Tuesday, June 26, 2018

Thông điệp của Hoa hồng: ‘Đem yêu thương vào nơi oán thù’

Cát Linh, RFA-2018-06-26   
Nguyễn Ngọc Lụa, một trong những nạn nhân bị đàn áp ngày 17/6 ở Sài Gòn đang gắn hoa hồng lên hàng rào kẽm gai
Nguyễn Ngọc Lụa, một trong những nạn nhân bị đàn áp ngày 17/6 ở Sài Gòn đang gắn hoa hồng lên hàng rào kẽm gai -Facebook Nguyễn Ngọc Lụa 
Tao Đàn ngày 17 tháng 6
“Sài Gòn hôm nay không khác gì Sài Gòn giờ giới nghiêm”, một người quan sát diễn biến sự việc từ sáng sớm ngày 17 tháng 6 chia sẻ dòng trạng thái  trên mạng xã hội Facebook.
“Sài Gòn những ngày này như trong tình trạng thiết quân luật”, một chia sẻ khác cũng trên Facebook cho biết như thế.
Sáng Chủ Nhật hôm đó, Sài Gòn dày đặt lực lượng an ninh. Hàng rào kẽm gai, cảnh sát cơ động, an ninh chìm, nổi, lực lượng dân phòng, và theo những nhân chứng kể lại, có cả “côn đồ” được sử dụng tung ra khắp đường phố, tập trung ở khu vực thuộc vào “điểm nóng” như Hoàng Văn Thụ, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ.
Nó thể hiện ra với tất cả các bên liên quan đó là những người biểu tình thì họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Người ta hoàn toàn không thù địch. Người ta thật sự là những người ôn hoà. Người ta muốn cái đẹp, cái ôn hoà đó sẽ vượt lên bạo lực. Kẽm gai là biểu trưng của bố ráp, bạo lực. Hoa hồng thì biểu trưng cho lòng yêu thương, cho sự ôn hoà. - Nguyễn Anh Tuấn
Theo con số thống kê từ các nhà hoạt động xã hội đưa ra, cũng như chính từ những người bị bắt giam hôm 17 tháng 6 cho biết, có gần 300 người vô cớ bị “mời” lên xe cảnh sát đưa về sân vận động Tao Đàn.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết không khí ở Sài Gòn từ sau cuộc tổng biểu tình của cả nước vào Chủ nhật 10/6 là rất căng thẳng. Nhiều hình thức sử dụng bạo lực một cách “có hệ thống” được nhà cầm quyền dốc toàn lực để thực hiện, và đỉnh điểm là cuộc bố ráp, giam giữ và đánh đập người dân ở khu vực sân vận động Tao Đàn sáng Chủ nhật 17/6.
Từ đó, anh chia sẻ những gì anh cảm nhận từ hình ảnh những bông hoa hồng trên hàng rào kẽm gai.
“Nó thể hiện ra với tất cả các bên liên quan đó là những người biểu tình thì họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Người ta hoàn toàn không thù địch. Người ta thật sự là những người ôn hoà. Người ta muốn cái đẹp, cái ôn hoà đó sẽ vượt lên bạo lực. Kẽm gai là biểu trưng của bố ráp, bạo lực. Hoa hồng thì biểu trưng cho lòng yêu thương, cho sự ôn hoà.”
Thêm vào đó, theo anh, khi những cánh hoa hồng được đặt lên hàng rào kẽm gai thì sẽ còn có hiệu quả khác, đó là ngụ ý nói lên những cáo buộc mà bên phía chính quyền cho người biểu tình là kích động bạo lực sẽ trở nên lố bịch, nhất là với những người biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố khác.

