Nguyễn Tường Thụy 2018-01-11
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP Đại án Đinh La Thăng
Hà Nội đang diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ đại án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam. 22 cựu lãnh đạo, quan chức Petrovietnam phải ra hầu tòa. Trong đó kẻ từng giữ nhiều chức vụ cao hơn cả là Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều chức vụ to khác.
Cũng hơi khó hiểu tại sao có 22 bị cáo mà chỉ có 10 bị cáo dính vào tội “tham ô tài sản”. Vậy 12 bị cáo còn lại chẳng lẽ không tư túi đồng nào? Không tư túi đồng nào thì việc gì phải “cố ý làm trái”? Khó hiểu nữa là sai phạm của ông Đinh la Thăng là từ hồi ông còn làm ở PVN nhưng sau đó lại đưa ông lên các vị trí cao hơn để cách chức vụ lẽ ra ông Thăng không có rồi mới đưa ra tòa. Nếu xử lý các sai phạm của ông Thăng kịp thời hay ít ra không cất nhắc ông ta nữa thì có phải không mang tiếng một cựu ủy viên Bộ chính trị ra tòa không?
Tìm hiểu về sai phạm mà những bị cáo phạm phải trong các vụ án không khỏi rùng mình. Chúng tàn phá đất nước một cách không thương tiếc. Đây cũng chỉ là một trong nhiều đại án đã và sẽ đưa ra xét xử. Tuy nhiên, nếu công lý được soi rọi vào tất cả các ngóc ngách của guồng máy vận hành xã hội thì không phải là một chục, vài chục mà phải là hàng nghìn, hàng vạn vụ với hàng chục vạn, nếu không nói đến hàng triệu kẻ phạm tội cần xử lý.
Quốc nạn tham nhũng
Trước quốc nạn tham nhũng và các tội phạm khác tràn lan xã hội, người ta thường đổ cho sai phạm là do cá nhân, không phải là bản chất của chế độ mà chỉ là… hiện tượng. Thậm chí đổ cho chế độ tư bản, phong kiến còn… rơi rớt lại. Cặp phạm trù bản chất và hiện tượng của Marx được tuyên giáo vận dụng tối đa để ngụy biện cho sự thối nát không thể chịu đựng được nữa. Ấy vậy mà khối người tin, hay ít ra cũng giả vờ tin do bộ máy tuyên truyền một chiều lặp đi lặp lại, trong đó phần lớn là những người có lợi ích gắn chặt với chế độ.
Mỗi khi có một vụ án tham nhũng được đưa ra, người dân tỏ ra vui mừng, hả hê. Sự hả hê đó là chính đáng, xuất phát từ tâm lý rằng kẻ có tội phải bị trừng phạt. Nhưng không phải cứ có tội là đều bị lộ và cứ bị lộ là đều bị trừng phạt. Khi đa số kẻ có chức quyền đều dính đến tham nhũng thì con số bị đưa ra ánh sáng thật là nhỏ nhoi, không đủ răn đe. Và trớ trêu hơn trong những trường hợp kẻ có tội xử người vô tội hay kẻ có tội nhiều xử kẻ có tội ít. Điều này dẫu không vạch ra được bằng chứng nhưng ai cũng tin là có.
Chuyện hiện tượng hay bản chất vừa nêu trên, ngày càng có nhiều người nhận ra đó là bản chất. Trong ngày đầu vụ Đinh la Thăng đưa ra xử, đã có rất nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng những sai phạm đó bắt nguồn từ bản chất của chế độ. Nhận thức này có xu hướng ngày càng được nhiều người thừa nhận.
Tham nhũng sinh ra do những quy định về quản lý còn quá nhiều kẽ hở. Mặt khác, các nhóm lợi ích cấu kết với nhau, quấn vào nhau thành sâu một búi nên tha hồ hoành hành, rất khó có thể làm gì được chúng. Chúng là cấp trên cấp dưới của nhau, là lãnh đạo của nhau và kẻ nào cũng có phần. Khó là ở chỗ ấy. Có những người chống tham nhũng không những không làm gì được chúng mà còn bị chúng bỏ tù. Một thực tế quái đản là ở chế độ này, kẻ chống tham nhũng (thật) bị ghét nhiều hơn kẻ tham nhũng. Quái đản hơn nữa là thanh tra tham nhũng lại giàu hơn bọn tham nhũng, cán bộ càng cấp cao tài sản bất chính càng lớn.
