TTTVN 2018-01-23
Một cụ già bán hàng rong trên phố đi bộ ở Hà Nội trong đêm lạnh tháng Chạp (1/2018) TTVN
Tháng Chạp về với sương mù lãng đãng, mưa xuân phơ phất trên những đám ruộng mạ non… Một cảm giác rất khó tả kéo qua tâm hồn con người. Có thể mỗi người cảm nhận về Tết theo cách riêng của mình, nhưng nhìn chung, dường như cảm thức về thời gian đang chuyển trục, đang quay nghiêng cùng vạn vật, hàng sầu đông vặn mình trút lá thay áo mới, hay trẻ nhỏ trở nên hiếu động hơn và người lớn trở nên tất bật, ưu tư hơn trước một tuổi mới. Hình như đây là cảm nhận chung, niềm tư lự chung của mọi người. Tháng Chạp Việt nam, sau lũ lụt, sau hàng loạt khó khăn, xăng tăng giá, điện tăng giá, vật giá leo thang, dường như Tết cũng rất nỗi niềm!
Vật giá leo thang, Tết sẽ buồn hơn
Bà Hương, cư dân Hà Nội, làm nghề buôn thúng bán mẹt, chia sẻ:“Bây giờ ế ẩm lắm, không biết tại sao Tết năm nay mặc dù đã sang tháng Chạp rồi mà vẫn bán ế ẩm, nó khác với mọi năm nhiều. Gần Tết mà hoa bán không được, hoa năm nay cũng xấu do thời tiết xấu, người ta thì ít mua sắm. Không biết lấy gì ăn Tết đây!”.
Bà Hương chia sẻ thêm là với tình hình giá xăng tăng, giá điện tăng và mọi thứ vật giá leo thang, trong khi đó người kiếm sống bằng buôn thúng bán mẹt như bà lại gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiếm cơm. Trong suốt năm 2017, lực lượng công an, dân phòng các quận, huyện, phường, xã ở Hà Nội đã không ngừng bố ráp các thành phần buôn thúng bán mẹt như bà.
Và kết quả là những người buôn thúng bán mẹt, dựa vào vỉa hè để kiếm sống, nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già đều phải trôi dạt, tan tác, chưa biết đời sẽ về đâu. Mặc dù bị bố ráp, đạp đổ, đánh đập, giằng co, tịch thu… đủ các cực hình, nhưng bà Hương nói rằng bà không thể rời bỏ vỉa hè được, bởi chấp nhận rời bỏ vỉa hè cũng có nghĩa là chấp nhận để mẹ già đói, khát, con thơ thất học. Chính vì vậy, cho dù trời lạnh giá, cho dù cuộc đời bầm dập giữa thủ đô, bà vẫn cứ bất khuất đứng lên để chống lại sợ hãi mà tiếp tục bán hàng rong.
Bây giờ ế ẩm lắm, không biết tại sao Tết năm nay mặc dù đã sang tháng Chạp rồi mà vẫn bán ế ẩm. - Bà Hương
Ngày hết Tết về, mặc dù các anh dân phòng, các bác thương binh dẹp lề đường chịu rét chịu lạnh để ra sức càn quét người buôn thúng bán mẹt, thì những người buôn thúng bán mẹt như bà Hương vẫn quyết bám giữ vị trí, cho dù bị xua đuổi, mất hết mọi thứ vẫn quyết tâm phục hồi sức lực mà tiếp tục cuộc chiến cơm áo gạo tiền, tiếp tục kiếm thêm vài đồng lẻ mà tích cóp mua cái bánh chưng cho mẹ già, sắm bộ áo quần mới cho con trẻ đi học.
Cái công cuộc chiến đấu với lạnh giá và đạp đổ để kiếm cái bánh chưng ăn Tết của bà Hương cũng như nhiều người nghèo buôn thúng bán mẹt nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến như Hà Nội sao nghe chan chứa nước mắt và cay đắng!