Thông điệp của những hoa hồng

Hình ảnh đầu tiên về những cánh hoa hồng đặt trên hàng rào kẽm gai dựa sát vào một gốc cây to ở khu vực sân vận động Tao Đàn vào ngày 19 tháng 6 nhanh chóng lan toả khắp mạng xã hội.
Ý kiến và sự đón nhận của dư luận đối với việc làm này cũng có nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trước hết, hãy nghe chia sẻ từ chính những bàn tay đã đặt những cánh hoa hồng lên hàng rào kẽm gai đó. Vì sự an toàn, chúng tôi được đề nghị không nêu tên, và trích lại chia sẻ từ tin nhắn của các bạn ấy khi nói về thông điệp của những hoa hồng.
“Thông điệp đầu tiên muốn gửi đến những người bị bắt, bị đánh đập trong những ngày qua. Cảm ơn họ với tình yêu thương và lòng cảm thông sâu sắc. Mong những nỗi đau đớn đánh đập của họ mau chữa lành. Nhóm đã cắm rất nhiều hoa ở hàng rào kẽm gai khu vực công viên Tao Đàn và hàng rào sau lưng khu vực những người bị bắt giữ.
Thông điệp thứ hai là muốn gửi đến nhà cầm quyền rằng hàng rào kẽm gai cũng không thể ngăn cản chúng tôi bày tỏ chính kiến ôn hoà vì đất nước của mình.”
Với các bạn trẻ, tác giả của những cánh hoa hồng kia, thì “mỗi nguời xuống đuờng là một bông hoa đang tô thắm cho một xã hội Việt Nam đang u ám.
“Thông điệp đầu tiên muốn gửi đến những người bị bắt, bị đánh đập trong những ngày qua. Cảm ơn họ với tình yêu thương và lòng cảm thông sâu sắc. Mong những nỗi đau đớn đánh đập của họ mau chữa lành. Nhóm đã cắm rất nhiều hoa ở hàng rào kẽm gai khu vực công viên Tao Đàn và hàng rào sau lưng khu vực những người bị bắt giữ.
Thông điệp thứ hai là muốn gửi đến nhà cầm quyền rằng hàng rào kẽm gai cũng không thể ngăn cản chúng tôi bày tỏ chính kiến ôn hoà vì đất nước của mình. - Người gắn hoa hồng
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về cảm nhận của anh.
“Việc dùng hoa để phủ lên kẽm gai, về phương diện thông điệp thì rất tốt, nó khiến cho không khí bạo lực nó bớt căng thẳng. Nếu mình nhìn rộng ra hơn thì nó cũng gián tiếp thể hiện rằng nguyên 1 phong trào, cũng như hành động xuống đường diễn ra ở các thành phố thời gian vừa qua, chủ đạo vẫn là ôn hoà, văn minh. Nó không tỏ bất kỳ ý định thù địch nào đối với chính quyền nói chung cũng như là với người có trách nhiệm giữ trật tự nói riêng, là lực lượng an ninh.”
Bên cạnh sự hưởng ứng và chia sẻ của rất nhiều người đối với việc làm của nhóm bạn trẻ nà, cũng có những ý kiến cho rằng đó là hành động thuần “chủ nghĩa cải lương” hoặc “lãng mạn không hiệu quả”, một phong trào mà nếu chạy theo chỉ “thiệt thân”.
Chúng tôi ghi nhận ý kiến trích dẫn từ trang Facebook Phuong Le, nói về những người đi gắn hoa hồng như sau:
“Các bạn đi gắn hoa hồng lên hàng rào, các bạn phóng tác chuyện diễm tình trên hình ảnh đó , các bạn ngây thơ (hoặc giả bộ ngây thơ) rồi.
Các bạn không hiểu (hoặc làm bộ không hiểu) gì cả về họ!
Đây không phải là Myanmar, với gã cảnh sát canh giữ bà Aung Suu Kyi nghe piano mà nghệch mặt ra.
Đây không phải là Đảng Cộng sản Hungary, nghe công nhân lắc chìa khoá phản đối mà giải tán.
Đây không phải là cảnh sát Hồng Kong, tiếp nước cho người biểu tình.
Đây là máu, là lệ, là cải cách ruộng đất, là Mậu Thân, là cải tạo, thuyền nhân, là Thiên An Môn, là Nhân văn giai phẩm…
Đây là ngoại hạng, vô đối, có một không hai!
Lãng man hay làm bộ lãng mạn?”
Trả lời cho câu hỏi của những người chưa tán thành với việc dùng hoa hồng để nói thay cho tình yêu thương và lòng cảm thông, nhóm bạn trẻ cho biết:
“Hiệu quả hay không thì tuỳ ở mỗi người cảm nhận. Nhưng nhóm có đọc được phản hồi trên Facebook thì thấy có những phản hồi rất tích cực đặc biệt là có những người từng bị bắt cũng nhận xét là cảm thấy được quan tâm và chia sẻ hơn.”
Một trong những nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 17/6 là cô Nguyễn Ngọc Lụa đã đăng tải hình ảnh cô đang đặt một cánh hoa hồng lên hàng rào kẽm gai cùng với lời nhắn nhủ cô gọi là “Đem yêu thương vào nơi oán thù”:
“Nếu có dịp ngang qua đây, xin hãy dừng lại để lại trên những hàng rào kẽm gai những bông hoa với thông điệp muốn nói của mình, và có thể lưu giữ nó bằng những hình ảnh đẹp, để ai đó muốn bắt bớ ngăn cản chúng ta xuống đường cũng ý thức một điều rằng, chính là những bông hoa màu nhiệm chứ không phải điều gì khác, mới hồi phục lại một xã hội văn minh tình thương.”
Theo quy luật thì những bông hoa hồng ấy rồi sẽ phải tàn. Nhưng với thông điệp mà nhóm bạn trẻ đã gắn những bông hoa ấy chia sẻ, thì quyền bày tỏ chính kiến của họ sẽ không bao giờ héo tàn. Và như anh Nguyễn Anh Tuấn đã nói, hình ảnh hoa phủ lên hàng kẽm gai thì có nghĩa là cuối cùng, sự ôn hoà và lòng yêu thương sẽ vượt lên bạo lực và hận thù.

No comments:

Post a Comment