SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngoài bất bình và phẫn nộ về chiếm đất quy hoạch, tái định cư tại khu đô thị Thủ Thiêm, dân quận 2 còn yêu cầu “làm rõ” việc ủy ban “đổi đất lấy đường” có giá “trên trời” 1,000 tỷ đồng/cây số.
Truyền thông Việt Nam loan tin, chiều 9 Tháng Năm, tổ đại biểu Quốc Hội đơn vị số 7, đứng đầu là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch “Hội Đồng Nhân Dân” thành phố, dẫn đầu có buổi tiếp xúc với cử tri quận 2. Tham dự còn có ông Nguyễn Phan Như Khuê, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội.
Ngoài ra còn có đại diện Thường Trực Ủy Ban thành phố, các sở Quy Hoạch-Kiến Trúc, Tài Nguyên-Môi Trường, Tư Pháp, Chánh Thanh Tra thành phố để trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo báo “Zing.vn,” tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hịnh, phường Thành Mỹ Lợi, quận 2 đề nghị chính quyền phải làm rõ với người dân về “con đường dát vàng” chưa đầy 12 cây số nhưng dự kiến “ngốn” 12,000 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Người dân Thủ Thiêm chưa nhận được thành quả ở Thủ Thiêm. Sau hơn 15 năm dự án khởi động, người dân chưa thấy quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học… ở đâu, mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, villa. Tôi đề nghị phải có thanh tra dự án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm,” ông Hịnh gay gắt nói.
Vấn đề thu hồi đất và tái định cư tại Thủ Thiêm cũng được người dân quan tâm. Ông Hịnh cho hay, vào năm 2012, gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất. Nghĩ đây là việc mở rộng trung tâm thành phố, xây dựng khu đô thị mới, gia đình ông đồng ý chuyển tới nơi tái định cư. Ông được đền bù 2 triệu đồng/mét vuông và phải bù thêm 40 triệu đồng/mét vuông mới có thể vào được nơi ở mới.
“Thành phố giải thích nơi này có thang máy, ở trung tâm nên đắt tiền. Chúng tôi đâu có cần và nếu cần thì lấy đâu ra từng ấy tiền mà mua chung cư để ở?,” ông Hinh nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, ở phường Bình An, cũng cho biết vào năm 2012, nhà bà bị cưỡng chế, không được đền bù, 4 người trong gia đình trở thành vô gia cư, phải chia nhau ở 4 nơi. Hiện nay, bà Phượng vẫn dựng chòi ở lại nền nhà cũ để bám đất.
Trước đó, dư luận đặt câu hỏi, với chi phí xây dựng 4 con đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, tổng chiều dài gần 11.9 cây số mà công ty Đại Quang Minh công bố đầu tư tới 12,000 tỷ đồng. Nhiều người ví von đó là đường dát kim cương, tính ra khoảng 1,000 tỷ cho mỗi cây số.
Công ty Đại Quang Minh được giao xây dựng 4 con đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm đại lộ vòng cung dài 3.4 cây số; đường ven hồ trung tâm dài 3 cây số; đường ven sông Sài Gòn dài 3 cây số và đường vùng châu thổ dài 2.5 cây số. Bề rộng các con đường từ 11.6 – 55 mét tùy đoạn.
Với hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng), nhà cầm quyền thành phố đồng ý giao cho Đại Quang Minh 79 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông để phát triển các dự án bất động sản.
Tiếp đó, ngày 19 Tháng Sáu, 2015, công ty Đại Quang Minh và nhà cầm quyền thành phố tiếp tục ký kết hợp đồng BT thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tổng mức đầu tư là 3,082 tỷ đồng, xây dựng dự án có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1,465mét, trong đó phần cầu dài 885.7 mét.
Đổi lại, công ty Đại Quang Minh được giao quỹ đất với tổng diện tích 26 ha tại khu chức năng số 6, khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện các dự án bất động sản.
Tổng cộng, công ty Đại Quang Minh đã được giao 105 ha đất tại Thủ Thiêm, nơi được coi là đất vàng tại Sài Gòn.
Báo Người Tiêu Dùng dẫn ý kiến nhiều chuyên gia về xây dựng công trình giao thông đường bộ, cho biết mức giá trên 12,000 tỷ đồng để đầu tư cho 11.9 km (tức trên 1,000 tỷ đồng/km) đường bộ là con số quá bất hợp lý. Kể cả việc giải thích nền đất ở Thủ Thiêm yếu, buộc phải đầu tư công phu hơn thì đó cũng là cái giá “trên trời.”
Một lãnh đạo công ty chuyên đầu tư xây dựng cầu đường thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải khẳng định, đường nội thị mà lãnh đạo Sài Gòn ký đầu tư đến mức 1,000 tỷ đồng/cây số là quá bất hợp lý, chẳng khác nào là “đường dát vàng,” vì nếu đầu tư xây dựng đường cao tốc siêu trường, siêu trọng 4 làn đường (20 mét ngang) thì cũng chỉ cần đầu tư tối đa không quá 200 tỷ đồng/cây số, nếu 8 làn đường (40 mét ngang) đường nội thị trong thành phố thì chắc chắn chi phí đầu tư phải thấp hơn 400 tỷ đồng/cây số (không bao gồm chi phí bồi thường).
Hiện người dân cần biết là điều bí ẩn gì đang che giấu sau phi vụ này, ai là người đã vung tay trực tiếp ký bản hợp đồng siêu lớn này, lợi ích thực sự đang chảy vào “túi” quan chức hay thương nhân? (Tr.N)
No comments:
Post a Comment