Friday, May 11, 2018

Thủ Thiêm, vì sao thành ‘củi’ sau 20 năm?

Cát Linh, RFA-2018-05-10   
Hình ảnh cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang năm 2012 và buổi gặp cử tri của người dân Quận 2 ngày 9/5/2018
Hình ảnh cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang năm 2012 và buổi gặp cử tri của người dân Quận 2 ngày 9/5/2018-Ảnh của Facebooker Nguyen Lan Thang và zing.vn ‘Không thể nói’ 20 năm trước
Kể từ ngày 2/5/2018, khi ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 bị thất lạc cho đến buổi tiếp xúc cử tri ở Quận 2 hôm 9/5/2018, câu chuyện oan ức của 15.000 người dân Thủ Thiêm ‘bỗng nhiên’ bùng nổ như cơn sóng cuồn cuộn, trên báo chí cũng như trên mạng xã hội. Hàng loạt bài viết được chi tiết đến từng mảnh đời của các hộ gia đình kêu oan, cho đến cửa ngõ của từng ranh giới quy hoạch đã thi nhau xuất hiện trên báo chí.
Những tấm ảnh mang đậm hồn báo chí diễn tả tiếng kêu thống khổ và những giọt nước mắt của người dân Quận 2 đã ngự trị trên trang chủ của các tờ báo mạng và sau đó được lan truyền trên khắp mạng xã hội.
Tờ Thanh niên Online có bài viết “Thủ Thiêm: Những giọt nước mắt giận dữ”. Tờ báo giải trí nổi tiếng Zing có bài “Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp đại biểu Quốc hội”, sau đó là loạt bài: “20 năm sau quy hoạch, người dân Thủ Thiêm sống trong cơ hàn tăm tối”
Nhưng hồi đó không thể nói được, vì chính ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Đua làm sếp Thành phố Hồ Chí Minh, tìm cách này cách khác để chặn thông tin đó lại, tức là chặn từ cấp cao. Ổng là Uỷ viên Bộ Chính trị nên ổng tác động đến Ban Tuyên giáo. Những thông tin đó không thể đưa ra được. - Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Thế nhưng, với những người “biết chuyện” thì họ cho rằng đây là một yếu tố “Không phải tự nhiên mà có”. Một trong những người “biết chuyện” đó là blogger, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký toà soạn báo Thanh Niên.
Ông cho biết “chính ông cũng phải suy nghĩ chuyện này mấy ngày hôm nay”.
“Thật ra sự việc của Thủ Thiêm thì bọn tôi cũng đã biết cách đây 20 năm. Lúc mới xảy ra sự việc thì đơn kiện về đất đai đưa về báo Thanh Niên dồn dập. Tôi không ở trong bộ phận tiếp đơn thư bạn đọc nhưng vẫn có thông tin, vẫn nghe về chuyện này.
Nhưng hồi đó không thể nói được, vì chính ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Đua làm sếp Thành phố Hồ Chí Minh, tìm cách này cách khác để chặn thông tin đó lại, tức là chặn từ cấp cao. Ổng là Uỷ viên Bộ Chính trị nên ổng tác động đến Ban Tuyên giáo. Những thông tin đó không thể đưa ra được.
Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động…không đưa được vì của Thành uỷ.”
Không riêng với Thủ Thiêm, mà với chuyện đất đai nói chung, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết đã có chủ trương thống nhất từ cấp cao của Đảng là không cho báo chí đăng về khiếu kiện đất đai.
Nhấn mạnh thêm về vụ Thủ Thiêm, blogger Huỳnh Ngọc cho biết:
“Cách đây 20 năm khi Thủ Thiêm bị giải toả, di dời, giải toả dân kiện tụng thì thông tin đó báo chí có nhưng có từ người dân. Cũng có vài tờ báo viết về, là tờ Đại Đoàn Kết do ông Lý Tiến Dũng là Tổng biên tập mới dám đăng. Còn tất cả các báo khác không đăng, kể cả báo Thanh Niên. Những chuyện đó có chủ trương chung từ trên hết.”
Do đó, khi xảy ra các vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Dương Nội, vụ Văn Giang và nhiều vụ khác thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh cùng một số người khác sử dụng bài viết để đăng trên trang blogs để đưa những thông tin đó ra công luận. Thế nhưng, việc này cũng không đơn giản.
“Nhưng vì nó ít quá và bị đàn áp, bị gây khó dễ, ghép vào tội phản động. Thông tin bị cô lập nên không tạo ra hiệu ứng lớn.”
Thông tin về câu chuyện thu hồi đất và khiếu kiện của dân oan thời điểm đó không chỉ bị báo chí cô lập từ trong nội bộ như lời blogger Huỳnh Ngọc Chênh đã nói. Ngay chính người phóng viên có mặt ở hiện trường cũng phải đối diện với những cú đánh bằng dùi cui của cảnh sát cơ động, những người thực hiện việc cưỡng chế đất. Sự việc này từng xảy ra ở vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24/4/2012 để thực hiện dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư.
Nhớ lại câu chuyện ở Văn Giang năm 2012, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng kể lại những gì ông và một số anh em khác chứng kiến khi có mặt ngay trong vòng vây đó.
“Chuyện Văn Giang, về mặt truyền thông, lúc ấy cũng có lác đác vài tờ báo đưa tin 1 cách hạn chế về chuyện này. Nhưng khi cuộc “tổng tấn công” cướp đất diễn ra thì tuyệt nhiên hệ thống báo chí bị ‘phanh’ lại. Có những nhà báo vì nghiệp vụ chuyên môn của họ nên họ có mặt ở Văn Giang. Thế nhưng công an còn tưởng phóng viên đó là lực lượng phản động, đánh 2 nhà báo của VOV là Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm cùng với rất nhiều những nông dân khác nữa.”
Cũng là những hình ảnh dân oan kêu cứu, cũng là những giọt nước mắt tức tưởi của người dân mất nhà, nhưng nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng và các cộng sự đã không thể tiếp cận chiến trường thông tin dễ dàng như buổi họp cử tri của người dân Quận 2 ngày 9/5/2018 vừa qua.
“Nằm trên chuồng lợn, phía dưới là lợn kêu ủn ủn, xung quanh là côn đồ đủ các loại, phát hiện ra là họ đập chết."
Nằm trên chuồng lợn, phía dưới là lợn kêu ủn ủn, xung quanh là côn đồ đủ các loại, phát hiện ra là họ đập chết. - Nguyễn Lân Thắng
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng cho biết vụ việc ở Văn Giang chỉ xuất hiện trên trang Ba Sàm, trang Nguyễn Xuân Diện, trang Bọ Lập. Hoàn toàn không có lực lượng nào hoặc cơ quan truyền thông nào can thiệp vào để kêu cứu cùng người dân Văn Giang.
Về sau, theo ông cho biết, vì thông tin, hình ảnh cưỡng chế, đánh đập được ồ ạt đưa lên bằng truyền thông “lề trái”, do đó báo chí “lề phải” phải cho đăng tải thông tin nhưng theo cách phủ lấp tất cả sự việc.
Trang Vneconomy ngày 14/5/2012 có đăng tải 1 bài viết khá dài, bắt đầu bằng lời tự sự: “Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều thông tin về cuộc cưỡng chế cũng như về dự án Ecopark vẫn chưa thật sự rõ ràng đối với số đông công chúng, thậm chí có hiện tượng “nhiễu” thông tin. Sự không tường minh về thông tin có thể dẫn tới những cách hiểu và suy diễn khác nhau không cần thiết.”

