Tuesday, January 23, 2018

Vì sao Trịnh Xuân Thanh xin lỗi bác Tổng Trọng

“…bất kỳ quan chức chính phủ nào đều phải tuân phục theo chỉ thị của đảng mà đứng đầu là Tổng bí thư, bất cứ sự sai phạm hay xúc phạm nào đối với bác Tổng đều bị quy án và đem ra xét xử…”
nguyenphutrong57
Tôi đưa ra nhận định Trịnh Xuân Thanh xin lỗi bác Tổng Trọng là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Vấn đề này tôi sẽ giải thích dài dòng một chút từ căn nguyên cho đến gốc rễ của sự việc, đó là Hệ thống Đảng cộng sản và Hệ thống Nhà nước Việt Nam tuy là hai hệ thống nhưng một quyết định chỉ từ Tổng Bí thư.
sodo_tochuc_quochoi_vietnam
Hệ thống Nhà nước Việt Nam
Chú thích:

- 19 Ủy viên bộ chính trị đều là đại biểu Quốc hội

- Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, do Quốc hội bầu ra theo sự phân công của Bộ Chính trị

- Các bộ và cơ quan ngang bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công thương, LĐ-TB và xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạc và đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và công nghệ, Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Tài nguyên và môi trường, Văn phòng chính phủ, Thanh tra chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban dân tộc.
sodo_tochuc_dang_congsan_vietnam
Hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam
Chú thích:
- Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng: 1510 đại biểu đại diện đảng bộ các tỉnh thành, thường lệ 5 năm một lần

- Tổng Bí thư là người đứng đầu Bộ Chính trị

- Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định nhân sự cấp Bộ trưởng trở lên

- Ban chấp hành trung ương đảng: 180 chính thức + 20 dự khuyết

- Ban chấp hành trung ương đảng quyết định nhân sự cấp Thứ trưởng, các cấp tỉnh thành.
Nhìn vào hai hệ thống cho thấy hệ thống Đảng có cơ cấu phức tạp hơn Hệ thống Nhà nước. Hệ thống Đảng có cơ cấu tương tự như một hệ thống quản lý nhà nước và điều hành toàn bộ Hệ thống nhà nước, có nghĩa là một quốc gia có hai hệ thống nhà nước cùng điều hành quốc gia trong đó Hệ thống Đảng giữ vai trò chủ đạo, Hệ thống Nhà nước chỉ là bức bình phong để Đảng lãnh đạo mang tính chính danh.

Đảng lãnh đạo theo nguyên tắc Tập trung dân chủ: Cấp dưới phục tùng cấp trên; Thiểu số phục tùng đa số; Cá nhân phục tùng tổ chức; Tuyệt đối phục tùng điều lệ đảng, cương lĩnh đảng, đại hội đại biểu toàn quốc, các cơ quan cấp ủy; Ý kiến phản biện: đảng viên có quyền có ý kiến phản biện phải báo cáo với cấp ủy cấp trên, không được nói ra, khi tập thể quyết định phải nói theo tập thể; Tập thể lãnh đạo – cá nhân phụ trách.

Hệ thống Đảng quan trọng hơn so với Hệ thống nhà nước, những người giữ chức vụ quan trọng trong Đảng mới được phân công giữ chức vụ trong Chính phủ.

Bộ Chính trị quyết định toàn bộ Luật do Quốc hội đưa ra, Bộ chính trị cử bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội như một chức danh đại diện. Thực tế, Quốc hội chỉ là nơi thông qua luật do Hệ thống Đảng quyết định.

Vì vậy, chỉ thị của Đảng cao hơn Pháp luật của Nhà nước, việc xét xử công khai một quan chức chính phủ không có nghĩa là đem lại sự công bằng đối với Pháp luật hay đối với người dân, đó đơn thuần chỉ là thanh toán nội bộ đảng bằng biện pháp sử dụng Pháp luật.

Hệ thống Đảng chi phối toàn bộ hoạt động của Chính phủ, Tòa án, Quân đội, vì vậy quan chức chính phủ sai phạm sẽ là tội phạm của đảng chứ không đơn thuần là tội phạm do pháp luật quy định.

Trịnh Xuân Thanh là đảng viên thuộc tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, đã từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Sau vụ bê bối chiếc xe Lexus 570 do Trịnh Xuân Thanh sử dụng gắn biển xanh gây chú ý trong dư luận. Nhưng xét xử Thanh với tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong giai đoạn 2011-2013.

Ngày 6-8/9/2016, tại kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Về mặt sinh hoạt đảng cũng như giữ chức vụ do đảng giao phó, nếu có vấn đề gì thì kỷ luật đối với đảng là cao nhất chứ không phải là đối với pháp luật.

Nói như vậy, chiếu từ cấp dưới lên, từ các tổng công ty, được sự quản lý của các bộ ngành, ví dụ tổng công ty PVC thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam do Bộ Công thương quản lý, người đứng đầu đều là các đảng viên, chịu sự quản lý của các cấp Đảng ủy. Vậy nên dù đứng ở cương vị làm kinh tế thì cũng chỉ là làm việc theo sự chỉ đạo của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư.

Dù được xét xử công khai thì Thẩm phán cũng là đảng viên cộng sản và phải tuân phục theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như đảng ủy đang sinh hoạt.

Vậy nên việc Trịnh Xuân Thanh xin lỗi bác Tổng là hoàn toàn hợp lý, đúng hoàn cảnh, đúng người cần phải xin lỗi, nếu bác Tổng không tha lỗi thì toàn bộ hệ thống chính trị từ bên hành pháp là các bộ ngành quản lý đến Tư pháp là tòa án sẽ không tha cho Thanh bởi các bộ ngành hay tòa án đều được dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của bác Tổng Bí thư cả.

Không phải mỗi Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh, bất kỳ quan chức chính phủ nào đều phải tuân phục theo chỉ thị của đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư, bất cứ sự sai phạm hay xúc phạm nào đối với bác Tổng đều bị quy án và đem ra xét xử.
Nguyễn Hồng Hải

No comments:

Post a Comment