Nhưng hình ảnh gần như duy nhất được thấy trong lễ kỷ niệm trên là Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo Mới
Thiền Lâm
Vietnam – Cali today – Lại vừa hiện thêm một bằng chứng rõ rệt khiến đẩy cao mối nghi ngờ của dư luận về ‘Trần Đại Quang lại biến mất’.
Vào 20 h tối ngày 24/4/2018 (tức 9/3 âm lịch), tại sân Lễ hội, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) đã diễn ra long trọng Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và khai hội Hoa Lư 2018.
Trong khi đó, đã không có bất kỳ tin tức và hình ảnh nào về ‘Đinh Bộ Lĩnh’ hiện diện tại lễ kỷ niệm trên, cho dù Ninh Bình chính là quê hương của ông Trần Đại Quang.
Còn nhớ vào tháng Tư năm 2016, ngay sau khi nhậm chức chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang đã về thăm lại quê hương Ninh Bình và được chính quyền địa phương này tổ chức đón tiếp như ‘vua’, có cả đội danh dự, quân nhạc và quốc thiều.
Khi đó, thầy Phạm Thạnh – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) kể có lần xem báo thấy học trò Trần Đại Quang của mình tiếp xúc gần gũi với đồng bào dân tộc trong Tây Nguyên, thầy đã nghĩ: “Anh ấy rồi sẽ là Đinh Bộ Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình”.
Cũng vào năm 2016, rất nhiều người đã bàn tán về phương án ‘Quang thay Trọng giữa nhiệm kỳ’, tức theo một thỏa thuận nào đó trong Bộ Chính trị tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘nghỉ’ vào năm 2018 để Trần Đại Quang sẽ ngồi vào ghế tổng bí thư thay ông Trọng.
Từ dư luận trên, hình ảnh Trần Đại Quang đã vụt sáng rỡ trên chính trường Việt Nam và được giới quan chức cận thần suy tôn là ‘vua’, với đất khởi nghiệp là Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng.
Nhưng đến sát Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền – dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm năm 2018, thậm chí còn dậy lên những đồn đoán về việc ‘Đinh Bộ Lĩnh sẽ bị thay’.
Và thậm chí, người ta còn nêu ra cả những phương án nhân sự thay thế cho ‘Đinh Bộ Lĩnh’: Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư thành ủy TP.HCM, hoặc Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế trung ương…
Trong khi đó, những người quan tâm đến vở bi hài kịch trong chính trường Việt Nam một lần nữa xôn xao với sự ‘biến mất lần 2’ của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong cuộc đón tiếp của giới chóp bu Việt Nam với Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi vào tháng Tư năm 2018, chỉ có 3/4 “tứ trụ” là Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong khi đó, nhân vật phù hợp nhất về mặt nhà nước để đón Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi là Trần Đại Quang thì lại không thấy đâu.
Trước đó, báo đảng Việt Nam đã đề cập “Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng ngày 19/4 tới Tổng thống Nhà nước Israel nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Nhà nước Israel (1948 – 2018)”, và “Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông Miguel Diaz-Canel được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba”, nhưng lại tuyệt đối chẳng có một hình ảnh mới nhất nào, dù chỉ cho có, về “Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.
Thời gian đã trôi gần hết tháng Tư năm 2018 mà người ta không nhận ra hình ảnh nào của nhân vật chủ tịch nước. Khoảng thời gian “mất hình ảnh” này lại đang tiến tới gần ngang bằng với kỷ lục 1 tháng được thiết lập vào năm ngoái: Trần Đại Quang đã vắng biệt trên mặt truyền thông từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám. Lần “biến mất” vào năm 2017 của ông Quang đã khiến không chỉ dư luận trong nước xôn xao mà cả báo chí quốc tế cũng phải đặt dấu hỏi.
Một điểm khác biệt lớn giữa hai lần ‘biến mất’ vào năm ngoái và năm nay của Trần Đại Quang là nếu năm ngoái chỉ có một blogger (Huy Đức) đòi hỏi ông Quang phải ‘bàn giao quyền lực’ cho người khác, thì vào năm nay thậm chí đã xuất hiện những tin tức chưa kiểm chứng nhưng lan rộng về việc ‘Trần Đại Quang đã có đơn xin thôi giữ chức chủ tịch nước vì lý do sức khỏe’.
Một trong những tin tức trên xuất phát từ Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, đóng tại Singapore). Vào ngày 25 tháng Tư, ông Hiệp viết trên website của tổ chức này: “Từ hồi Tháng Tám, 2017, đã có báo cáo nội bộ của đảng CSVN đề cập về tình trạng sức khỏe kém của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, người biến mất khỏi công chúng trong một thời gian dài và được ghi nhận đang điều trị tại Nhật Bản. Ông Quang chỉ tái xuất tại Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC hồi Tháng Mười Một, 2017. Do vấn đề sức khỏe, ông Quang có thể sẽ bị thay thế tại Hội Nghị Trung Ương 7 sắp diễn ra.”
Ông Hiệp cũng viết: “Trong số những ứng viên được nhắm thay thế vị trí của ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính Trị và là bí thư Thành Ủy Sài Gòn, được cho là người sáng giá. Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy Sài Gòn, nay là trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương sẽ quay lại thay thế ông Nhân.”
Nhưng liệu có đúng là ‘vấn đề sức khỏe’? Hay còn những nguyên do sâu xa và ẩn giấu nào khác?
Lê Hồng Hiệp là người mà trước đại hội 12 thường có những bài viết và phát ngôn ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng như một ‘nhà cải cách’, nhưng lại gần như không đề cập đến những hoạt động cực kỳ nổi bật của ông Dũng: tham nhũng và điều hành yếu kém.
Nếu vào năm 2017, những tin tức về việc ‘Trần Đại Quang nghỉ’ vẫn còn khá mơ hồ, thì vào năm nay, có vẻ khả năng ‘Đinh Bộ Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình’ từ giã chính trường đang được hiện thực hóa một cách đầy chủ ý và mau chóng, mà ‘lý do sức khỏe’ có lẽ chỉ là bề nổi.
Khả năng ‘đảo lộn tứ trụ’ trong bộ Chính trị đảng tại Hội nghị trung ương 7 cũng bởi thế đang lớn dần theo thời gian.
No comments:
Post a Comment