THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Thanh Hóa hàng năm vẫn xin gạo cứu đói, nhưng Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tỉnh này lại dự tính tổ chức các hoạt động kỷ niệm “danh xưng Thanh Hóa,” với tổng kinh phí hơn 104 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Ngày 26 Tháng Sáu, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Phạm Duy Phương, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch (VHTT&DL) cho biết sở này có tờ trình gửi Sở Tài Chính về dự toán các khoản kinh phí dành cho các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
“Đây mới là tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương, sau đó chúng tôi mới làm tờ trình gửi Sở Tài Chính xem xét, thẩm định và ra báo cáo gửi chủ tịch tỉnh ký. Đấy mới là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện,” ông Phương nói.
Trước đó, ngày 12 Tháng Sáu, Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã có công văn gửi Sở Tài Chính dự toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa như: tổ chức kỷ niệm 600 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018; sáng tác ca khúc viết về Thanh Hóa… Tổng cộng hơn 104 tỷ đồng. Trong số đó, hơn 82 tỷ đồng lấy từ ngân sách nhà nước.
Theo tờ trình này, lễ kỷ niệm “Danh xưng Thanh Hóa” sẽ được dự kiến tổ chức vào ngày 1 đến ngày 7 Tháng Năm, 2019.
Cũng theo ông Phương khẳng định với báo Tuổi Trẻ thì vẫn chưa có quyết định nào của Sở Tài Chính, hay của Ủy Ban tỉnh Thanh Hóa về việc chi tiền cho các hoạt động nêu trên, Sở Tài Chính còn phải thẩm định, xét tình hình thực tế rồi báo cáo để Ủy Ban tỉnh quyết định. Ông Phương cũng nói, thông tin trên mạng cho rằng tỉnh Thanh Hóa đã chi hơn 104 tỷ đồng cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm là không đúng.
Trước đó, dư luận cho rằng việc tổ chức rình rang các hoạt động về sự ra đời cái tên “Thanh Hóa” mà chi đến hơn trăm tỷ đồng là quá lãng phí, trong khi tỉnh này vẫn còn nghèo, hằng năm phải xin trung ương hỗ trợ ngân sách và vẫn xin gạo cứu đói thường xuyên cho người nghèo.
Số kinh phí này nên dành xóa hàng trăm phòng học tranh tre, nứa lá, tạm bợ ở 11 huyện miền núi, vùng cao của tỉnh và xây dựng các công trình phúc lợi khác phục vụ người dân. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment