THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Kiểm tra việc thực hiện “công tác dân tộc” ở tỉnh, Thanh Hóa phát hiện hàng loạt sai phạm hàng tỷ đồng, trong đó có cả việc “ăn chặn” từng gói muối i-ốt phát cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 16 Tháng Mười Hai, báo Người Lao Động dẫn phúc trình của Ban Dân Tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này phát hiện nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi, giảm trừ thanh toán hàng tỷ đồng.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011-2017, Ban Dân Tộc tỉnh được cấp kinh phí 1,988 tỷ đồng (hơn $87.1 triệu) để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của trung ương và của tỉnh Thanh Hóa nhằm giúp đồng báo dân tộc thiểu số. Tuy nhiên kinh phí này bị tham ô, ăn chặn.
Báo Người Lao Động cho hay, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn, như việc cấp muối i-ốt và bột canh hiện nay đã không còn phù hợp với một số nơi… nên dẫn đến việc tại huyện Quan Sơn, công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa đã không phát muối i-ốt đến người nghèo và giao lại cho trưởng thôn khiến nhiều hộ dân trên bị “ăn chặn” số muối này.
“Việc làm trên là trái với quyết định của chủ tịch tỉnh, dẫn đến cấp sai đối tượng. Tuy nhiên, công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa vẫn báo cáo ‘láo’ để hưởng số tiền chi phí cấp phát trên 72 triệu đồng (khoảng $3,156),” báo này cho hay.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra Ban Dân Tộc tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện việc mua bán không có hợp đồng, không có sổ ghi chép, chứng từ thanh toán, cá biệt có nơi còn sử dụng tiền hỗ trợ của nhà nước vào các khoản đóng góp ở địa phương hoặc không chi trả cho dân, làm mất tác dụng, ý nghĩa nhân văn của chính sách.
Báo này cho hay, tính từ năm 2011 đến nay, Thanh Tra Ban Dân Tộc tỉnh “đã xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước gần 1.9 tỷ đồng (hơn $83,284), giảm trừ quyết toán gần 900 triệu đồng (hơn $39,450), yêu cầu hoàn thiện lại, trả lại cho dân số tiền hơn 2.2 tỉ đồng (hơn $96,434).
Tin cho biết, các sai phạm này thuộc Ban Dân Tộc tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên đơn vị này cho rằng: “Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập là do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, lực lượng mỏng…” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment