VIỆT NAM (NV) – Môi trường sống của hàng trăm triệu người Việt đang bị đe dọa bởi việc nhập cảng thiết bị, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm cao từ Trung Quốc.
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Ngọc Linh, một Thứ trưởng của Bộ Tài nguyên – Môi trường, tại một hội nghị bàn về môi trường và phát triển bền vững, vừa diễn ra ở Vũng Tàu.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên về hội nghị vừa kể thì ông Linh đã liệt kê hàng loạt yếu tố đang hủy diệt môi trường sống tại Việt Nam: 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải chung tồn tại song song với 36 cơ sở công nghiệp phải giám sát đặc biệt, 132 cơ sở công nghiệp khác phải kiểm soát thường xuyên vì “không thân thiện với môi trường”. 5.000 làng nghề sử dụng thiết bị lạc hậu… Nguy cơ môi trường sống bị hủy diệt trở nên cao hơn vì hoạt động khai thác khoáng sản thải ra đất, đá, bụi khi khai thác, vận chuyển, vì sự ra đời của hàng loạt các công trình thủy điện khiến rừng bị phá, bị xâm chiếm với diện tích lớn, đảo ngược dòng chảy, biến đổi các hệ sinh thái ở hạ du. Những tác động nguy hại ấy đang cộng hưởng với việc nhập cảng thiết bị, công nghệ lạc hậu, đẩy tốc độ hủy diệt trở thành nhanh hơn.
Chuyên biến Việt Nam thành bãi chứa đồ thiên hạ thải ra không mới. Hồi 2010, dân chúng Việt Nam từng sôi sùng sục vì chính quyền Việt Nam cho phép một số doanh nghiệp nhập cảng rác công nghiệp. Chẳng hạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2010, Hải Phòng chặn 300 container rác công nghiệp vốn nguy hại cho môi trường (accu chì phế thải, vi mạch điện tử,…), thay vì phải xử lý theo qui trình đặc biệt thì được xuất cảng qua Việt Nam. Đà Nẵng giữ lại 10 container xỉ sắt bẩn. Vào thời điểm đó, trước sự phản ứng dữ dội của dân chúng, những container chứa nhựa bẩn giấy bẩn, linh kiện điện tử cũ,… liên tục bị chặn lại ở khắp nơi: Sài Gòn, Vũng Tàu, Quảng Ninh,… Theo điều tra của báo chí Việt Nam, chuyện nhận tiền của các tập đoàn ngoại quốc, đưa rác công nghiệp vào Việt Nam đã rộ lên thành phong trào từ giữa thập niên 2000. Tính riêng Hải Phòng, trong bốn năm từ 2005 đến 2009 đã có khoảng 2.700 container rác công nghiệp được thông quan!
Đáng nói là tới giờ này, tại Việt Nam, tình trạng tha rác về nhà không giảm, đặc biệt là rác từ Trung Quốc.
Ông Linh lưu ý, kim ngạch nhập cảng thiết bị, công nghệ cũ của Trung Quốc đang tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm năm nay, Việt Nam chi khoảng 3,4 tỉ Mỹ kim nhập cảng thiết bị, phụ tùng của Trung Quốc, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập cảng thiết bị của Trung Quốc tăng 31% (tương đương 803 triệu Mỹ kim).
Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, giải thích. Từ nay đến 2020, Trung Quốc sẽ thay thế thiết bị, công nghệ lạc hậu bằng thiết bị, công nghệ cao. Xu thế này tạo ra rủi ro lớn cho những quốc gia như Việt Nam vì thiết bị, công nghệ lạc hậu sẽ được bán, được chuyển sang Việt Nam để sử dụng trong các dự án do Trung Quốc đầu tư hoặc được giao như một hình thức góp vốn cho các liên doanh.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nói thêm, nhìn cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có thể thấy Việt Nam đang là bãi để Trung Quốc đổ thiết bị, công nghệ lạc hậu: Trung Quốc hiện đang nằm trong quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam (khoảng 1.600 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 11 tỉ Mỹ kim). Trung Quốc cũng đang mở rộng qui mô cho vay ưu đãi đối với những dự án dệt nhuộm, may mặc, chế biến cao su, nhiệt điện, đường cao tốc,… những lĩnh vực đang bị hạn chế ở Trung Quốc vì hao tốn năng lượng và làm môi trường ô nhiễm. Ông Hiếu dẫn chứng, Trung Quốc đã đóng cửa 600 nhà máy phát điện bằng than ở Trung Quốc nhưng rất hào phóng trong việc cấp vốn cho các dự án phát triển nhà máy phát điện bằng than ở Việt Nam. Hơn 2/3 trong số 14 nhà máy phát điện bằng than ở đồng bằng sông Cửu Long đã hoặc sẽ dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc, thiết bị, công nghệ Trung Quốc.
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhấn mạnh yêu cầu phải tỉnh táo với những khoản Trung Quốc cho vay. Theo ông Thành, dù lãi suất gần như là 0% nhưng điều kiện đính kèm: Sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc biến các khoản vày này thành “không rẻ, không dễ và không có lợi”! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment