Kính Hòa RFA 2017-12-18
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng chính trị duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam. Ảnh chụp tháng Sáu, 2017. AFP
Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017, vào ngày 13 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đưa ra nhiều điểm nhằm làm cho Việt Nam không bị tụt hậu. Trong những điểm đó có việc cải cách thể chế pháp luật tại Việt Nam.
Mâu thuẫn giữa điều lệ đảng và pháp luật
Ngày 7 tháng 12, tức chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về những biện pháp cải cách để Việt Nam không bị tụt hậu, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ký ban hành Quyết định 102, trong đó qui định rằng những đảng viên cộng sản nào đề cập đến những vấn đề như là tam quyền phân lập, hay xã hội dân sự sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.
Cán bộ ở đây không chỉ là đảng viên mà thôi, mà còn là quan chức nhà nước, những người đang điều hành một bộ máy dựa trên cơ sở luật pháp chứ không phải dựa trên cơ sở cương lĩnh và điều lệ của đảng.
-Luật sư Lê Công Định.
Trong khi đó không có một đạo luật nào của Nhà nước Việt Nam ngăn cấm xã hội dân sự cả. Thậm chí, đôi khi báo chí của Nhà nước cũng nói rằng xã hội dân sự là cần thiết cho sự phát triển của đất nước, ví du như vào năm 2006, báo mạng Vnexpress dẫn lời Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, lúc đó là Viện trưởng các vấn đề phát triển, nói rằng “xã hội dân sự là cần thiết, và tốt cho công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam.”
Như vậy những quan chức Việt Nam, đại đa số là những đảng viên Đảng Cộng sản, một mặt phải tuân theo quyết định 102, là không đề cập đến xã hội dân sự, nhưng mặt khác, với tư cách là người điều hành đất nước họ phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển.
Điều mâu thuẫn này phải được giải thích như thế nào?
Ngay sau khi Quyết định 102 được ban hành, luật sư Trần Quốc Thuận. từng là Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích với chúng tôi như sau:
“Công dân có quyền khác và người Đảng viên có quyền khác. Họ bị ràng buộc bởi vì khi đã vào Đảng thì phải chấp nhận những quy định, nghị quyết trong điều lệ Đảng.
Nếu ai không tuân theo những quy định đó thì họ kỷ luật, thậm chí là người đó không còn trong Đảng vì họ tự nguyện xin ra. Đó cũng là chuyện bình thường.
Trong tổ chức nào cũng thể, Đảng hay hội, đoàn thể đều có nội quy. Ai vi phạm nội quy đều có hình thức xử lý. Họ có tôn chỉ, mục đích. Cho nên tôi cho rằng quyết định đó mang tính chất rất nội bộ trong Đảng.”
Luật sư Thuận nói tiếp rằng những ai có ý tưởng xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập có thể xin ra khỏi Đảng để thực hiện ý định của mình.
Nhưng Luật sư Lê Công Định, hiện sống tại Sài Gòn, nói rằng những mâu thuẫn về luật pháp của nhà nước với những điều luật của Đảng Cộng sản đã, đang, và sẽ gây ra những xáo trộn về mặt luật pháp cho đất nước:
“Chỉ có vai trò của đảng trong việc xử lý cán bộ, mà cán bộ ở đây không chỉ là đảng viên mà thôi, mà còn là quan chức nhà nước, những người đang điều hành một bộ máy dựa trên cơ sở luật pháp chứ không phải dựa trên cơ sở cương lĩnh và điều lệ của đảng, thì họ chỉ quan tâm đến vấn đề xử lý trong nội bộ của họ mà thôi, còn trên phương diện pháp lý họ lại không quan tâm. Do đó xáo trộn trong xã hội do cái mầm mống đó không bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát.”
Ông Định dẫn chứng trường hợp của ông Đinh La Thăng, đảng viên cộng sản cao cấp nhất từ trước đến nay vừa bị bắt giam. Vào tháng Năm năm nay, ông Thăng bị khai trừ ra khỏi Bộ chính trị của Đảng vì những sai phạm của ông trong quản lý nhà nước. Ông Lê Công Định nhận xét rằng lúc đó ông Thăng chỉ lên tiếng hối lỗi trước Tổng bí thư đảng, chứ không nói gì đến các cơ quan luật pháp của nhà nước.
