SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hiện nhân sự “Lực Lượng 47” của quân đội CSVN đã có hơn 10,000 người là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng,” chống lại các “bọn phản động” trong ngoài nước, phụ họa với công an.
Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội CSVN, khoe quân đội CSVN gần đây thành lập một lực lượng với hơn 10,000 người được gọi là “Lực Lượng 47,” tức theo “Chỉ Thị 47” làm “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ” tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018” tổ chức ở Sài Gòn hôm 25 Tháng Mười Hai, theo báo Tuổi Trẻ.
Lần đầu tiên, người ta thấy có một thứ “lực lượng” như thế trong tổ chức quân đội CSVN được khoe công khai. Từ trước tới nay, người ta chỉ biết một cách không chính thức công an và guồng máy tuyên truyền CSVN có hàng ngàn cán bộ ngày đêm theo dõi hoạt động của những người tham gia đấu tranh đòi tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, tự do phát biểu và thông tin, vận động dân chủ hóa Việt Nam.
Những người bị nghi ngờ hoặc nằm trong danh sách đen hằng ngày bị theo dõi, nghe lén điện thoại, đọc trộm điện thư, theo dõi trên các trang mạng xã hội. Nhiều người đã bị bắt giữ và bỏ tù. Không ít người bị đánh đập, khủng bố dưới nhiều hình thức.
Không biết có phải các lực lượng phản tuyên truyền và theo dõi người dân của công an và “dư luận viên” đã không đủ sức đối phó với các thành phần chống phá chế độ trên không gian ảo, nên nhà cầm quyền Việt Nam phải vận dụng đến cả quân đội để đối phó.
“Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng,” lời Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được dẫn trên báo Tuổi Trẻ.
“Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái,” Tuổi Trẻ tường thuật.
Điều 66, Hiến Pháp 2013, chương IV “Bảo Vệ Tổ Quốc” quy định về nhiệm vụ của quân đội CSVN là: “Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.”
Facebooker Hưng Phạm Ngọc bình luận: “Như thế, sự tồn tại của ‘binh đoàn 47’ để tham gia vào một nội dung thuộc phạm vi dân sự là vi hiến.”
Ngoài những luật và nghị định siết cổ tự do thông tin trên Internet và một số luật khác, hiện Quốc Hội CSVN đang có một dự luật về “An Ninh Mạng” nhằm siết chặt hơn nữa khi đòi ép các công ty dịch vụ Internet và mạng xã hội ở nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam cho nhà cầm quyền kiểm soát, sàng lọc thông tin. Lại còn đòi cài điều khoản trị tội những người bị vu cho tội “nói xấu lãnh tụ.”
Trong một phiên thảo luận hồi cuối Tháng Mười Một vừa qua ở Quốc Hội, một đại biểu thuộc đơn vị Đà Nẵng đã ngạc nhiên về sự chồng chéo của dự luật “An Ninh Mạng” với những luật đã có sẵn như “Luật An Ninh Quốc Gia” ban hành năm 2004 và “Luật An Toàn Thông Tin Mạng” được sửa đổi thêm năm 2015. Sự chồng chéo này được mô tả giống như “một cửa có ba khóa.”
Đầu năm 2013, báo Lao Ðộng ngày 9 Tháng Giêng thuật lời ông Hồ Quang Lợi, trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, nói chính quyền nơi đây thành lập “Nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet” với 900 người có nhiệm vụ “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.”
Sau đó, người ta thấy có những nhóm “dư luận viên,” nhiều khi đeo khăn đỏ, khoác cờ đỏ, được đưa đi phá đám các cuộc biểu tình của những người thuộc “lề trái” ở Hà Nội, Sài Gòn và một vài nơi khác. Mới đây nhất, người ta thấy xuất hiện “Hội Cờ Đỏ” được công an hộ tống tới khủng bố giáo dân tại một vài giáo xứ Công Giáo tỉnh Nghệ An.
Hàng ngàn, hàng vạn người ở Việt Nam viết blog và sau này có thêm mạng xã hội Facebook đã đưa tin tức thời sự độc lập với các bản tin từ hệ thống tuyên truyền chính thống của nhà nước, nhiều khi có cả hình ảnh và video clip. Hiển nhiên những bản tin và hình ảnh đó đã phơi bày các sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn che giấu hoặc nói ngược lại, nhưng đành phải nín lặng.
Nhà cầm quyền Việt Nam qua Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã kêu rằng trên mạng có hơn 8,000 thông tin và clip “độc hại” nhưng đến nay mới áp lực các công ty Google (YouTube), và Facebook xóa bỏ được hơn một ngàn.
Nay lại có thêm “Lực Lượng 47” với hơn 10,000 người tay súng, tay nhấp chuột để đối phó với “quần chúng nhân dân” trong một cuộc chiến siết cổ Internet mà tờ New York Times ngày 30 Tháng Mười Một, 2017, nói đã “too late – quá muộn.” (TN)
No comments:
Post a Comment