Kính Hòa RFA 2017-12-12
Lái xe Long Huỳnh trả tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy, tháng 11/2017. Courtesy of Facebook Long Huynh
Hoạt động nghiệp đoàn nhưng không có nghiệp đoàn
Chỉ trong hai tháng 9 và 10, năm 2017, có đến bốn cuộc đình công của công nhân xảy ra tại nhà máy của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu. Các cuộc đình công này có cùng những đặc điểm là diễn ra ôn hòa, đòi hỏi quyền lợi, và đạt được thỏa thuận với giới chủ.
Đến tháng 12 năm 2017, giới lái xe đã thực hiện một cuộc phản kháng chống việc đặt trạm thu phí BOT sai vị trí ở Cai Lậy, cũng như chi phí quá cao của trạm này. Cuộc phản kháng đã thành công bước đầu khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đình chỉ việc hoạt động của BOT Cai Lậy trong 1 đến 2 tháng để chờ quyết định mới.
Nhận xét về những diễn biến đó, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch tổ chức Liên Đoàn Lao động Việt tự do, từ Úc nói với chúng tôi:
“Sự phản đối này đang lên ở mức độ mới. Nếu chúng ta nhìn thời gian 10 năm qua, có những cuộc biểu tình, những cuộc đình công của công nhân ở hãng xưởng, chưa có được một sự đồng tâm nhất trí, chưa có tổ chức, nhưng qua giai đoạn này tôi thấy giới tài xế đã bước lên được một bước. Bước lên một bước có nghĩa là đồng tâm nhất trí một phương pháp đấu tranh, một phương pháp đấu tranh có hiệu quả.”
Nhưng có một câu hỏi được đặt ra là những hoạt động đó có tổ chức hay không?
Họ rất là sợ những tổ chức liên kết với nhau, đoàn kết lại, cho nên họ tìm mọi cách để đánh phá.
-Ông Đoàn Huy Chương.
Trả lời câu hỏi này, vào tháng 10 năm nay, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập Liên Đoàn Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập, nhận xét với chúng tôi về những cuộc đình công trong tháng 9 và tháng 10, rằng có những tổ chức giấu mặt đã hướng dẫn công nhân những phương pháp đấu tranh ôn hòa, và tiến hành những cuộc đình công một cách có bài bản.
Tháng 12 năm 2017, ông lại nhận xét rằng có thể cuộc phản kháng tại Cai Lậy cũng là một cuộc phản kháng có tổ chức.
Nhưng tất cả những người lái xe tham gia cuộc phản kháng nói với chúng tôi rằng họ chỉ làm một cách bộc phát, không có tổ chức nào cả. Một bác tài tên Trần Tiến nói rằng:
“Mình thấy rõ ràng là anh em từ khắp nơi đổ lại không ai quen biết ai, cũng không ai là người tổ chức, mỗi người vì 1 cái bức xúc mà tự động người ta bộc phát thôi. Không có tổ chức nào có thể điều người nổi suốt 24 giờ đồng hồ.”
Giải thích về những điều có vẻ mâu thuẫn đó, ông Đoàn Huy Chương nói với chúng tôi:
“Hiện nay các công đoàn độc lập họ đang chuyển một hướng mới là tổ chức mà không tổ chức. Chỉ có một số người tổ chức mới hiểu, còn nhìn vô thì thấy chẳng qua đó là một sự tự phát. Đó là một cách để giới đấu tranh hiện nay tránh sự đàn áp.”
Ông Chương là một trong những nhà tổ chức nghiệp đoàn bị đàn áp như thế. Vào tháng 11 năm 2006, ông Chương và một số người khác thành lập Hội Đoàn kết công nông để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân, nhưng chỉ vài ngày sau là ông bị bắt. Ông ra tù năm 2006, rồi lại bị bắt một lần nữa sau khi tổ chức một cuộc đình công tại Trà Vinh lên đến hơn 10000 công nhân tham gia. Ônh được trả tự do vào đầu năm nay sau khi mãn án tù.
Ông Đoàn Huy Chương nói với đài RFA về cái nhìn của đảng cộng sản đối với những tổ chức mà họ không kiểm soát được như là tổ chức công đoàn độc lập của ông Đoàn Huy Chương:
“Họ rất là ngại, họ rất là sợ những tổ chức liên kết với nhau, đoàn kết lại, cho nên họ tìm mọi cách để đánh phá. Có thể là họ chụp mũ luôn, đó là cách họ dùng hiện nay.”
Quan sát diễn biến ở Cai Lậy, ông Chương thấy rằng có những hoạt động rất đáng ngờ từ phía doanh nghiệp đầu tư BOT, với sự trợ giúp của lực lượng chức năng, đang có thể muốn qui tội tổ chức kích động cho những người tham gia phản kháng.
