“…Nếu Đảng chỉ chú ý đến thực hiện đúng các quy trình, những sản phẩm như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Đình Đức, Phùng Đình Thực … sẽ còn xuất hiện trong guồng máy cai trị của Đảng. Chúng tiếp tục làm nghèo đất nước và băng hoại xã hội…”
Ngày 08/12/2017 Đinh La Thăng bị bắt giam và khởi tố. Với những ai theo dõi truyền thông, báo chí do Đảng Cộng Sản Việt Nam khống chế và chỉ đạo, không khỏi ngạc nhiên về những tin tức mà truyền thông loan báo. Chỉ trong buổi chiều ngày 08/12 Đinh La Thăng đã bị cắt rời khỏi mọi liên quan với Đảng. Không còn là đảng viên, đại biểu quốc hội, phó ban kinh tế trung ương... Đinh La Thăng chỉ còn là tên tội phạm, cố ý làm trái những quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đang bị Đảng trừng phạt đúng theo pháp luật, Đảng trở thành vô can trước một Đinh La Thăng tội phạm.
Từ một anh kế toán trở thành một trong 18 “ông vua tập thể”, Đinh La Thăng là sản phẩm điển hình nhất, “đúng quy trình” nhất, sáng giá nhất của dây chuyền quy hoạch và đào tạo cán bộ của Đảng.
Các “lò nhuộm đỏ”
Bước khởi đầu trong dây chuyền đào tạo cán bộ của Đảng là lựa chọn các thanh niên để đưa vào các các “lò nhuộm đỏ”. Đó là các tổ chức đoàn thanh niên ở khắp các địa phương, cơ quan, xí nghiệp, trường học … Đảng chỉ cần những thanh niên biết vâng dạ và tích cực hoạt động trong các tổ chức đoàn, trung thành tuyệt đối với Đảng.
Đinh La Thăng đã qua “lò nhuộm đỏ” tại công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà. 25 tuổi vào Đảng, 5 năm sau trở thành bí thư đoàn của công ty, Đinh La Thăng đã được “nhuộm đỏ”, đây là tiêu chuẩn hàng đầu để Đảng cất nhắc vào những vị trí lãnh đạo cao hơn.
Tháng 4 năm 2001, ở tuổi 43, Đinh La Thăng trở thành chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà kiêm bí thư Đảng ủy, chủ nhiệm ban kiểm tra đảng ủy, đại biểu quốc hội khóa 11, ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ủy viên trung ương Hội Kế toán Việt Nam, phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, ủy viên thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, phó chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam...
Với hàng đống các chức vụ trên đây, Đinh La Thăng đã trở thành hạt giống đỏ để Đảng gieo trồng, nhân giống.
Đúc rèn, tôi luyện thành “con dao pha”
Đảng đã kỳ vọng Đinh La Thăng sẽ trở thành một trong những cán bộ cao cấp tương lai của Đảng. Nhưng một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng phải là một cán bộ toàn năng, một cán bộ có thể lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật ... giống như “con dao pha”.
Đinh La Thăng rời vùng sông nước, núi rừng tây bắc để vào miền trung, làm phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, bước qua một lĩnh vực mới mẻ trong dây chuyền đúc rèn, tôi luyện thành “con dao pha”.
Sau 2 năm tại Thừa Thiên – Huế, tháng 12-2005 Đinh La Thăng được Đảng đặt vào chiếc ghế mà nhiều cán bộ Đảng mơ ước, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), một chức vụ đầy quyền lực và tiền bạc. Từ đây Đinh La Thăng đã trở thành một trong những “con dao pha” sáng giá nhất của Đảng.
Phát ngôn gây sốc, hành động nổi đình đám
Đảng rất cần những những cán bộ biết phát ngôn nổi đình đám và hành động khác thường, để thu hút dư luận xã hội trong các ngành kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Giao thông vận tải là nơi chứa chất những bức xúc của người dân, những tệ nạn tham nhũng, cửa quyền... mà Đảng cần lấy lại lòng tin đối với dân chúng.
Đinh La Thăng là ứng viên thích hợp nhất cho mục tiêu trên đây của Đảng.
Viết đến đây tôi nhớ đến một trong những “con dao pha” kỳ cựu của Đảng, đó là ông Đinh Đức Thiện. Khởi đầu sự nghiệp chính trị ông làm công tác Đảng, năm 1950 ông được điều vào quân đội giữ chức phó chủ nhiêm tổng cục hậu cần. Từ 1957 đến 1964, ông là thứ trưởng bộ công nghiệp nặng kiêm giám đốc công trường xây dựng Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên. Năm 1965 ông trở lại quân đội trên cương vị chủ nhiệm tổng cục hậu cần. Năm 1969 ông lại được điều ra khỏi quân đội, giữ chức bộ trưởng bộ cơ khí luyện kim. Năm 1972 ông chuyển sang giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải, rồi phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước. Năm 1976 đến năm 1979, ông là bộ trưởng phụ trách dầu khí. Từ 1980 đến 1982 ông lại được bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải lần thứ 2...
Những ai đã từng công tác trong bộ công nghiệp nặng và cơ khí luyện kim hẳn còn nhớ những giai thoại về ông. Ông thường phát biểu những gì cốt để lại ấn tượng, ông tước bằng kỹ sư của anh A, cách chức giám đốc của anh B, đề bạt anh C... tùy tiện, không cần lắng nghe đối tượng giải trình. Tôi không có đủ thông tin về đánh giá các chức vụ mà ông phụ trách, chỉ xin nêu một công trình mà ông có phần trách nhiệm không nhỏ, đó là khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên, một công trình quan trọng bậc nhất trong đường lối của Đảng, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng để xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đến nay chúng ta đã biết, Khu Gang thép Thái Nguyên đã tiêu tốn quá nhiều vốn đầu tư trong nhiều năm và hậu quả tiêu cực về kinh tế mà nó để lại vẫn còn đó.
Trở lại chuyện ông Đinh La Thăng. Sau khi nhận chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải, ông đã có những phát biểu gây ấn tượng trong giới báo chí và toàn xã hội: “...Cho tôi một cơ chế đột phá và toàn quyền quyết định...”. Ông đề xuất những giải pháp gây tranh cãi như đề án thay đổi giờ làm việc, hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô tô, xe máy, cấm công nhân viên chức bộ GTVT chơi tennis... Ông cách chức tổng giám đốc công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp … Nhưng trong 5 năm làm bộ trưởng bộ GTVT, ”Đinh tư lệnh” đã không giải quyết được các tiêu cực trong ngành giao thông, ông còn mắc các sai lầm khá nghiêm trọng trong công tác đề bạt cán bộ và đầu tư các công trình BOT..., để lại các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Nhưng điều khá bất ngờ là ông lại tiếp tục thăng tiến, trở thành ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh...
Đúng quy trình, sai hệ thống
Khi phát hiện các sai phạm của các đảng viên của Đảng, các tổ chức Đảng, các cá nhân chịu trách nhiệm về quy hoạch đào tạo và đề bạt những đảng viên này thường tự bào chữa cho mình, rằng họ đã làm việc đúng quy trình mà Đảng quy định.
Vậy tại sao những con người được đúc rèn đúng quy trình lại trở thành những kẻ tham nhũng„họ ăn không trừ một thứ gì của dân”, họ cố ý làm trái những quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản nhà nước và nhân dân?
Trước hết, những thế hệ đảng viên trẻ hiện nay họ vào Đảng chỉ để tìm cơ hội tiến thân, để có quyền và tiền. Lý tưởng cộng sản đối với họ xa lạ và viển vông. Đảng đưa họ qua các “lò nhuộm đỏ”, họ chỉ đỏ bên ngoài, công đoạn nhuộm đỏ của Đảng chỉ cho ra các sản phẩm ngoài đỏ trong xanh. Các đảng viên này sẽ chiếm lĩnh các vị trí “to ăn to, nhỏ ăn nhỏ”.
Đã không có lý tưởng, những đảng viên này được đào tạo thành “những con dao pha”. Trong một thế giới đầy biến động về kinh tế, chính trị, thế giới thay đổi nhanh chóng nhờ các cuộc cách mạng về trí thông minh nhân tạo, ngưới máy, năng lượng mới... “Những con dao pha” trở nên lạc lõng, không đủ năng lực để quản lý đất nước. Trường hợp ông Đinh La Thăng đem 500 triệu USD góp vốn khai thác dầu khí tại Venezuela và bị mất trắng là một ví dụ sống động.
Một quy trình đúng nằm trong một hệ thống lỗi thời, sai lệch, quy trình đó cũng vô giá trị. Hệ thống lỗi thời, sai lệch mà Đảng thiết lập và cai trị hiện nay là thể chế độc tài toàn trị. Đảng độc quyền lãnh đạo, tập trung trong tay mình mọi quyền lực. Hành pháp, lập pháp, tư pháp đều của Đảng, do Đảng kiểm soát và điều hành. Hầu hết những kẻ tham nhũng là các đảng viên, nhưng chống tham nhũng cũng do Đảng chỉ đạo. Báo chí, truyền thông, một mũi nhọn chống tham nhũng cũng của Đảng, cái gì Đảng cho viết báo chí mới được viết được đăng.
Thay đổi hệ thống thể chế là công việc cấp thiết!
Nếu Đảng chỉ chú ý đến thực hiện đúng các quy trình, những sản phẩm như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Đình Đức, Phùng Đình Thực … sẽ còn xuất hiện trong guồng máy cai trị của Đảng. Chúng tiếp tục làm nghèo đất nước và băng hoại xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng này.
Warsaw, tháng 12-2017
Đinh Minh Đạo
Đinh Minh Đạo
No comments:
Post a Comment