Blogger nguyenanhtuan Theo RFA-2018-03-07
Ông Trịnh Xuân Thanh chụp tại một công viên ở Berlin.Photo: RFA
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một chủ đề đáng chú ý thời gian vừa qua, không chỉ vì đây là niềm hi vọng còn sót lại cho kinh tế Việt Nam sau khi TPP (phiên bản cũ) đã chết với sự rút lui của Mỹ, mà còn vì tương lai mờ mịt của chính nó sau khi Việt Nam, bằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao vô tiền khoáng hậu với Đức - quốc gia đóng vai trò lãnh đạo trong khối EU.
Ngày 14 tháng 2 vừa qua European Parliamentary Research Service (EPRS) - Viện Nghiên cứu Quốc Hội EU vừa công bố bản tóm lược dài 8 trang về EVFTA, cung cấp cái nhìn tổng quan về Hiệp định, gồm cả ý kiến đánh giá của các bên liên quan. [1]
EVFTA được kỳ vọng đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam với GDP dự báo tăng thêm 15% và xuất khẩu vào Châu Âu tăng 1/3. Ở phía bên kia, EU có lẽ không kỳ vọng vào lợi ích kinh tế trực tiếp từ Hiệp định, mà nhắm vào mục tiêu xa hơn: EVFTA là bước đầu tiên để EU có thể thiết lập một FTA với toàn vùng ASEAN.
Điều này phần nào giải thích vì sao có lợi hơn về mặt kinh tế trong EVFTA song Việt Nam vẫn không có nhượng bộ nào đáng kể nào trước áp lực của EU về nhân quyền, bằng chứng là có ít nhất 2 nhà hoạt động đã bị bắt ngay trước và ngay sau những buổi gặp với phái đoàn EU.
Việt Nam hiểu rằng EU cũng cần họ để hiện thực hóa mục tiêu thương mại rộng lớn hơn của mình. Tuy nhiên Việt Nam có thể nên bắt đầu xem xét lại sự tự tin của mình sớm, vì lẽ gần đây xu hướng chống toàn cầu hóa đang lan tỏa khắp nơi, bao gồm cả EU, khiến mục tiêu có một FTA liên vùng EU-ASEAN trở nên xa vời, đồng nghĩa với lá bài trong tay Việt Nam không còn nhiều sức mạnh.
Một điểm đáng chú ý khác là trong số các bên liên quan được viện dẫn quan điểm trong báo cáo, ngoại trừ cộng đồng doanh nghiệp EU đang thúc giục phê chuẩn Hiệp định, tất cả các ý kiến, từ Quốc Hội Châu Âu đến Thanh Tra Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ, đều quan ngại sâu sắc về thành tích nhân quyền đáng báo động của Việt Nam cũng như cách mà Ủy ban Châu Âu nhìn nhận vấn đề này.
Phê phán quyết liệt nhất dành cho Ủy ban Châu Âu là cơ quan này đã không đưa vấn đề nhân quyền vào bản Đánh giá Tác động mà họ thực hiện hồi năm 2009. Đáp lại, Ủy ban Châu Âu cho rằng với các quy định hiện hành, việc đánh giá hậu kiểm sau khi Hiệp định có hiệu lực là đã đủ.
Cuối cùng, bản tóm lược nêu ra lý do pháp lý khiến EVFTA bị trì hoãn có liên quan đến Bản Quan điểm của Tòa Công lý Châu Âu đối với FTA tương tự của EU với Singapore. Dựa trên quan điểm này, EU và Việt Nam đang đứng trước hai lựa chọn, hoặc là giữ nguyên và chờ đợi sự phê chuẩn của EU cùng đầy đủ 28 nước thành viên, hoặc là tách phần danh mục đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước-nhà đầu tư thành một hiệp định riêng và để phần còn lại được phê chuẩn bởi riêng Châu Âu. Phương án sau khiến Hiệp định không còn toàn vẹn, nhưng phương án đầu thì lại quá rủi ro nhất là trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao với Đức.
Tóm lại, con đường EVFTA vẫn còn nhiều gập ghềnh.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment