Những câu chuyện và những đoạn video lần lượt trồi lên từ sự phẫn uất dồn nén đã cho thấy sự tàn bạo khốc liệt của nhà cầm quyền đối với nhân dân trong hai ngày 10 và 17-6-2018, đặc biệt tại Sài Gòn. Những nhân chứng tận mắt chứng kiến cảnh công an chìm đánh dân trước quán café Bưu Điện Sài Gòn (gần Nhà thờ Đức Bà) sáng 17-6 đã không thể tin vào mắt mình. Bất cứ ai cầm điện thoại cũng đều bị lao vào và đập đánh. Đánh rất mạnh. Thẳng tay. Vô cùng tàn bạo. Nạn nhân té nhào xuống đường vẫn bị đá đạp không thương tiếc. Toàn bộ cơ bắp của bộ máy công an đã gồng lên và hạ những nắm đấm dữ dội nhất lên đầu nhân dân. Sự trấn áp tàn bạo được thực hiện với một sự thù hận tột cùng, như thể những kẻ đó hoàn toàn mất trí hoặc như thể họ bị “say thuốc”. Họ đánh đập người dân một cách dã man nhất có thể mà không cần biết tội gì, bất luận người già hay phụ nữ. Khi bị tấn công, nạn nhân thường bị vây đánh hội đồng bởi một bọn hơn cả chục người. Nạn nhân càng đổ nhiều máu càng khiến những tên công an say máu. Họ đã hoặc biến thành người máy hoặc thành con vật. Đầy thù hận. Mà họ thù hận điều gì?
Lần đầu tiên sau 43 năm, Sài Gòn mới vang dội dõng dạc và minh định một tuyên ngôn đanh thép: “Đả đảo cộng sản bán nước! Đả đảo bọn bán nước!”. Tuyên ngôn này là nhát dao đâm thẳng vào tim óc nhà cầm quyền. Nó là nhát búa thì đúng hơn. Sự ngạo mạn và hoang tưởng “chính quyền luôn là của nhân dân” của nhà cầm quyền, trong tích tắc, đã bị đập vỡ bởi rền vang tiếng búa. Lần đầu tiên, nhà cầm quyền mới nhận ra một sự thật mà trong tâm khảm họ có lẽ luôn biết nhưng không muốn tin và không bao giờ muốn nghe từ người dân: chính quyền này không hề đại diện cho người dân, và nhân dân ngày càng khinh bỉ chính quyền. Nhà cầm quyền căm giận điều đó. Hãy cứ chỉ trích những gương mặt bẩn thỉu tham nhũng trong hệ thống nhưng đừng bao giờ gọi chính quyền là “bọn bán nước”, đừng định danh “bọn bán nước” cho “nhà nước” và “đảng” này. Khi người dân hô vang “đả đảo cộng sản bán nước”, pháo đài tự tôn kiên cố của chính quyền đã đổ sụp như một đụn cát. Lần đầu tiên, “đảng” và “nhà nước” đã nhận thấy dường như chẳng có nhân dân nào, trừ những kẻ trục lợi và xu nịnh, đứng sau lưng họ.
Sài Gòn những ngày này như trong tình trạng thiết quân luật. An ninh và cơ động đầy các ngã đường trung tâm. Điều cần quan tâm là ai chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch trấn áp, kể cả các cuộc ruồng bố bắt bớ và “truy tố”, này? Ai chủ mưu kịch bản trấn áp? Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân? Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong? Giám đốc Sở Công an thành phố Lê Đông Phong? Không ai trong số họ lên tiếng. Những nắm đấm đã được thừa hành sau các cuộc họp bí mật và khẩn. Những cú đá đã được thực hiện với sự “chứng giám” của chính những kẻ mặc sắc phục công an. Một “trại giam” dã chiến được dựng lên tại công viên Tao Đàn và các cuộc tra tấn khủng khiếp đã được tiến hành với sự giám sát của những kẻ đại diện công quyền. Nhiều trại tra tấn công khai như vậy đã được dựng lên giữa lòng thành phố. Nếu muốn quy trách nhiệm cho cuộc đàn áp nhân dân ngày 10 và 17-6-2018 thì những cái tên Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong, Lê Đông Phong… cần phải được “điểm danh”. Nếu chính quyền đang “ghi sổ” “những kẻ gây rối” thì nhân dân cũng cần ghi sổ những gương mặt đương nhiệm trong bộ máy cầm quyền.
Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Thiện Nhân, Lê Đông Phong
Trong một clip xuất hiện ngày 18-6-2018 quay cảnh đàn áp bạo lực dã man ngày 10-6 tại Hồ Con Rùa, những gì hung hãn và tàn bạo nhất của chính quyền đã thể hiện đầy đủ với bản chất vô pháp vô thiên của nó. Những gì oan uất nhất mà người dân hứng chịu cũng hiện rõ mồn một, khi mà không người dân nào đánh lại công an. Đây cũng là video bằng chứng cho thấy sự tương phản giữa những kẻ bảo vệ chế độ và những người bảo vệ giá trị yêu nước theo cách của mình: Một người dân bị đánh mặt mày đầy máu và bị ném lên thùng xe công an vẫn còn cố giương lên mảnh giấy hiện lờ mờ hai chữ “bán nước” (để rồi tiếp tục nhận những cú đấm dữ dội nện thẳng vào đầu). Ở đây đã hình thành nên một ranh giới phân định chính tà. Nó cũng cho thấy, đối với nhà cầm quyền, việc bảo vệ chế độ thậm chí quan trọng hơn bảo vệ đất nước.
Chỉ cách đây một năm, ngày 18-5-2017, tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Đối thoại bằng tư thế của những nắm đấm ư? “Chân lý” nào có thể hình thành từ những nắm đấm? Mới đây, “nghệ sĩ ưu tú” Tạ Minh Tâm cũng hùng hồn: “Chính có sự yên bình thì chúng ta mới có toàn tâm toàn ý, có thời gian để mà chúng ta điều chỉnh sửa đổi và phát triển. Thế nhưng mà nhiều người, nhiều thế lực muốn phá đi cái giá trị cốt lõi của chúng ta như thế”. “Giá trị cốt lõi” của Tạ Minh Tâm là những “giá trị” của máu và vun đắp hận thù?
Nhà cầm quyền đã đi quá xa và tạo ra khoảng cách quá rộng trong việc hiểu nhân dân để có một chính sách đối xử khác với nhân dân. Chính quyền, cũng như bọn “kẻ sĩ” Tạ Minh Tâm, đang run sợ trước thực tế: họ đang bị nhân dân xem như những kẻ phản bội đất nước và họ có thể bị nhân dân lật đổ, không hôm nay thì cũng ngày mai. Đất nước tao loạn như hiện tại chẳng phải vì “nhiều thế lực” đang “muốn phá đi cái giá trị cốt lõi”, mà chính nhà cầm quyền đã phá đi rất nhiều giá trị cốt lõi, từ giá trị tinh thần, đạo đức đến giá trị dân tộc trong đó ý niệm bảo vệ dân tộc ngày càng mờ nhạt và suy yếu hơn bao giờ. Nhà cầm quyền đã không cùng “tần số” với nhân dân trong nhận diện kẻ thù. Hơn thế, nhà cầm quyền đang khiến người dân hiểu rằng họ đang là “đồng minh” với kẻ thù của đất nước.
Trên Facebook cá nhân ngày 19-6-2018, cô Võ Hồng Ly viết: “Thay vì mang băng rôn, biểu ngữ, hay là chủ nhật này chúng ta cùng xuống đường mang theo mỗi người những bó hồng đỏ thắm để cắm hết lên những hàng rào thép gai, xung quanh xe bắt người, cài hoa lên mũi súng, buộc lên dùi cui của những người an ninh và cùng hát vang bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” được không cả nhà?… Chúng ta sẽ chỉ đòi tình yêu thương! Một đất nước dù giàu có và phát triển đến đâu nhưng nếu thiếu đi tình yêu thương làm nền tảng gắn kết giữa những con người trong xã hội với nhau thì dân tộc đó sẽ không bao giờ trường tồn…”.
Nhà cầm quyền không nên khước từ sự đòi hỏi của tình yêu thương từ những cành hoa hồng. Nhà cầm quyền nên từ chối việc sử dụng những cú đấm đá. Nhà cầm quyền không nên đi quá xa và tự cô lập khỏi nhân dân. Nhân dân không là kẻ thù. Nhân dân là những nhân tố tạo nên những giá trị cốt lõi nhất của một quốc gia, và của dân tộc. Nhân dân, trong bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào, cũng luôn lớn và lớn hơn chính quyền rất nhiều lần./.
No comments:
Post a Comment