Nhận xét của ông Chương dường như có căn cứ chắc chắn hơn bởi sự việc là vào ngày 7 tháng 12, một chủ quán nước đã giúp đỡ tài xế trong cuộc phản kháng đã bị cơ quan công an mời làm việc, và người ta nghi ngờ rằng cơ quan chức năng muốn tìm một tổ chức đứng đằng sau vụ phản kháng.
Sự lớn mạnh của phong trào dân sự và những hoạt động nghiệp đoàn
Việc trấn áp các tổ chức, những cá nhân hoạt động dân sự đã tăng cao trong thời gian hai năm qua, mà theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói rằng ông có thể cảm nhận sự trấn áp đó ngay trên da thịt mình.
Có thể thấy các phong trào xã hội của Việt Nam trong vài ba năm qua đã có mức tiến triễn mạnh về qui mô, có thay đổi về chất rất là quan trọng.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Theo ông sở dĩ có sự trấn áp đó là vì phong trào dân sự tại Việt Nam đã phát triển mạnh mà sự trấn áp có thể là một sự phản ứng tự nhiên của nhà cầm quyền. Ông nói với chúng tôi sau vụ Cai Lậy:
“Nếu họ ngẫm nghĩ kỹ thì cái cách phản xạ của họ là cách phản tác dụng. Có thể thấy các phong trào xã hội của Việt Nam trong vài ba năm qua đã có mức tiến triễn mạnh về qui mô, có thay đổi về chất rất là quan trọng.”
Trong các phong trào dân sự đó có những hoạt động mang tính chất nghiệp đoàn. Trong cuộc phản kháng của giới lái xe tại Cai Lậy người ta thấy có một trang Facebook mang tên Bạn hữu đường xa, với hơn 90 ngàn thành viên. Nơi đây là nơi mà các lái xe chia sẻ nhau những kinh nghiệm nghề nghiệp, cũng như những sự việc xảy ra trong vụ phản kháng tại Cai Lậy vừa qua.
Ông Nguyễn Đình Hùng nói với chúng tôi rằng thực chất những hoạt động đó chính là những hoạt động nghiệp đoàn:
“Định nghĩa nghiệp đoàn là gì, đó là một số, một tập thể những anh em cùng một nghề, công nhân cùng một ngành với nhau, họp lại để tương trọ lẫn nhau. Dùng bất cứ tên gì cũng vậy, Nhóm anh em đường xa, Hội thân hữu, hay là Tương tế, … Bất cứ danh xưng nào thì đó cũng là nghiệp đoàn mà thôi.”
Và theo nhiều nhà quan sát thì chính mạng lưới internet với số người Việt Nam tham gia ngày càng gia tăng đã thúc đẩy những hoạt động nghiệp đoàn này. Ông Đoàn Huy Chương nói tiếp:
“Cách đây 10 năm về trước, muốn làm một cuộc như BOT vừa rồi, không thể làm được, bởi vì không thể kết nối lẹ như vậy, không có những chương trình live stream, tạo nhóm, để có thể có chuyện là họ kéo nhau đến để hỗ trợ. Internet đóng vai trò quan trọng để thay đổi thế giới và cũng là tương lai để thay đổi Việt Nam.”
Tuy vậy ông Chương cũng nói là vẫn có những khó khăn từ phía người công nhân đối với những vấn đề liên quan đến nghiệp đoàn có tính tổ chức, họ vẫn còn sợ hãi sự đàn áp của nhà cầm quyền.
Cho đến cuối năm 2017 Việt Nam vẫn không có một tổ chức nghiệp đoàn độc lập nào được cho phép hoạt động, dù rằng theo những người mà chúng tôi tiếp chuyện như ông Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Đình Hùng, việc tạo điều kiện cho giới công nhân có tiếng nói là rất hữu ích cho việc ổn định kinh tế và xã hội của đất nước.
Giáo sư Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội cho chúng tôi biết rằng Việt Nam đã có thỏa thuận với các đối tác thương mại quốc tế cho phép công nhân được thành lập nghiệp đoàn ở cơ sở, nhưng đạo luật về nghiệp đoàn vẫn chưa được bàn thảo để thông qua ở Quốc hội Việt Nam.
Ông Đoàn Huy Chương cho rằng cần phải có sức ép từ bên ngoài để có thể cho phép ra đời những tổ chức nghiệp đoàn độc lập. Nhưng ông Nguyễn Đình Hùng, dù chia sẻ quan điểm cần có một tổ chức công đoàn độc lập, cho rằng để có việc đó thì điều quan trọng hơn là chính nhà nước Việt Nam phải ý thức được rằng hoạt động nghiệp đoàn độc lập là có lợi cho chính họ.
No comments:
Post a Comment