Ngoài vụ ông Đinh La Thăng, trong thời gian hai năm trở lại đây, có nhiều vụ kỷ luật, hoặc bắt giam các cán bộ, viên chức nhà nước bị cáo buộc tham nhũng, người ta thấy nổi bật lên vai trò của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản, một bộ phận chịu trách nhiệm về kỷ luật của Đảng, chứ không phải là tòa án, hay viện kiểm sát, những cơ quan thi hành pháp luật của Nhà nước.
Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn cho biết rằng điều đó không có gì lạ trong hệ thống một đảng duy nhất cai trị như ở Việt Nam:
“Nếu mà anh đứng ở bên trong, trong một xã hội độc đảng thì điều đó không có gì lạ cả. Có nghĩa là Đảng muốn làm gì thì làm. Thậm chí trong năm 2013, ông Trọng còn nói là cương lĩnh đảng còn quan trọng hơn hiến pháp mà. Và qui định 102 đó là tuân theo điều lệ đảng.”
Nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước một số cử tri ở Hà Nội vào năm 2013 là: Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ nhì của đất nước, sau cương lĩnh đảng.
Ý thức về một nhà nước pháp quyền
Ngay sau đó, Đại tá Phạm Đình Trọng, một cựu đảng viên cộng sản nhận xét với đài RFA như sau:
Nếu mà anh đứng ở bên trong, trong một xã hội độc đảng thì điều đó không có gì lạ cả. Có nghĩa là Đảng muốn làm gì thì làm.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nói đến vấn đề cải cách nền tư pháp của đất nước từ năm 1987, sau khi đảng cầm quyền quyết định cải cách kinh tế trước đó một năm. Đồng thời khái niệm nhà nước pháp quyền, tức là luật pháp của nhà nước là trên hết, cũng nhiều lần được báo chí của Nhà nước Việt Nam đề cập đến.
Tuy vậy luật sư Lê Công Định, nói với chúng tôi rằng sau 30 năm cải cách tư pháp để hướng đến một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam là không có gì. Lý do được ông đưa ra là ý thức về pháp luật của những người cộng sản rất thấp, đối với họ điều quan trọng nhất là kỷ luật đảng chứ không phải pháp luật của nhà nước.
“Họ coi đó chỉ là hình thức bề ngoài, để họ chứng minh nhà nước này là nhà nước pháp quyền. Nhưng trên thực tế, ăn sâu trong tập quán suy nghĩ của họ, luật pháp không quan trọng bằng những cương lĩnh và điều lệ của Đảng Cộng sản.”
Và ông nói rằng việc ban hành Quyết định 102 này là do sự lo ngại của Đảng Cộng sản rằng nhiều đảng viên của mình đang cho rằng xã hội dân sự là một giải pháp phát triển đất nước thay cho chế độ toàn trị của một đảng duy nhất.
Khi được hỏi rằng tại sao Đảng Cộng sản lại không ra lệnh cho bộ máy nhà nước mà mình đang lãnh đạo ra những bộ luật giống như điều lệ đảng, chẳng hạn như cấm xã hội dân sự, nhà báo Phạm Chí Dũng trả lời rằng:
“Nếu Việt Nam tung ra cái đó thì Việt Nam vi phạm ngay những cái Việt Nam đã ký, những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, như là Công ước về các quyền dân sự và chính trị, ký năm 1982. Trái luôn với những hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp ký, thì đều có vấn đề xã hội dân sự và nhân quyền ở trong đó.”
Trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà ông Dũng đề cập, có điều thứ 22 nói rằng mọi người đều có quyền lập hội và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích của bản thân mình, tức là những hoạt động của một xã hội dân sự mà Đảng Cộng sản Việt Nam cấm những đảng viên của mình đề cập đến.
No comments:
Post a Comment