Bùng nổ sau 20 năm

Thủ Thiêm thật sự là ngọn núi lửa đã được thổi bùng dữ dội mấy ngày qua. Vì sao ngọn núi lửa âm ỉ suốt 20 năm giờ đây mới xé đá chấp nhận để lộ ra những dòng nham thạch đỏ rực, gần như đốt cháy dư luận? Và những dòng dung nham ấy thật sự từ đâu?
Câu trả lời từ blogger Huỳnh Ngọc Chênh là “chính từ cuộc chống tham nhũng và những lý do cá nhân”
“Bây giờ nó rộ lên là có chuyện chống tham nhũng. Trong đó cũng dính tới những chuyện cá nhân. Ví dụ tại sao ông Đinh La Thăng về TP.HCM thì những chuyện bị dấu giếm như bán đất ở Nhà Bè, Thủ Thiêm mà ông Đinh La Thăng không khui ra được? Cho đến khi ông Nguyễn Thiện Nhân về thì mới khui ra được? Là nó có những vấn đề cá nhân.
Vì ông Nguyễn Thiện Nhân trước là Phó Chủ tịch Thành phố, và ổng bị loại khỏi vòng lợi ích nhóm đó và bị đẩy ra ngoài Trung ương. Ổng nắm được thông tin. Bây giờ ổng về thì ổng khui ra, đủ tư cách và thẩm quyền.”
Và ông nhấn mạnh khui ra trong lúc này là đúng thời điểm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ai mà quan tâm diễn biến chính trị thì sẽ hiểu đây là diệt phe cánh.  Tức là toàn bộ dàn bộ sậu của TP.HCM bây giờ không cùng kênh với Nguyễn Phú Trọng. - Nguyễn Lân Thắng
Nhà động Nguyễn Lân Thắng cũng đặt dấu hỏi ngay từ phát súng đầu tiên vụ Thủ Thiêm được châm ngòi bởi những bài viết trên mạng xã hội. Ông cho rằng vì bản chất tất cả vụ dân oan mất đất trên đất nước này nhiều vô cùng, vì sao người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện 20 năm ròng rã mà giờ đây mới được ưu ái nhắc đến?
“Ai mà quan tâm diễn biến chính trị thì sẽ hiểu đây là diệt phe cánh.  Tức là toàn bộ dàn bộ sậu của TP.HCM bây giờ không cùng kênh với Nguyễn Phú Trọng.”
Cả blogger Huỳnh Ngọc Chênh và nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng đều nói rằng oan khuất của người dân Việt Nam mất đất xảy ra khắp nơi trên mọi miền từ Bắc đến Nam. Ngày nào cũng có những đoàn người kêu oan kéo về Hà Nội, về văn phòng Thanh tra Chính phủ, văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng.
Gần trụ sở Ban tiếp dân Trung ương trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) có một nơi đặc biệt mang tên “làng Thủ Thiêm”. Đó là cách gọi mà người địa phương dành cho khu trọ của những người dân sống trong vùng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Suốt 4 năm qua, 100 hộ dân đã 12 lần kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện. Sau tiếng súng muộn màng 20 năm này, yêu cầu của họ có được giải quyết thoả đáng? Và những “thanh củi” ở Thủ Thiêm có bị đốt cháy?

No comments:

Post a Comment