SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nghi vấn “những thế lực đen tối” cùng với nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn và quận 2, nhân danh “quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm” để trục lợi đất của người dân và được che giấu suốt 20 năm qua ngày càng lộ rõ.
Báo Người Tiêu Dùng, ngày 10 Tháng Năm, khẳng định hiện có khá đủ cơ sở để nghi ngờ điều này.
Theo quyết định 367/TTg ngày 4 Tháng Sáu, 1996, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm,” thì khu này có diện tích 930 ha bao gồm khu đô thị Thủ Thiêm 770 ha (có 133 ha mặt nước sông Sài Gòn) và 160 ha tái định cư.
Trước đó, tờ trình xin chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm của “Ủy ban thành phố Sài Gòn” cũng ghi rõ như trên. Công văn số 190/CP-NN ngày 22 Tháng Hai, 2002, của chính phủ vẫn tái khẳng định như vậy.
Từ những văn bản trên, ba tháng sau, “Ủy ban thành phố Sài Gòn” ra Quyết Định 1997 thu hồi 621 ha đất, thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để xây dựng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm.
Quyết Định 6566 của “Ủy ban thành phố Sài Gòn” ra ngày 27 Tháng Chạp, 2005, cũng nêu rõ trung tâm khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha.
Căn cứ vào hai quyết định trên, Quận 2 và Hội Đồng Bồi Thường giải tỏa mặt bằng quận này đã tiến hành bồi thường, giải tỏa trắng 3 phường An Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để thu hồi đất.
Tuy nhiên, theo bản đồ hành chính quận 2, và Nghị Định 03/CP thì ba phường bị giải tỏa trắng đã lên tới 689 ha, thừa hơn 30 ha so với quyết định thu hồi đất 1997 hay Quyết Định 6566 của “Ủy ban thành phố Sài Gòn.”
Song, người dân không hiểu vì lý do gì mà nhà cầm quyền thành phố lại thu hồi giải tỏa thêm hơn 99 ha ở phường Bình Khánh và thêm 15 ha nữa ở phường Bình An, tổng cộng lố thêm 114 ha đất. Như vậy, nếu so sánh các văn bản “nhân danh” giải tỏa, thu hồi đất để xây khu trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm lên tới hơn 803 ha, “lố” ít nhất 173 ha.
Cho đến nay, số đất này “biến mất” hay có sự nhầm lẫn nào đó vẫn trong vòng bí ẩn, chưa có được giải đáp rõ ràng, minh bạch dù người dân bị cưỡng chế lấy đất ở quận 2 và người dân Sài Gòn nhiều lần đòi làm sáng tỏ.
“Trong khi đó, các dự án phân lô bán nền tại chính khu đô thị Thủ Thiêm được ngang nhiên giao đất sau khi có quyết định 367 của thủ tướng, một vi phạm rõ ràng từ hàng chục năm nay lại chìm trong im lặng.”
Cũng theo báo Người Tiêu Dùng, kết quả thanh tra năm 2008 từ chính thanh tra thành phố Sài Gòn công bố đã điểm mặt hàng chục dự án với tổng diện tích lên đến 169 ha “ăn theo” dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo đó, trên 3 phường Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông có 64 dự án khu dân cư, khu du lịch, văn phòng làm việc… với tổng diện tích 169 ha được chính quyền giao cho các nhà đầu tư. Đặc biệt có đến 42 dự án có quyết định giao đất của “Ủy ban thành phố Sài Gòn” sau khi có Quyết Định 367 của thủ tướng.
Trong số những doanh nghiệp được giao đất mang danh nghĩa “chỉnh trang đô thị” nhưng thực chất là phân lô bán nền gồm các công ty địa ốc như: Khởi Thành, Him Lam, Trường Thịnh, Bình Minh, Tân Hoàng Uy, công ty Phát Triển Nhà Thủ Đức, công ty Cơ Khí 78 và công ty Sài Gòn 5,…
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp trên có nhiều công ty vi phạm lấn chiếm, san lấp sông Sài Gòn, hay kênh rạch, mương thoát nước để bán nền, xây dựng công trình riêng với hàng chục ngàn mét vuông, nhưng hầu hết không bị xử phạt. Thậm chí, họ được giao cả vào phần đất vốn được quy hoạch là công viên cây xanh, khu công cộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nguyên nhân chính “cắt” diện tích đất của dự án Thủ Thiêm bị thu hẹp lại, không đủ diện tích ban đầu như phê duyệt của thủ tướng. Đó còn là lý do khiến các khu tái định cư bị dạt ra những nơi “xấu nhất” của quận 2.
Thậm chí, có lúc cán bộ thành phố còn định đưa dân ở đây về quận 12 tái định cư như thừa nhận của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch Sài Gòn. “Khi nghe có không ít người dân Thủ Thiêm, quận 2 được đưa về tái định cư ở quận 12, tôi liền nói với lãnh đạo thành phố là dứt khoát không thể chấp nhận. Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh,” ông Thanh nói.
Trong khi đó hàng ngàn người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất không đúng luật, cơ sở pháp lý không rõ ràng, rất nhiều người khiếu kiện triền miên hàng chục năm ròng, chịu bao thống khổ nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng vì lý do hết sức nực cười “thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000.”
Từ thực trạng trên, dư luận khắp nơi đang nghi ngờ về động cơ của việc thu hồi “lố” và giao đất Thủ Thiêm trái thẩm quyền của “Ủy ban thành phố Sài Gòn” mà sự thật bị che giấu suốt 20 năm qua. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment