WESTMINSTER, California (NV) – Đại diện Tòa Đại Sứ CSVN tại Chile xác nhận với báo Người Việt về việc phơi vây cá mập trên mái nhà trong khuôn viên Đại Sứ Quán qua cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào chiều 22 Tháng Giêng 2018, giờ địa phương Chile.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, tùy viên văn phòng và đối ngoại của Đại Sứ Quán CSVN tại thủ đô Santiago cho biết, những chiếc vây cá mập được phơi trên mái nhà của “Văn Phòng Thương Vụ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile. Chúng tôi hiện đang phối hợp với Bộ Ngoại Giao Chile để làm rõ vụ việc và sẽ có thông báo chính thức trong thời gian sớm nhất.”
Ông Vinh cũng xác nhận việc đã nhận được công văn của Bộ Trưởng Bộ Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh yêu cầu “giải trình về sự việc có vây cá mập phơi trên mái nhà trụ sở Thương Vụ thuộc Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile.”
“Truyền thông Chile cũng đã loan tin sự việc, và các báo tại Việt Nam cũng đã loan tin, Bộ Ngoại Giao Chile cũng đã biết việc này.” Ông Vinh nói thêm và không cho biết chi tiết cũng như sự ảnh hưởng của “vụ vây cá mập” đối với ngoại giao giữa hai quốc gia.
“Mất thể diện cho đất nước”?
Hôm 22 Tháng Giêng, nhiều báo tại Việt Nam như VNExpress, Giáo Dục, Dân Trí đưa tin Bộ Công Thương CSVN đã “chỉ đạo Vụ Thị Trường Châu Âu-Châu Mỹ chỉ đạo Thương Vụ Việt Nam tại Chile báo cáo vụ phơi vây cá mập trên nóc đại sứ quán.”
Báo Đất Việt viết: “Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ xử lý và yêu cầu Vụ Thị Trường Châu Âu-Châu Mỹ chỉ đạo Thương Vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc có vây cá mập phơi trên mái nhà trụ sở Thương Vụ thuộc Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile; đồng thời báo cáo bộ trưởng gấp.”
Ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao phối hợp để đối phó vấn đề làm mất thể diện cho đất nước.
Chưa thấy Bộ Ngoại Giao CSVN lên tiếng chính thức nhưng tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN) đã phỏng vấn bà Trần Thị Bích Vân – Phó vụ trưởng Vụ Thông Tin Báo Chí, Bộ Ngoại Giao thì được cho biết: “Bộ này đang trao đổi với Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile để làm rõ phản ánh vây cá mập phơi trên mái nhà trụ sở Thương Vụ (thuộc Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile).”
Tuy báo chí Chile làm rầm lên với nhiều hình ảnh chứng minh kèm tường thuật lời kêu ca của cư dân chung quanh, nhưng bà Vân vẫn nói với tờ GDVN là “còn quá sớm để nhận định thông đó là đúng hay sai.”
Chile đã ra luật cấm đánh bắt cá mập để chặt lấy vây từ năm 2011.
“Vụ vây cá mập” được bắt đầu từ bài viết trên tờ El Mostrador ở thủ đô Santiago, Chile ngày 19 Tháng Giêng, 2018. Tờ báo này mô tả với những từ như “kinh ngạc,” “sửng sốt,” “bối rối” vì không ngờ lại có chuyện như thế vậy xảy tại nước họ. Đáng ngạc nhiên hơn vụ việc lại ở một cơ sở ngoại giao ngoại quốc, trong trường hợp này là tòa Ðại Sứ CSVN.
Theo bài viết trên tờ El Mostrador đưa ra những hình ảnh được chụp vào chiều ngày Thứ Năm, 18 Tháng Giêng, 2018, rất nhiều vây cá mập thấy phơi trên mái tòa nhà trong khuôn viên trụ sở Tòa Đại Sứ CSVN.
Sự việc bắt đầu khi cư dân lân cận thấy mùi hôi thối xông ra đâu đó ở khu vực và khi tìm hiểu thì người ta thấy bắt nguồn từ nóc nhà thuộc Ðại Sứ Quán CSVN. Họ đã thấy các cái vây cá mập có một ít thôi, từ ngày 13 Tháng Giêng, 2018 và đến 5 ngày sau thì họ thấy hơn một trăm cái.
Chuyện oái oăm là vụ việc bị khám phá khi đang có một cuộc hội thảo về bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là các giống cá mập do một số tổ chức quốc tế như Pristine Seas, National Geographic Society, The Pew Charitable Trust, Greenpeace, tổ chức ở Nam Mỹ khiến cho các nhà chuyên môn và cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
Người ta không biết làm thế nào để viên chức sứ quán CSVN có được một số lượng nhiều vây cá mập như thế.
Vây hai vi cá mập được người Việt Nam cũng như người Trung Quốc rất quý, coi như một món ăn bổ béo rất đắt tiền, chỉ những kẻ giàu có, trưởng giả mới đủ sức chi trả.
Tại Việt Nam, theo một số trang mạng rao bán công khai loại vi (hay vây) cá mập tốt nhất (đã qua sơ chế còn nguyên vây) khoảng 2 triệu VND/100gram, tức 20 triệu VND ($900)/kg.
Mười năm trước, dư luận đã sửng sốt khi báo chí quốc tế cho hay viên chức tòa Ðại Sứ CSVN tại Nam Phi, bị bắt quả tang khi đang mua sừng tê giác. Lúc đầu thì chối nhưng sau đó bà Vũ Mộc Anh, viên chức của Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Nam Phi, trong tấm hình mua tê giác, bị triệu hồi về nước “để tường trình và làm rõ sự việc.” (Khôi Nguyên-N.T)
No comments:
Post a Comment