RFA 2018-01-10
Nguyên Bộ trưởng Giao Thông Đinh La Thăng (trái) đi bộ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại một buổi lễ ở Hà Nội hôm 2/7/2015 -Reuters
Việc một số đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam bị đưa ra tòa xét xử về tội tham nhũng khi quản lý tài sản của nhà nước từ nhiều năm trước là một biến cố hy hữu, nhất là khi một trong các bị cáo đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Diễn đàn Kinh tế phân tích hiện tượng này từ một giác độ khác…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bắt đầu từ tuần này, hai đảng viên cao cấp là ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác bị đưa ra tòa xét xử tại Hà Nội về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội "Tham ô tài sản” khi họ thực hiện một số dự án kinh tế từ chục năm trước. Ông nhận xét thế nào về biến cố hy hữu đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin dùng một từ đơn giản là “tham nhũng” để nói về tội lợi dụng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế. Trong khu vực kinh tế ngoài chính trị thì chỉ có tội gian lận chứ không có tội tham nhũng. Trong vụ thanh trừng tham nhũng tại Việt Nam, hai cơ chế là đảng và nhà nước có những quy định khác biệt, và chính là đảng đã quyết định cho bắt giam các đảng viên cao cấp rồi nhà nước mới tiến hành thủ tục xét xử. Việc ông Đinh La Thăng từng là Ủy viên Bộ Chính trị có đầy triển vọng và việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Cộng hòa Liên bang Đức rồi ngầm giải giao về nước là các yếu tố đáng chú ý của vụ này. Đáng chú ý hơn vậy là việc làm sai trái của các nghi can đều xảy ra từ đã lâu mà nay mới bắt đầu bị đem ra thi hành kỷ luật. Vì vậy, chúng ta cần phân tích nội vụ từ nhiều giác độ khác nhau.
Nguyên Lam: Thưa ông, những giác độ ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, đảng cất nhắc nhân sự theo nhiều tiêu chuẩn không được công khai hóa, nhưng nhờ đó các đương sự mới được chỉ định vào bộ máy nhà nước. Thứ hai, các đương sự trục lợi bất chính khi ở trong bộ máy nhà nước, chứ ở trong bộ máy đảng thì khó làm tiền vì đảng không có chức năng làm ra tiền. Thứ ba, việc sai phạm hay tham nhũng đó kéo dài từ lâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực và lên tới cấp cao trong bộ máy chính quyền, kể cả bộ máy công an, như trường hợp Phan Văn Anh Vũ hay Vũ “Nhôm”. Thứ tư, nạn tham nhũng ăn sâu như vậy làm ruỗng nát chế độ kinh tế chính trị và đánh sụt uy tín của một đảng độc quyền cai trị.
Nhưng trách nhiệm của đảng nằm ở đâu trong một sâu chuỗi tham ô chằng chịt như vậy của quốc gia? _ Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ngày nay, để khôi phục uy tín, đảng phải thanh trừng tham nhũng sau khi lập ra Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng, Chống Tham Nhũng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo đúng bốn năm trước. Sau cùng, tình trạng tham nhũng kéo dài từ hơn 10 năm trước, khi Nông Đức Mạnh còn làm Tổng bí thư và Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng. Thời cực thịnh của loại đảng viên cao cấp có hành vi cấu kết thành những nhóm lợi ích đầy quyền thế để bao che cho nhau có thể đang chấm dứt và nay họ sẽ lần lượt ra đền tội. Nhưng trách nhiệm của đảng nằm ở đâu trong một sâu chuỗi tham ô chằng chịt như vậy của quốc gia? Đấy là ta chưa nói đến khía cạnh quốc tế.
Nguyên Lam: Nếu thế, có lẽ chúng ta nên nhìn ra ít nhất hai giác độ là kinh tế và chính trị trong các vụ án tham nhũng này. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là ta còn cần nhìn tới giác độ quốc tế nữa. Thứ nhất, đảng có trách nhiệm lãnh đạo để đảm bảo cho quốc dân sự ổn định và phát triển kinh tế trong tình trạng an ninh. Thứ hai, vì trách nhiệm chính trị đó, đảng chỉ đạo công tác của bộ máy nhà nước, là cơ chế tiếp cận với kinh tế, an ninh và quốc phòng. Cơ chế đó bị ung thối vì tệ nạn tham nhũng đã mở rộng và củng cố dưới cái dù bảo vệ của đảng. Thứ ba, trong tiến trình thực hiện các dự án sai trái, cơ chế nhà nước do nhân sự được đảng chỉ định lại hợp tác với nước ngoài, trường hợp cụ thể ở đây là Trung Quốc. Đâm ra Trung Quốc có góp phần vào nạn tham nhũng tại Việt Nam và hiện nắm trong tay nhiều chứng cớ sai phạm.
