượng Đế, là ý Chúa, không một ai cho mình có cái quyền đứng ngoài Luật pháp.
Song trộm cắp, buôn lậu, lưu manh, tội phạm không chỉ có ở tầng cấp thấp mà nó có cả ở tầng cấp cao như một số Đại sứ quán Việt Nam (Bộ Ngoại giao) đóng ở Đức, Mỹ... chẳng hạn. Nghĩa là nhà dột từ nóc... Nhiều người thấy nhục đâu dám nhận mình là người Việt Nam, nếu được hỏi...
3- Việt Nam là một trong số ít các nước còn duy trì chế độc đảng - đảng cộng sản. Một đảng hành động theo ý thức hệ Mác-Lê... Một luồng tư tưởng đã quá lỗi thời mà thế giới đã đào mồ chôn chặt nó từ lâu. Chế độ này đang ở thời kì khủng hoảng trầm trọng, nó chỉ sản sinh ra lớp người ăn bám và bạo lực. Nó vi phạm Quyền con người một cách thô bạo. Điều này đã được Tổ chức Nhân quyền thế giới đưa vào sách đỏ. Bởi với nền văn minh thế giới, thì không có cái gì cao hơn Nhân quyền (Quyền con người). Chính vì Nhân quyền ở Việt Nam xuống thấp như vậy nên nó đã làm ảnh hưởng trầm trọng tới nền kinh tế của đất nước. Các hợp tác về thương mại quốc tế hầu như bị nhiều nước đoạn tuyệt, trong đó có Mỹ và Đức và nhiều nước trong khối EU.
Bằng chứng vi phạm gần đây nhất của chính quyền Việt Nam là đàn áp dã man cuộc xuống đường biểu tình của nhân dân Sài Gòn và Phan Rí Cửa (Bình Thuận), ngày 10/6/2018. Nhân dân xuống đường nhằm phản biện lại những điều luật trái với Hiến định của Việt Nam và có nguy cơ đe doạ sự tồn vong của dân tộc. Nhưng lại bị chính quyền đàn áp tàn độc, báo chí thì vu khống, cáo buộc... Chính cái thể chế vô vương pháp này đã đi ngược nền văn minh thế giới, tính nhân đạo của loài người và lòng yêu thương của Đấng Tối Cao nên nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới mới khinh bỉ, coi thường người Việt đến thế. Điều này đã làm ảnh hưởng, vạ lây biết bao người Việt tiến bộ, đang cố giãy giụa để vươn lên sống tốt, nhịp bước cùng nhân loại.
Khi viết lên những điều này, tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương quá lớn và đau xót cho một dân tộc, mà lẽ ra nó phải có một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế từ sau 1945.
Lã Minh Luận

No comments:

Post a Comment