Mơ hồ hoa đào hoa cúc
Với nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội, việc tranh thủ canh tác trên những thửa đất đã bị nhà nước thu hồi để kiếm chút tiền ăn Tết vẫn là công việc chính. Nếu không còn đất canh tác, họ phải trôi dạt tứ xứ làm thuê và họ cũng có thể bị đuổi việc bất kì giờ nào bởi công việc không có hợp đồng, công ty bóp nghẹt người lao động…
Ông Lương Đình Can, một cư dân ngoại thành Hà Nội, chia sẻ:“Người nông dân trồng hoa đào bây giờ không thể đủ sống quanh năm được. Đất bây giờ bị thu hẹp rồi, nhà nước lấy hết đất rồi. Bây giờ không còn hoa đào, không còn đất để trồng nữa đâu. Sau khi nhà nước lấy hết đất mà không tạo công ăn việc làm cho người nông dân, người nông dân phải khổ thôi! Các công trình mọc lên ngày càng nhiều thì mình hết đất đề trồng trọt, phải đi làm thuê tứ xứ thôi…”.
Ông Can nói thêm là cái cảm giác Tết về đối với một người nông dân không còn đất để canh tác như ông thật là buồn cười, nó vừa vô vị, vừa trống rỗng. Bởi một phần do thời tiết năm nay giá rét kéo nhì nhằng, những mảnh ruộng trồng hoa đào, su hào, bắp cải của ông cũng như nhiều gia đình khác không phát triển nổi, nên chuyện kiếm tiền sắm Tết nghe ra có vẻ mơ hồ đối với ông.
Bây giờ không còn hoa đào, không còn đất để trồng nữa đâu. - Ông Lương Đình Can
Và ông Can cũng nhấn mạnh là cảm giác này chỉ còn trong tháng Chạp năm nay, chứ sang năm sau, các công trình chính thức xây dựng thì người nông dân như ông chỉ còn biết ngồi chơi xơi nước, trông chờ vào con cái chứ chẳng thể canh tác được ở đâu nữa.
Tình trạng những nông dân không còn đất để canh tác như ông Can có vẻ như ngày càng nhiều thêm ở Hà Nội, dường như các công trình bê tông cốt thép ngày càng mọc lên nhiều ở thành phố Hà Nội tỉ lệ thuận với số nông dân không còn đất canh tác, nhận một ít tiền đền bù chẳng thấm vào đâu để rồi đối mặt với vật giá leo thang, nguy cơ ngân hàng phá sàn, người nông dân không biết làm gì ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng để kiếm lãi sống qua ngày để rồi mất trắng khi ngân hàng tuyên bố phá sản… Mọi mối nguy ngày càng nhiều thêm.
Bà Lương Thị Một, nông dân ở Ba Vì, Hà Nội, đồng quan điểm với ông Can, chia sẻ:“Mất đất thì bà con thì phải tự tìm công ăn việc làm thôi. Con cháu thì tự xin việc, chúng tôi thì cấy mớ rau, chạy xe ôm hay buôn bán nhì nhằng ngoài chợ quê. Đất canh tác thì nhà nước đã thu hồi mười năm nay nhưng tiền thì chưa trả, chúng tôi già rồi, đâu thể xin làm công nhân hay chạy xe ôm được…”.
Bà Một chia sẻ thêm là hiện tại, giá nông sản Việt Nam đã bắt đầu tăng vọt, năm nay vụ mùa nông sản tăng giá gấp sáu lần so với mọi năm. Nhưng bù vào đó, thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc trồng trọt quá sức khó khăn, tiền đầu tư cũng tăng lên gấp bốn, gấp năm lần mọi năm, nên đâu cũng vào đó, lợi tức của người nông dân vẫn giẫm chân tại chỗ.
Thêm nữa, sắp tới đây, trong dịp cận kề Tết, cũng như mọi năm, nông sản Trung Quốc sẽ đổ bộ sang Việt Nam và nông sản Việt bị bao vây bởi nông sản Trung Quốc. Như vậy, vật giá leo thang, nông sản thua thiệt, quĩ đất ngày càng eo hẹp… Mọi thứ như đang bao vây người nông dân. Và Tết về, người nông dân trở nên tư lự, buồn bã trước một tuổi mới cũng là điều dễ hiểu.
Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện Thượng Đế thương xót những người nông dân, những người buôn thúng bán mẹt, những lao động nghèo tại Việt Nam mà ban cho họ một cái Tết ấm áp, sum vầy và bình an!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
No comments:
Post a Comment