Monday, January 9, 2017

Xóm phao giữa sông Hồng

Phóng viên RFA tại Hà Nội 2017-01-08
No automatic alt text available.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, lâu nay xuất hiện một xóm dân giữa sông Hồng. Cư dân của xóm này từ đâu lưu lạc đến và họ sinh sống ra sao?

Những cư dân không giấy tờ

‘Bãi giữa sông Hồng’ trước đây là làng Trung Hà nhưng do một trận lũ lớn năm 1971, người dân làng này chuyển vào bờ sinh sống. Vùng đất này nay thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Hiện nay tại bãi giữa sông Hồng có 26 hộ dân sinh sống đến từ nhiều vùng khác nhau và không ai có hộ khẩu nơi đây cả.
Hầu hết người dân trong xóm đều sống trên các “ngôi nhà” phao dập dềnh theo con nước.
Trước đây, do không có giấy tờ tùy thân, trẻ em chỉ được học tới lớp 5 tại một “lớp học tình thương” do sinh viên các trường đại họa xuống dạy.
Ông Nguyễn Đăng Được, người đầu tiên về tạo lập khu xóm trên bãi này cách đây 28 năm cho biết:
“Lên lớp 5, buộc các cháu phải có giấy tờ, có khai sinh mới vào được. Nên tôi chỉ xin bổ sung xóa nạn mù chữ cho các cháu từ lớp 1 thôi. Còn cấp 2 là phải bỏ học”
Được biết hiện nay, phía chính quyền đã hỗ trợ làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân cho các trẻ em nơi đây nên nhiều em được học tiếp lên cấp trung học.
Tuy nhiên, hầu hết người lớn trong xóm đều không có giấy tờ tuỳ thân căn bản - đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền công dân.

Đùm bọc nhau mà sống

Trong xóm này, duy chỉ có ông Được có đất thuê để trồng trọt, còn lại những người khác đều làm nghề buôn bán, làm mướn, hoặc lượm ve chai ở trên bờ. Ông Được cho biết:
“Một vài người có điều kiện thì đi bán nước bán nôi trên bờ. Già thì ở nhà trông cháu rồi tối khuya đi lượm đồng nát tới 2, 3 giờ sáng. Thanh niên khỏe khỏe thì đi làm mướn trên chợ người. Công việc bấp bênh thất thường”.
Người phụ nữ bế cháu: “Cô đi lượm đồng nát nhưng giờ nghỉ ngơi thôi con ạ. Thu nhập khoảng 50 một ngày.”
Trước đây, người dân trong xóm không có điện và nước sạch để sử dụng. Khoảng 2 năm nay, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tặng những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà nên họ có điện sử dụng, còn nước sinh hoạt được bơm từ các giếng khoan lên, đổ vào các thùng lọc nước do sinh viên trường y giúp đỡ kinh phí và công sức.

Biết đi đâu ngày mai?

Vì không có giấy tờ tùy thân, người dân bãi giữa hoàn toàn không được hưởng các dịch vụ y tế cũng như không có bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh.
Theo chia sẻ của ông Được, mỗi hộ gia đình trên bãi hàng tháng góp 20 ngàn đồng vào một quỹ để giúp trẻ em học tập, mua thuốc chữa bệnh cho người đau ốm, và hỗ trợ các cặp vợ chồng tổ chức hôn lễ đơn giản.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng bãi đỗ xe trên bãi giữa sông Hồng để phục vụ khách du lịch thăm quan cầu Long Biên khi cây cầu này ngưng lưu thông xe.
Được biết từ nhiều năm nay, nhiều dự án đã được đề ra tại vùng bãi này nhưng vẫn treo lơ lửng đó chưa được triển khai.
Ông Được cho rằng dự án bãi đỗ xe như vừa nói có thể không động đến phần đất xóm ông. Tuy nhiên, điều mà toàn bộ người dân ở đây lo ngại là nếu có dự án tiến hành lấy đất của họ thì họ sẽ không còn chốn dung thân.
Người dân nơi đây cho biết phía chính quyền chưa bao giờ có ý định tái định cư cho họ ở một nơi đàng hoàng, tử tế.
Ông Được nói về điều này: “Mình ở khu vực địa bàn người ta thì người ta chỉ quản lý con người, quản lý nhân khẩu. Miễn anh đừng phạm luật là được. Sau này có dự án thì có thể đuổi anh đi.”
No automatic alt text available.

No comments:

Post a Comment