Tiến Thiện, RFA 2018-03-06
Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia Việt Nam trên tàu USS Carl Vinson (CVN-70), neo ở bờ biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3 năm 2018.AFP
Sự kiện nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam từ ngày 5/03/2018 được truyền thông và người dân trong nước quan tâm theo dõi, đặc biệt là với người dân Đà Nẵng.
'Chúng tôi quan tâm'
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã đổ xô đến những vị trí có thể quan sát được hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson của Mỹ. Các địa điểm như bán đảo Sơn Trà và một số bãi biển có đông đảo phóng viên và người dân tập trung để quan sát được con tàu được đánh giá là hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc này.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với một số người dân Đà Nẵng về suy nghĩ của họ xung quanh sự kiện được cho là “mang tính lịch sử” này.
Sinh viên Hồ Quang Huy đang quan sát tàu sân bay USS Carl Vinson cho chúng tôi biết lý do bản thân quan tâm đến sự kiện hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng:
Hồ Quang Huy: “Thật ra em rất là ghét Trung Quốc. Người Trung Quốc ở đây nhiều quá. Với lại em nhìn thấy người Mỹ thì em thích. Nói chung nhìn nó hoành tráng, và mở ra một tương lai ngoại giao gì đó với Mỹ hay sao đó.”
Một người dân Đà Nẵng khác, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ:
Ông Nguyễn Văn Hải: “Chúng tôi quan tâm chứ. Chúng tôi là những người dân sống nhờ biển. Và anh em của chúng tôi, dân biển chúng tôi trực tiếp bị hại dưới tay những kẻ xâm chiếm Biển Đông. Và bây giờ có một chiến hạm của Mỹ đã vào biển đông. Như thế chúng tôi vẫn an tâm. Sau lưng chúng tôi vẫn có những người công chính để bảo vệ những người yếu ớt như chúng tôi. Trong khi đó thì chính phủ của chúng tôi không quan tâm đến chúng tôi.”
Tôi chỉ mong đất nước thoát khỏi “cái ách” này. Nhờ ai? Nhờ những bạn đồng minh trung thực chứ không phải “bạn vàng."
- Người dân Đà Nẵng
Trái ngược với sự hồ hởi của người dân, Theo truyền thông Việt Nam, lễ đón tàu không có đại diện cấp cao Việt Nam mà đại diện phía chủ nhà chỉ là các quan chức của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Chúng tôi trao đổi với nhiều người và cũng ghi nhận một thái độ né tránh trả lời phỏng vấn ở một bộ phận không nhỏ. Có người ngại nói lên quan điểm mình nhưng bên cạnh đó cũng có người thờ ơ và cho rằng không quan trọng.
Nhận xét về tương lai mối quan hệ Việt – Mỹ sau chuyến thăm của tàu khu trục của Mỹ, ông Nguyễn Văn Hải nói lên kỳ vọng của mình.
Ông Nguyễn Văn Hải: “Tôi rất mong đợi. Mong đợi ở đây, cái đầu tiên chưa nói đến tương lai. Nhưng mà hiện tại chúng ta chơi với những người văn minh hơn, thượng tôn pháp luật và những người biết trái biết phải hơn thì chúng ta cũng sẽ văn minh hơn. Và từ đó xã hội sẽ văn minh hơn, và con người cảm nhận và biết quý trọng cái sự dân chủ là như thế nào. Vì chúng ta chơi với dân chủ thì chúng ta sẽ học được cái tốt của dân chủ. Tôi chỉ mong đất nước thoát khỏi “cái ách” này. Nhờ ai? Nhờ những bạn đồng minh trung thực chứ không phải “bạn vàng”. Những bạn đồng minh trung thực và muốn chúng ta được tự do, dân chủ, không bị o ép bởi thế lực nào, o ép bởi đảng phái độc tài nào.”
'Hy vọng trời sẽ sáng!'
Như nhiều bạn sinh viên khác, anh Hồ Quang Huy không thực sự mặn mà với hiện tình chính trị Việt Nam nhưng anh cũng nói lên hiểu biết và mong ước của nhiều bạn bè anh.
Hồ Quang Huy: “Em cũng không quan tâm vấn đề thời sự lắm. Nhưng việc thăm của tàu sân bay, thì em rất muốn người Mỹ họ hiện diện tại Việt Nam chứ không phải là người Trung Quốc.
Em không biết về chính trị nhiều. Nhưng em không thích chính quyền mình thân với Trung Quốc. Mà tương lai em mong không phải chỉ có một mà có nhiều cái tàu của người Mỹ họ vào như vậy.”
Tương lai Việt Nam không thể chỉ dựa vào một cái tàu sân bay của Mỹ được. Mà nó phụ thuộc vào toàn dân Việt Nam.
- Hoàng Thị Hồng Thái
Bày tỏ sự quan tâm nhưng nhà hoạt động Hoàng Thị Hồng Thái sinh sống tại Đà Nẵng nêu lưu ý.
Hoàng Thị Hồng Thái: “Việt Nam đã đón chào rất nhiều nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Mỹ Obama đã từng sang Việt Nam, tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng từng tới Việt Nam. Tương lai Việt Nam không thể chỉ dựa vào một cái tàu sân bay của Mỹ được. Mà nó phụ thuộc vào toàn dân Việt Nam.”
Hồ Quang Huy cũng nêu ra cảm nhận của anh về tương lai của mối quan hệ Việt – Mỹ.
Hồ Quang Huy: “Với tình hình thực tế thì em thấy nó giống như là cái kiểu mấy ông lãnh đạo mình thân Trung nhiều quá. Vài lần em coi thời sự em thấy người Mỹ họ sang thì không có động thái gì, còn người Trung Quốc họ sang thì mình bắn pháo nhiều lắm. cho nên cái việc có cho vào hay không thì cũng không nói lên được điều gì. Thứ hai là em ra đây chơi từ qua tới giờ, em thấy cái tàu kia cứ đứng vậy, không được vào cảng. Việt Nam mình giống như là kiểu đi hàng hai vậy đó. Chứ mấy ông chính quyền mình hơi đâu anh. Mấy ông làm gì thân Mỹ mấy ông thân Trung thôi. Mấy ông chẳng qua là dằn mặt nhau thôi.”
Qua chuyến thăm này, Ông Nguyễn Văn Hải dù dè dặt trong kỳ vọng nhưng vẫn mong nhà cầm quyền Việt Nam trả lại quyền tự quyết và biết “chọn mặt gửi vàng”.
Ông Nguyễn Văn Hải: “Tôi không dám nhận định. Nhưng hy vọng trời sẽ sáng. Và chúng ta không còn nhất nguyên nữa. Nhất nguyên là độc đảng mà từ mấy anh vận hành. Chúng tôi chỉ mong đa đảng và hãy trả về quyền cho người dân của chúng tôi để chúng tôi tự quyết tương lai của chúng tôi và đất nước chúng tôi. Không nên nghiêng về “bạn vàng” hay “bạn đỏ” gì cả mà để chúng ta tự quyết.”
Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cùng các tàu tuần dương hộ tống đã ghé thăm Đà Nẵng, một cơ sở chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây.
USS Carl Vinson thăm Việt Nam cũng được các chuyên gia coi là sự đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ.
No comments:
Post a Comment