SƠN LA, Việt Nam (NV) – Ít nhất 17 quan chức của tỉnh Sơn La vừa bị khởi tố vì dính đến “bồi thường và hỗ trợ đất nông nghiệp” cho dân khi đẩy họ ra khỏi vùng đất sinh sống truyền thống cho nhà nước làm thủy điện.
Các báo tại Việt Nam thuật cuộc họp báo của công an tỉnh Sơn La nói 15 đảng viên và 2 viên chức không phải đảng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cuộc điều tra thấy họ vi phạm trong bồi thường và hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực “giải phóng mặt bằng” xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.
Sau các cuộc điều tra để khởi tố, có 15 người đã bị tống giam, 2 người được cho tại ngoại nhưng cấm đi ra khỏi nơi cư trú. Trong đó, 13 người bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế…” và 4 người bị quy cho tội “Cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng…”
Trong số các người bị khởi tố, ông Triệu Ngọc Hoan – giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường Sơn La bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…” lại được cho tại ngoại.
Trong số 4 người bị cáo buộc tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có các ông Trương Tuấn Dũng (sinh năm 1960), nguyên phó chủ tịch huyện Mường La; nguyên chủ tịch hội đồng bồi thường tái định cư huyện. Lúc bị bắt, ông Dũng là phó giám đốc Sở Tài Chính Sơn La; Phan Tiến Diện (sinh năm 1975), nguyên phó chủ tịch huyện Mường La; nguyên chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện. Lúc bị bắt, ông Diện là phó giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Sơn La.
“Giải phóng mặt bằng” hay bất cứ chương trình, kế hoạch liên quan đất đai đều là cơ hội béo bở để đám quan chức đảng viên chấm mút từng thấy bị phơi bày khá nhiều tại Việt Nam.
Dù báo chí đặt câu hỏi nhưng viên chức công an trong cuộc họp báo từ chối nêu chi tiết. Tuy nhiên, tờ Tuổi Trẻ nói rằng “Hành vi sai phạm của những người này ở các khâu đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước (thời điểm sai phạm từ Tháng Tư, 2014 đến Tháng Ba, 2015).”
Đập thủy điện Sơn La nằm trên huyện Mường La, được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012. Với tổng công suất 2,400 MW, đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm công trình này góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện cả nước. Đến năm 2015, chi phí xây dựng nhà máy ở mức gần 35,000 tỷ đồng ; xây dựng công trình giao thông 4,400 tỷ đồng. Hai chi phí vừa kể không thay đổi nhưng tiến việc di dân tái định cư tăng hơn 6,100 tỷ đồng.
Tuy nhà máy thủy điện đặt trên đất huyện Mường La nhưng nhà cầm quyền đã buộc dân ở cả 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên tổng cộng tổng cộng 20,340 hộ với hơn 92,000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập (trong đó tỉnh Sơn La chiếm hơn 61% số hộ) đến tái định cư tại 70 khu với 276 điểm tái định cư trong tỉnh.
Ngay từ những năm đầu, người ta đã thấy có rất nhiều lời kêu ca về chương trình tái định cư nhiều khuất tất. Nhà nước cam kết đưa họ, hầu hết là các sắc dân thiểu số, đến ở những noi khá hơn đầy đủ tiện nghi điện nước, trường học, nhà thương, đất đai canh tác. Ngược lại, họ bị đày tới những mảnh đất rừng hoang vu và không có gì ngoài những căn nhà tuềnh toàng nhỏ bé rất dễ sập xuống.
“Thời điểm này, nếu không bị dân chửi bới, vác dao rượt đuổi thì không phải là cán bộ di dân tái định cư. Thực ra người dân cũng bức xúc lắm rồi, cán bộ cũng khổ không kém…”, báo thiennhien.net ngày 20 Tháng Tám, 2013 dẫn lời ông Vũ Huy Hùng, trưởng Ban Quản Lý Dự Án Di Dân Tái Định Cư Thủy điện Sơn La của huyện Thuận Châu (Sơn La) nói.
Dự án thủy điện Sơn La từng bị nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước chỉ trích mạnh mẽ vì đã đẩy bật một số lượng lớn người dân đã sinh sống suốt bao đời tại môi trường quen thuộc đến một nơi khác với tương lai bất định.
Đập thủy điện Sơn La cũng nằm tại khu vực có động đất. Nếu chẳng may vỡ đập sẽ là đại họa cho hàng triệu người ở vùng hạ lưu.
Lời loan báo sẽ khởi tố 17 quan chức tỉnh Sơn La lem nhem tiền tái định cư tại thủy điện Sơn La được loan báo khi ông Ngô Trường Sơn, trưởng phòng thanh tra phòng chống tham nhũng, thanh tra tỉnh cà Mau bị bắt tạm giam 3 tháng vì bị tình nghi làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước. (TN)
No comments:
Post a Comment