RFA 2018-02-07
Nhà hoạt động Hoàng Bình (trái) nhận mức án 14 năm tù giam do vi phạm Điều 257, 258 và Đinh La Thăng (phải) nhận án 13 năm tù giam vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” AP
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục có những phiên toà hình sự mà cơ quan tố tụng cho là có tính chất nghiêm trọng gây hậu quả nghiêm trọng đến xã hội.
Trong một số vụ đối tượng bị cáo và tội danh đưa ra trong những phiên toà đó tuy khác nhau nhưng mức án cuối cùng không cách biệt nhiều, từ 10 đến 14 năm tù giam.
Có sự khác biệt gì giữa những thiệt hại gây ra bởi các tội danh đó và sai phạm thực tế của các đối tượng bị cáo được ghi nhận ra sao?
Đối tượng bị xâm phạm
Thời gian qua, truyền thông xã hội và báo giới loan tải khá nhiều và đầy đủ về các đối tượng bị cáo, cũng như những sai phạm mà họ bị cáo buộc trước toà. Điều này giúp nhận ra một số bị cáo không những khác nhau về địa vị xã hội mà những sai phạm của họ cũng mang tính chất khác nhau.
Cuối tháng 11/2017, ở phiên toà phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 BLHS Việt Nam.
Đây là bản án mà các luật sư bào chữa cho blogger Mẹ Nấm nhận định là “nặng hơn cả bản án giết người.”
Gần đây nhất là bản án 14 năm tù giam đối với nhà hoạt động môi trường, phó chủ tịch của phong trào Lao Động Việt Hoàng Bình với tội danh “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 257 và 258 BLHS Việt Nam.
Với mức án này, nhà hoạt động Hoàng Bình sẽ có thời gian chịu án lâu hơn ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN, cựu Ủy viên bộ chính trị, người bị Tòa Nhân dân Hà Nội tuyên án 13 năm tù giam vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Công lý là thế đấy?”Ngay khi bản án dành cho nhà hoạt động Hoàng Bình được công bố, Luật sư Nguyễn Phương Đông đã thốt lên:
“Từ lúc Bạch Hồng Quyền bị truy nã là giới đấu tranh và cả hắn đều biết rõ mình sắp bị bắt. Thay vì chọn con đường đi tỵ nạn chính trị thì hắn lại chọn ở lại quê hương. Và giờ đây phải lãnh cái án 14 năm nặng nề (cao hơn cả Đinh La Thăng khi tham nhũng hàng nghìn tỷ - án 13 năm).
Nhưng đối với chính quyền, họ cho rằng những xâm phạm về lợi dụng tự do dân chủ, ảnh hưởng đến sự quản lý của nhà nước về chính trị, xã hội thì họ coi đó là nghiêm trọng, và họ xếp ngang với những tội danh về quản lý kinh tế. - LS Đặng Đình Mạnh
Cũng dựa trên khía cạnh luật pháp, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh phân tích sâu hơn về thiệt hại do các sai phạm của hai nhóm đối tượng bị cáo, và mức độ vi phạm thực tế của các bị cáo đã bị cáo buộc trước toà.
Trước tiên, ông khẳng định có sự khác biệt rất rõ ràng khi nói về đối tượng bị xâm phạm của tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội danh theo Điều 257, 258 BLHS Việt Nam.
“Nó có sự khác biệt rõ ràng. Một tội xâm phạm vào quy định của quản lý kinh tế của nhà nước. Những sai phạm như vậy nó làm thiệt hại tài sản của nhà nước, mà cũng chính là tài sản của nhân dân.
Còn đằng kia, nhà nước cho rằng những đối tượng đó là tội phạm, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Vì vậy nó sẽ có sự khác biệt nhau về đối tượng bị xâm phạm.”
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những người bị nhà nước cho là tội phạm ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘âm mưu lật đổ’…luôn có quan điểm trái ngược với những cáo buộc mà họ bị kết tội. Họ cho rằng họ đang thực hiện quyền căn bản của công dân do Hiến pháp quy định.
“Nhưng đối với chính quyền, họ cho rằng những xâm phạm về lợi dụng tự do dân chủ, ảnh hưởng đến sự quản lý của nhà nước về chính trị, xã hội thì họ coi đó là nghiêm trọng, và họ xếp ngang với những tội danh về quản lý kinh tế.
Do vậy nó đưa đến hậu quả mà mình thấy trước mắt là hình phạt nó tương đương nhau.”
Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết thúc với y án 10 năm tù giam, Luật sư Nguyễn Khả Thành có chia sẻ về quan điểm của ông đối với tội danh của blogger này:
“Lập luận của chúng tôi là Như Quỳnh không phạm tội, hậu quả gây ra cũng không có gì nghiêm trọng.”
Diễn tiến của các phiên toà xét xử vụ án mang tính chất kinh tế, hình sự của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, hoặc những vụ án chính trị như của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hoá, Hoàng Bình, Nguyễn Hoàng Phúc đều được truyền thông thế giới theo dõi rất kỹ và tường thuật chi tiết.
Tờ The Guardian vào ngày 6/2/2018, tức ngày tuyên án nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, bình luận về mức án 14 năm mà Toà án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã tuyên:
“Mặc dù chính sách cải cách kinh tế cách đây ba thập niên đã mở ra Việt Nam, 1 đất nước theo chủ nghĩa Cộng sản có cơ hội đầu tư và thương mại nước ngoài, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhưng nhà nước độc đảng này vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt của cuộc sống bao gồm các phương tiện truyền thông và không có khoan dung cho những ý kiến bất đồng.”
Điều này có thể giải thích phần nào phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra khi nói về lý do hai đối tượng phạm tội nêu trong bài viết có những hình phạt tương đương nhau.
Sai phạm thực tế
Một sự khác biệt nữa về những phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các nhà hoạt động như Hoàng Bình, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…đó là các cáo buộc mà toà án đã đưa ra đối với sai phạm của họ. Các cáo buộc và cả bản án đều nhận được phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau từ công chúng.
Theo quan sát của luật sư Đặng Đình Mạnh, ông nói rằng dưới góc độ người dân, họ sẽ đồng tình với chính quyền về việc truy tố và xử phạt những bị cáo như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, với các luật sư, thì sẽ có cái nhìn khác.
Nhận định về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với hai bị cáo là Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Hoàng Hướng có ý kiến:
“Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. Bởi vì qua quan sát của tôi đối với ông Đinh La Thăng, mức từ 14-15 năm tù, xét thấy qua những lời khai của ông ấy tại toà thì để thực hiện việc điều hành ký hợp đồng tổng thầu nhiệt điện Thái Bình thì rõ ràng ông ấy có quyền chủ động. Tuy nhiên về mặt vốn và một số các hoạt động khác thì như ông ấy đã khai là hoàn toàn có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị nữa. Theo quan điểm của tôi, điều này cần làm rõ. Nếu đúng như thế thì đó là những cái mang tính tương đối khách quan có thể giảm nhẹ hình phạt cho ổng.”
Ngược lại hoàn toàn khi nói về những sai phạm mà toà án đã cáo buộc các nhà hoạt động như Mẹ Nấm, Hoàng Bình…nhà hoạt động Lê Văn Sơn viết rằng:
“Hoàng Đức Bình bị cộng sản áp chế 14 năm tù giam, nhưng chính Bình đang là muối men ướp cho mặn nồng hơn tình yêu quê hương đất nước trong lòng các bạn trẻ. Và tương lai đất nước này sẽ được tuổi trẻ đáp lời, nhờ sức mạnh hồn thiêng sông núi, tuôi trẻ Việt Nam sẽ nhấn chìm cộng sản dưới đáy biển khơi.”
Hoàng Đức Bình bị cộng sản áp chế 14 năm tù giam, nhưng chính Bình đang là muối men ướp cho mặn nồng hơn tình yêu quê hương đất nước trong lòng các bạn trẻ. Và tương lai đất nước này sẽ được tuổi trẻ đáp lời, nhờ sức mạnh hồn thiêng sông núi, tuôi trẻ Việt Nam sẽ nhấn chìm cộng sản dưới đáy biển khơi. - Lê Văn Sơn
Một ý kiến khác của từ người dân Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Chung, là thành viên của nhóm Cây Xanh Hà Nội, chia sẻ về bản án của nhà hoạt động Hoàng Bình:
“Theo tôi việc làm của anh Hoàng Bình là việc làm của một người yêu nước, quan tâm đến nỗi khổ của ngư dân sau cái thảm họa miền Trung do nhà máy Formosa gây ra. Anh Hoàng Bình hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật là làm đơn khởi kiện Formosa.”
Tất cả những bản án tù giam đề cập trong bài viết đều từ 10 năm trở lên. Thế nhưng, tính chất vi phạm và mức nặng, nhẹ của từng bản án có vẻ như đã chưa thuyết phục được công chúng và truyền thông thế giới.
No comments:
Post a Comment