Friday, June 22, 2018

Vì sao báo nhà nước dám cắt lời Trần Đại Quang về luật Biểu tình?



Thiền Lâm – Cali Today news 

Một phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – đăng trên báo Tuổi Trẻ – đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Bài đăng ban đầu trên báo Tuổi Trẻ nay đã bị thay nội dung khác. Ảnh: BBC

Vụ ‘khóa miệng’ trên là lần thứ ba trong vòng hơn một năm xảy đến đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam – sau Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ – áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, người ta vẫn thấy Trần Đại Quang ngồi cạnh Nguyễn Phú Trọng trên bàn chủ tịch đoàn, thậm chí ông Quang còn được giao điều hành phiên hai mạc của hội nghị này.
Nhưng dường như ngay trước Hội nghị trung ương 7 đã xảy đến một bí mật cung đình nào đó mà đã khiến ông Trọng im lìm hẳn.
‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
Vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’, và ‘mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua’.
Có thể cho rằng phát ngôn trên của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’. Cũng là một dấu ấn tạm thời thất bại cho cuộc chiến được xem là ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng./.

No comments:

Post a Comment