- Năm năm sau khi lãnh đạo Trung Quốc thi hành kế hoạch diệt trừ tham nhũng trong nội bộ của họ thì đảng Cộng sản Việt Nam mới tiến vào giai đoạn ấy và có thể đang trông cậy vào sự trợ giúp của họ để thanh trừng hàng ngũ đảng viên bị biến chất của mình. Như vậy, nếu đảng thành công trong việc diệt trừ tham nhũng thì liệu có lệ thuộc hơn vào Trung Quốc không? Chúng ta đang thấy ra một vòng luẩn quẩn.
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một điểm rất đáng suy ngẫm. Đó là Trung Quốc có ảnh hưởng tới chiến dịch phòng chống tham nhũng tại Việt Nam qua quá nhiều dự án gây tai tiếng, như Vũng Áng hay Formosa. Nhưng mặt kia, Trung Quốc cũng có chiến lược bành trướng về kinh tế lẫn quân sự khiến chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa trong lãnh thổ và ngoài lãnh hải. Như vậy, làm sao đảng Cộng sản Việt Nam có thể khôi phục uy tín để duy trì vai trò lãnh đạo trong khi lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy là một thắc mắc của nhiều người ở trong nước khi họ lập luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng thuộc phe thân Tầu và càng củng cố thế lực nhờ chiến dịch giải trừ tham nhũng thì lại càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Ngược lại, cũng có người cho rằng vụ thanh trừng tham nhũng này chỉ là mặt nổi của chuyện đấu đá quyền lực chính trị nhằm tiến tới tranh thủ đặc lợi kinh tế của những người đã có cả chục năm bòn rút tài sản quốc gia nay sẽ phải ộc ra. Nếu chỉ lanh quanh trong vòng lý luận ấy thì người ta khó thấy được lối ra.
Nguyên Lam: Riêng ông thì thấy lối ra là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta cần thấy một thực tế kinh tế chính trị rắc rối hơn vậy. Các đảng viên có tiếp cận với kinh tế và thị trường khi được đưa vào bộ máy nhà nước thì mới có biểu hiện tạm gọi là “cải cách”, còn giới đảng viên phụ trách về lý luận thì bảo vệ định hướng của đảng nhưng mang tiếng là thủ cựu vì sống ngoài kinh tế thị trường. Thứ hai, đảng viên nằm trong bộ máy nhà nước mới có cơ hội tham nhũng còn các đảng viên thuộc ban lý luận hay tuyên giáo thì không rờ tới bạc nên có thể được tiếng là liêm chính. Cách phân biệt ấy có tính chất phiến diện và không thực tế. Khi châm thêm yếu tố Trung Quốc thì bài toán càng rối mù.
Chỉ trong các chế độ độc tài, đảng viên tham nhũng mới lên tới vị trí lãnh đạo như làm Ủy viên Bộ Chính Trị. - Nguyễn Xuân Nghĩa
-Vì chẳng hóa ra là đảng viên tham ô lại thuộc phe cởi mở và nhiều người bị bắt là khi đang tìm cách sinh sống ở nước ngoài hay sao? Và ngược lại, các đảng viên muốn diệt trừ tham nhũng lại thuôc về phe thân Trung Quốc, là điều không dễ gì được quần chúng Việt Nam chấp nhận. Cũng xin nói thêm rằng các nước dân chủ Tây phương đều đề cao luật lệ minh bạch và cấm nạn tham nhũng nhưng cũng chủ trương phát huy nhân quyền và tự do của người dân, là điều mà đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận. Vì vậy, câu hỏi then chốt là quyền của người dân nằm ở đâu trong sâu chuỗi tham ô và lệ thuộc ngoại bang đó?
Nguyên Lam: Đúng là một vòng luẩn quẩn rối mù như ông Nghĩa vừa trình bày. Nhưng thính giả của chúng ta muốn biết là làm sao thoát ra khỏi tình trạng này. Ông trả lời thế nào cho câu hỏi đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng tham nhũng dễ nảy sinh và phát triển trong một cơ chế độc đảng, nôm na là một chế độ độc tài. Chỉ trong các chế độ độc tài, đảng viên tham nhũng mới lên tới vị trí lãnh đạo như làm Ủy viên Bộ Chính Trị, là trường hợp Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai của Trung Quốc và Nguyễn Tấn Dũng hay Đinh La Thăng tại Việt Nam.
- Một đảng chính trị có thể lãnh đạo khi đem lại cơm ăn áo mặc cho người dân, nhưng đảng viên nằm trong bộ máy nhà nước mà tham ô thì bị luật lệ của nhà nước, nói theo ngôn từ Việt Nam, là pháp quyền nhà nước, xử lý và nghiêm trị. Sở dĩ tham nhũng phát triển mạnh và lên tới thượng tầng chính trị của các chế độ độc tài là vì đảng quyền lại bí mật và cao hơn pháp quyền nhà nước.
- Đảng gây ra tham nhũng rồi cậy công diệt trừ tham nhũng để duy trì quyền lực, đấy là một hiện tượng tham nhũng chính trị. Trong mâu thuẫn cơ bản đó, người ta lồng thêm một lý luận sai rằng nếu thanh trừng các đảng viên có kinh nghiệm kinh tế và thị trường thì ai đảm bảo được sự ổn định và phát triển kinh tế cho quốc dân? Lý luận này sai từ đầu vì đảng viên được đưa vào bộ máy nhà nước để phụ trách về kinh tế lại dùng bộ máy đó để trục lợi trên đầu trên cổ của quốc dân.
Nguyên Lam: Phải chăng ông đang nói tới một khía cạnh khác của vấn đề tham nhũng là cơ chế dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ tới một chuyện bất ngờ khác mà báo chí Việt Nam ít tường thuật. Hôm 21 tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ban hành một Sắc lệnh Hành pháp mang tính cách đối ngoại. Đó là ra lệnh phong tỏa tài sản của những ai can tội chà đạp nhân quyền và tham nhũng.
- Cơ chế dân chủ, như điển hình ngày nay tại Hoa Kỳ, là sự bất ổn chính trị thường trực ở trên thượng tầng, nhưng bên dưới thì người dân và thị trường vẫn tự do vận hành và nạn tham nhũng bị cả xã hội kết án và bị pháp quyền nhà nước nghiêm trị. Nói cách khác, không gian sinh hoạt kinh tế tự do của người dân vẫn được bảo vệ.
- Trái lại, chế độ độc tài thì đem lại ổn định chính trị ở mặt ngoài, chứ bên trong thì vẫn nuôi dưỡng tham nhũng và dưới cùng thì người dân là nạn nhân của những “quả đấm thép” trong ngoặc kép và sau này sẽ lại è cổ trả nợ. Đâm ra bài toán tham nhũng lại là bài toán về quyền dân và nếu châm thêm hiệu ứng của Trung Quốc thì đấy là bài toán của chủ quyền dân tộc.
Nguyên Lam: Nói về chủ quyền dân tộc, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kết luận cho bài phân tích kỳ này về chuyện tham nhũng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có hai chọn lựa. Các nước dân chủ Tây phương có nhiều thế kỷ suy ngẫm và hành động với các khái niệm tưởng như trừu tượng là dân chủ và nhân quyền. Về đối ngoại, họ thường lên tiếng phê phán hay khuyến cáo mà không trực tiếp can thiệp vào lãnh thổ hay nội tình của xứ khác.
- Ngược lại, chế độ độc tài như tại Trung Quốc thì luôn luôn nói tới việc không can thiệp vào nội tình chính trị của xứ khác nhưng thực tế thì không chỉ can thiệp mà còn khuynh đảo và thậm chí xâm lấn nữa. Việt Nam nên nhìn vào viễn ảnh dài để xem là chủ quyền và sự thịnh vượng của quốc gia và quốc dân nằm ở đâu giữa hai ngả đó. Việc giải trừ tham nhũng và phá vỡ các nhóm quyền lực trong đảng là cơ hội chọn lựa cho một tương lai sáng sủa hơn.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rất lý thú kỳ này.
No comments:
Post a Comment