Trần Đắng (Danlambao - Lênin viết: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Đúng không? Chỉ đúng một phần. Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa chân lý thì sai lầm. Ở đây ta bàn về tính đúng, sai, giới hạn của tri thức, từ đó ta thấy mấy ông cs sùng bái tri thức, là nô lệ của tri thức sai lầm như thế nào.
Không có sách thì không có chủ nghĩa tư bản, không có chế độ phong kiến, không có chế độ chiếm hữu nô lệ. Ở Việt Nam, theo học giả Nguyễn Hiến Lê, giai cấp tiến bộ nhất là giai cấp tiểu tư sản thành thị; không có sách thì không có giai cấp tiểu tư sản thành thị luôn. Vậy câu nói của Lênin sai.
Trí thức Việt chắc không xa lạ gì điển tích này, nó gợi lên giới hạn của tri thức:
Truyện xảy ra tại nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc. Một hôm, Tề Hòan Công đang ngồi đọc sách ở trong nhà. Bấy giờ ở ngoài hiên có một anh thợ mộc tên là Luân Biển đang ngồi đẽo bánh xe, anh này là một tay rất hóm hỉnh, khi nghe tiếng đọc sách khô khan, nhát ngừng từ trong nhà vọng ra thì cảm thấy vô cùng khó chịu, mới vào nhà hỏi Tề Hoàn Công rằng: "Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc sách gì vậy?". Tê Hoàn Công sửng sốt trước sự đường đột của Luân Biển, nhưng cũng đáp rằng: "Trẫm đang đọc sách của thánh nhân". Luân Biển lại hỏi: "Thế thánh nhân hiện còn sống không?". Tề Hòan Công đáp: "Thánh nhân đã qua đời từ lâu rồi". Luân Biển nghe vậy tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: "Ồ, ra thánh nhân đã chết từ đời tám vánh nào rồi, vậy thì sách bệ hạ đang đọc đây chắc chắn là những thứ cặn bã của cố̉ nhân để lại".
Tề Hoàn Công nghe vậy tức giận nói: "Trẫm đang đọc sách của thánh nhân, ngươi là một anh thợ mộc quèn, đầu óc lúc nào cũng chứa toàn những dùi đục với dìu búa thì biết gì mà cũng chõ mõm vào, ngươi dám nói sách của cổ nhân là cặn bã, nếu ngươi không nói rõ được nguyên nhân thì liệu thần hồn".
Luân Biển thản nhiên đáp: "Xin bệ hạ bớt giận, thần chẳng qua chỉ dựa theo kinh nghiệm làm bánh xe của mình mới nói vậy thôi. ví như đẽo mộng chẳng hạn, nếu đẽo nhỏ rồi thì mộng bám không khít, không thể chắc chắn được. Còn như đẽo quá to thì lại không thể lắp vào mộng cái, cho nên chỉ có đẽo cho vừa phải, không to mà cũng không nhỏ thì mộng mới bám chặt, bánh xe mới không bị xộc xệch. Kỹ thuật này không thể dùng lời nói để miêu tả. Còn những thứ độc đáo và tuyệt diệu trong học vấn của cổ nhân thì làm sao có thể nói rõ ràng được, cho nên những thứ bệ hạ đang đọc đây chẳng phải cặn bã của cổ nhân là gì?".
Tề Hoàn Công nghe xong, cảm thấy lời nói của Luân Biển rất có lý, nên không bắt tội.
Sách của Karl Marx, F. Engels, Lênin chỉ là “cặn bã của cổ nhân” cho những người cuồng Cộng hiện nay mà thôi.
Một điển tích khác:
Vào một buổi tối, Phật Thích Ca chỉ ngón tay lên mặt trăng, nói với các đồ đệ: “Kia là trăng, theo ngón tay ta chỉ thì thấy, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là trăng. Cũng vậy, theo kinh sách thì tìm thấy đạo, nhưng kinh sách không phải là đạo.”
Kinh sách hay tri thức, trong Phật giáo, bị giới hạn, có học thuộc lòng cũng chưa đắc đạo. Chưa đắc đạo mà bàn về đạo thì như chưa ăn phở mà bàn về phở. Phật cảnh tỉnh người theo Phật giáo đến mức trước khi qua đời, sau 49 năm giảng đạo, ông nói ông “chưa giảng cái gì”. Cái ông giảng chính là tri thức, nó không mô tả được hết bản thể (gốc) của thế giới.
Một người đàn ông ở Ucraine nói trang bị tri thức cho con làm hành trang vào đời. Lúc này Ucraine đang có chiến tranh với Nga. Người bạn của ông bình luận trên Facebook: “Nếu Nga trang bị tri thức cho nhân dân tốt, tức họ có nhiều tiến sĩ mọi lĩnh vực thì chiến thuật, chiến lược, vũ khí họ tốt sẽ đánh cho Ucraine tơi tả!” Học càng cao, càng sâu rộng thì càng hại!! Tri thức đem lại sự khổ sở, đau buồn.
TQ thì mạnh hơn, giàu hơn, lớn hơn, khoa học kỹ thuật tức tri thức họ cũng hơn Việt Nam ta. Kết quả là TQ chiếm biển đảo, lấn biên giới. Cùng là cs cả, cùng sùng bái tri thức, nô lệ cho tri thức cs cả mà cả hai đang kéo nhau đi ngược chiều! Dân TQ mà học càng giỏi, tức có nhiều tiến sĩ ở ngoại giao, kinh tế, quân sự, tình báo, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, hàng không, v.v... thì Việt Cộng sẽ càng bị quậy cho lên bờ xuống ruộng. Có giỏi mà tự nhận “chủ nghĩa Mác-Lê là đỉnh cao trí tuệ nhân loại”! Tàu cũng có “đỉnh cao”, & “đỉnh cao” Tàu nện cho “đỉnh cao” Việt tơi tả. Cái dở của tri thức là vậy!
Thiên tài Albert Einstein, tìm ra công thức E = mC2 (Năng lượng bằng khối lượng vật chất nhân với bình phương vận tốc ánh sáng). Đây là căn bản của khoa học nguyên tử, từ đó chế tạo được bom nguyên tử (bom A) và bom nhiệt hạch (bom H, như mặt trời). Nhưng thấy cái hại của 2 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản ở Hiroshima và Nagasaki vào 1945, ông chống lại vũ khí nguyên tử. Như vậy, sùng bái tri thức và khoa học là sùng bái sự giết người hàng loạt quy mô lớn!
Dân Mỹ thì mỗi tổng thống có mỗi hướng đi khác nhau, mỗi ông là mỗi học thuyết, không cố chấp cứng nhắc vào học thuyết nào cả, cứ đời sau thì khác đời trước, do dân nhận ra và bầu cho ông nào họ thấy hợp thời. Ở Mỹ thì chả có học thuyết nào của các tổng thống trường tồn, họ thay đổi như nhà Phật nói “cái gì cũng vô thường”, tức họ không chấp tri thức. Tri thức ở đây là tri thức trị dân, làm kinh tế, không như cs cứng nhắc “đấu tranh giai cấp”, “đảng ta vĩ đại thật”, v.v... sùng bái chủ nghĩa Mác-Lê, nô lệ cho chủ nghĩa là sai lầm. Tri thức là tốt, ai cũng biết, nhưng nó cũng cực kỳ hại. Theo một cái còn có hại thì đó là người cuồng, người mê. Từ đây suy luận ra việc theo chủ nghĩa cộng sản, cũng là “tri thức”, là sự sai lầm. CS là sai lầm.
Thanh Hóa 3-2-2018
No comments:
Post a Comment