Nguyễn Tuấn RFA 2018-03-07
Cuốn truyện tranh "Black Rose" do nữ họa sĩ Dương Thạch Thảo thể hiện.
Thói quen xem truyện tranh
Những cuốn truyện tranh cổ tích là vật dụng không thể thiếu trong cặp sách của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng tại Việt Nam. Không ai qua lứa tuổi đó mà không có những ngày giờ miệt mài đọc những câu chuyện thú vị được mô tả bằng tranh vẽ.
Một bạn nữ nhớ lại thói quen đọc truyện khi xưa của bản thân: “Từ nhỏ đến giờ em đã đọc qua rất nhiều chuyện tranh rồi, em thấy khi đọc truyện tranh nó đưa ra rất nhiều bài học cho người đọc truyện. Họ có thể thấy được những bài học mà những tác giả họ đem lại từ kinh nghiệm sống của họ. Họ tạo ra nhiều cảm hứng cho người độc giả. Ngoài ra có nhũng tình huống họ đưa ra làm cho mình biết cách nhìn nhận khía cạnh của cuộc sống hoặc tạo cho mình động lực để mình tích cực hơn.”
Một bạn nam khác có thời từng miệt mài xem truyện tranh Nhật Bản chia sẻ chúng không chỉ giúp giải trí mà còn có lợi cho bản thân.
“Đặc biệt là về văn hóa truyện tranh ở bên Nhật, anh thấy đó là vấn đề tiên quyết đưa lên đó là cái sự chui rèn khả năng của con người, sau những cái sự chăm chỉ rèn luyện thì khả năng của mình sẽ đưa đến thành quả nhất định nào đó.”
Giáo dục qua truyện tranh
Vào đầu tháng hai vừa qua, cuốn truyện tranh “Black Rose” (Hoa Hồng Đen) theo thể loại Manga của Nhật Bản, dành cho lứa tuổi 15 trở lên, được ra mắt tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội.
Tác giả, nhà xuất bản cùng những đơn vị tài trợ cho dự án này mong muốn đưa các kiến thức khoa học và giúp cho các độc giả trẻ được an toàn khi lên mạng internet.
Chúng tôi cần biến an ninh mạng thành một chủ đề thú vị hơn để giới trẻ có thể hiểu được mà không cảm thấy nó quá kỹ thuật, nhàm chán và khô khan.
- Michael Gray
Ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều tội phạm an ninh mạng, nhiều người bị lừa mất tài khoản, mất tiền bạc và nhất là những người trẻ bị dụ dỗ vào những tình huống tồi tệ, nên cần học cách tự bảo vệ mình. Ông Michael L.Gray người đứng đầu dự án The SecDev Foundation tại Việt Nam cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi quyết định đầu tư cho cuốn sách này về an ninh mạng cho giới trẻ ở Việt Nam bởi vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần biến an ninh mạng thành một chủ đề thú vị hơn để giới trẻ có thể hiểu được mà không cảm thấy nó quá kỹ thuật, nhàm chán và khô khan.”
Vấn đề an ninh mạng vẫn chưa được Bộ Giáo Dục- Đào Tạo Việt Nam đưa vào giảng dạy tại các trường học trên cả nước, ông Mike nói về điều này như sau:
“Tuy nhiên vấn đề này chưa được giảng dạy tại các trường học nên chúng tôi muốn biến cuốn sách này thành một phương tiện để tiếp cận giới trẻ. Và chúng tôi cũng muốn nhắn gửi đến giới chức giáo dục Việt Nam rằng vấn đề an ninh mạng nên được dạy tại các trường học và cần được đưa lên cả TV để các phụ huynh nhận thức được và giáo dục con em mình.”
“Black Rose” là một sản phẩm của Comicola với sự hợp tác giữa nữ họa sĩ Dương Thạch Thảo, biệt hiệu Nie, và The Secdev Foundation-một tổ chức phi chính phủ của Canada về lĩnh vực công nghệ và bảo mật.
Thông điệp nổi bật của cuốn truyện là vấn nạn buôn người. Nội dung và hình ảnh được thể hiện xuyên suốt trong 155 trang nói về nhân vật nữ ca sĩ Michi được giới trẻ ái mộ. Câu chuyện bắt đầu khi cô ca sỹ bị hack tài khoản Facebook và vô tình tạo ra một vụ hỗn loạn trong ngày ra mắt album mới của Michi có tên “Black Rose”. Nữ ca sĩ quyết tìm đến một siêu thiên tài công nghệ đã mai danh ẩn tích, với mong muốn lấy lại những gì thuộc về mình. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một loạt các biến cố. Michi bị cuốn vào những vụ làm ăn phi pháp của một băng đảng mafia khét tiếng.
Với mong muốn mang tới thông điệp về an toàn thông tin cá nhân trên mạng, và nêu lên hiểm họa về nạn buôn người qua biên giới, truyện tranh “Black Rose” mang tới những kiến thức nhất định để bảo vệ bản thân trước những mối hiểm họa có thật, mà ai cũng có thể là nạn nhân.
Truyện tranh Black Rose kết thúc với kêu gọi cụ thể của nhân vật ca sĩ Michi “Các bạn ơi, để không bị hack thì cuối cùng vẫn là ý thức của chúng tôi thôi. Tất cả lỗ hổng để hacker xâm nhập dường như là đều đến từ thói quen xấu của chúng ta không thôi, nên hãy sửa chữa nó nhé”.
No comments:
Post a Comment