ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Chiều 26 Tháng Tư, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo về vụ “pha trộn hỗn hợp” tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp).
Vụ này ban đầu được các báo “lề phải” nói là “nhuộm cà phê bằng than pin” nhưng nay được nhà chức trách địa phương công bố thực chất là trộn hỗn hợp pin vào hồ tiêu để tăng trọng lượng, chứ không phải chế biến cà phê bột.
Theo báo Đắk Nông, cơ quan chức năng “đã lập biên bản, niêm phong 21.2 tấn hỗn hợp vỏ cà phê và đá sỏi đã ngâm, tẩm, nhuộm đen, được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35 kg pin bị đập dẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin.”
Bà Loan được ghi nhận là khai “bán 3 tấn vỏ cà phê, đá sỏi nhuộm than pin” cho trung gian cung cấp lại công ty Thảo Dung ở tỉnh Bình Phước do bà Phan Thị Dung làm giám đốc.
Bà Dung “khai trộn số hỗn hợp này vào hồ tiêu để tăng trọng lượng.”
Bà Dung cùng với bà Loan là hai trong số 5 người đang bị “tạm giữ hình sự” trong vụ này.
Năm người này bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp), Phan Thị Dung (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (xã Nâm N’Jang, Đắk Song).
Báo Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường ‘dễ tính’ thường pha trộn tạp chất vào hồ tiêu. Bởi vì các đối tác ở những thị trường này thường ký kết hợp đồng nhập khẩu hồ tiêu cho phép tiêu có tỷ lệ tạp chất lên tới 1%. Khoảng ba năm trước, với giá hồ tiêu giao động từ 150,000-180,000 đồng ($6.6 – $7.9)/kg, việc pha trộn tạp chất sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Chẳng hạn, trong một lô hàng xuất khẩu khoảng 100 tấn hồ tiêu, chỉ cần đấu trộn 1 tấn tạp chất thì người ta cũng thu lợi được khoảng 150 đến 180 triệu đồng ($6,585 – $7,902). Hiện nay, dù giá hồ tiêu có xuống thấp, nhưng việc pha trộn tạp chất vẫn mang lại lợi nhuận cao.”
Còn theo báo Tuổi Trẻ, “hỗn hợp pin” chỉ bán 3 tấn qua tỉnh Bình Phước và “đã bị thu giữ hết.” Tờ báo dẫn lời ông Ngô Xuân Lộc, chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông tại buổi họp báo: “Mức độ nguy hiểm của các độc tố trong ‘hỗn hợp pin’ thế nào thì vẫn đang nằm trong tiến trình điều tra. Ban đầu công tác điều tra theo hướng ‘cà phê pin’ để làm đồ uống nhưng kết quả hiện nay là đấu trộn về hạt tiêu. Từ kết quả này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định để làm rõ độc tố trong hạt tiêu đã đấu trộn.”
“Việc ký kết với hợp đồng nào, bán bao nhiều thì trong quá trình mở rộng điều tra của Bộ Công An và công an tỉnh Bình Phước sẽ làm rõ. Kết quả điều tra cụ thể, tổng thể về việc này thì phải chờ kết luận điều tra mới cung cấp thông tin đầy đủ được,” theo báo Tuổi Trẻ.
Còn theo báo Lao Động, cách đây một năm, công an huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, từng phát hiện một vụ “phù phép” biến tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp sau khi trộn tiêu vào dung dịch nấu từ “các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm không rõ nguồn gốc và thành phần.” Tờ báo cho biết chỉ trong vụ này, cơ quan chức năng “bắt tại trận hơn 700 kg hạt tiêu đã được ‘phù phép.’” Tuy vậy, không có thông tin những người phù phép tiêu sau đó có bị xử phạt hay không. (T.K.)
No comments:
Post a Comment