Monday, June 5, 2017

Hàng trăm sà lan hút cát, ngoạm nát bờ sông Tiền

Hàng trăm sà lan chờ lấy cát trên sông Tiền tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, đoạn giáp ranh với huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (hình lớn) và “Hà Bá” đang từng ngày nuốt đất cồn Vĩnh Hòa, đe dọa sự sống và hoa màu của dân do tình trạng khai thác cát. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Người dân cồn Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, ở giữa sông Tiền đang phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ nguy cơ sạt lở khi ngày đêm đều có hàng trăm sà lan dày đặc hút cát trên sông.
Theo báo Tuổi Trẻ, người dân nơi đây cho biết ngày trước cồn Vĩnh Hòa dài khoảng 7 km thì nay đã hẹp dần, đất đêm nào cũng sạt lở đến nỗi người dân phải di tản.
Để giữ đất, bà con phải mua tấm cao su bao quanh đất ven sông nhằm phòng chống sạt lở.
“Nếu cho múc cát kiểu này hoài thì không bao lâu nữa cồn này sẽ biến mất thôi. Không biết bà con nơi này sẽ ở đâu và sống bằng nghề gì nữa?” ông Nguyễn Văn Minh, sống ở cồn, than thở nói với báo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Sáu.
Trong khi đó, dù chính quyền siết chặt nạn khai thác cát, nhưng sà lan thương lái vẫn đậu chật kín để chờ lấy cát ở “thủ phủ cát” vùng thượng nguồn sông Tiền là khu vực trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, giáp ranh với huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Nơi này chiều dài chỉ hơn 2 km nhưng mỗi ngày có hàng trăm chiếc sà lan neo đậu chật kín cả sông của hai bên bờ An Giang và Đồng Tháp để chờ xáng cạp múc cát (Xáng cạp là sà lan trang bị gàu sắt “cạp” một gàu cát [đất] rồi quăng cát [đất] vào khoang chứa hay lên bờ. Sà lan, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc…, là phiên âm của chữ “chaland” trong tiếng Pháp, nhưng người miền Nam hay dùng từ “xà lan” và khi Việt hóa từ này thì trở thành “xáng”). (TN)

No comments:

Post a Comment