Việc xử lý những kẻ tham nhũng là cần thiết. Vấn đề là có đẩy lùi được tham nhũng không hay mệt quá phải buông tay hay đầu hàng. Đầu hàng thì bị bắt làm tù binh, tù binh gia nhập quân đối phương tức là đứng vào hàng ngũ của chúng. Việc thanh tra nhận hối lộ, tham gia chia chác là ví dụ về sự quy hàng này.
Chế độ của đất nước
Chế độ Việt Nam hiện nay không thừa nhận tam quyền phân lập. Không có cơ chế kiểm soát lẫn nhau là môi trường thuận lợi cho tham nhũng và các tệ nạn khác phát triển. Những khái niệm truyền thống bị đảo lộn và người ta mặc nhiên công nhận sự đảo lộn đó khi nó ngang nhiên tồn tại, hiện diện như là một lẽ tự nhiên. Ví dụ, trong một tập thể, người hay thắc mắc thường bị tập thể ghét, người bảo vệ quyền lợi cho người khác bị coi là dở hơi, dừng đèn đỏ ở một giao lộ khi vắng người đi ngang chiều bị coi là hâm, người không dính vào chuyện chia chác bị coi là lập dị và bị đồng nghiệp xa lánh… Có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác. Những người như thế sẽ bị cô lập và không tin ở việc làm của mình nữa và như vậy, khái niệm truyền thống bị đảo lộn. Cái nguy hại là ở chỗ ấy.
Một chế độ tử tế không phải cứ đẻ ra nhiều tội phạm để mang ra xét xử. Sẽ không bao giờ xử hết và triệt để. Vì vậy, cái nhân đạo của một chế độ là phải vận hành thế nào để không sinh ra tội phạm, hoặc có muốn phạm tội cũng không được hay ít ra phải hạn chế tối đa sinh ra tội phạm. Xã hội hiện nay là môi trường rất thuận lợi cho tội phạm sinh nở, thậm chí một người lương thiện cũng dễ trở thành tội phạm.
Vậy guồng máy ấy vận hành theo nguyên lý như thế nào. Trên thế giới đã có nhiều mô hình và nhiều quốc gia áp dụng rất thành công. Chỉ tiếc rằng các nhà lý luận bảo thủ cho rằng nó không phù hợp với nước ta, là sản phẩm ngoại lai. Họ cứ làm như mô hình xã hội chủ nghĩa không hề nhập ngoại mà là của riêng Việt Nam vậy.
Lãnh đạo đảng thường tỏ ra đau xót mỗi khi kỷ luật, xử lý đảng viên. Ông Lê Khả Phiêu than: “Mất cán bộ rất là đau”. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đau đớn không kém nhưng gạt nước mắt: “Kỷ luật cán bộ rất đau xót, nhưng phải làm”. Tại sao không tìm cách ngăn chặn họ phạm tội mà tạo điều kiện cho họ phạm tội rồi mới xử lý để mình phải “đau xót”? Cách chống tham nhũng như hiện nay chỉ là cố giải quyết phần ngọn tuy chỉ được phần nào. Phải nói trước là họ đau còn nhiều và xử lý từ đời tổng bí thư này đến tổng bí thư khác cũng không hết. Vì sao? Vì cái u sinh ra đau đớn ấy họ không nhìn thấy hoặc cố tình không nhìn thấy. Mặt khác chống tham nhũng cũng chỉ là một việc cần làm trong rất nhiều việc cần làm khác. Không phải chống tham nhũng là giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
Chưa bao giờ tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác hoành hành ngang nhiên và ngang ngược như bây giờ. Có nhiều người vẫn còn nghĩ rằng giá mà ông Hồ Chí Minh… còn sống, ý rằng giá bây giờ có một người như ông Hồ Chí Minh thì đâu đến nỗi. Suy nghĩ ấy thật nực cười. Tham nhũng và các nhức nhối khác hiện nay không phải là hiện tượng xã hội nữa mà nó được sinh ra từ chế độ độc tài. Nói cách khác, nó là bản chất của chế độ và muốn ngăn chặn chỉ còn cách thay đổi cơ chế vận hành guồng máy xã hội.. Nếu không, một cá nhân hay một nhóm người không có cách nào chống đỡ. Tiếc rằng, Ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay vẫn còn rất duy ý chí.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment