HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội CSVN hôm 20 Tháng Mười Một, 2017, thông qua dự luật sửa đổi về các tổ chức tín dụng đã cho phép ngân hàng thương mại phá sản khi không còn giải pháp chống đỡ nào khác.
Hành động vừa kể nhằm giải quyết tình trạng nợ xấu quá cao trong hệ thống ngân hàng thương mại kéo dài gần chục năm qua hiện vẫn còn là một vấn nạn dù có một số biện pháp được thi hành.
Trên bề mặt thì các báo cáo nói về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo báo cáo “nội bảng” gần đây chỉ khoảng 2.34%. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần tại Quốc Hội ngày Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Một 2017 tuần qua, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng được tờ Dân Việt dẫn lời nói rằng:
“Còn theo đánh giá thận trọng của NHNN, bao gồm cả nợ tiềm ẩn, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC, thì tính đến Tháng Chín, 2017, thì nợ xấu khoảng 566 nghìn tỷ đồng, giảm so với kỳ họp thứ 3. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay ở mức 8.61%, giảm so với mức hơn 10% mà NHNN đã báo cáo tại kỳ họp thứ 3 vừa qua…”
Hồi năm 2012, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam là 17.21%. Tình trạng “sở hữu chéo” đã giúp các ông chủ ngân hàng lợi dụng quyền hành dùng đồng tiền của ngân hàng của mình cho vay hoặc cho các nhu cầu cá nhân không theo luật lệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cho đám xí nghiệp quốc doanh vay tiền đầu tư tới tấp, đặc biệt là vào các dự án nhà đất. Hệ quả dẫn đến những khối nợ xấu khổng lồ khi thị trường bất động sản tuột dốc, các dự án kinh doanh, đầu tư thất bại.
Ngân Hàng Nhà Nước đã phải mua lại ba ngân hàng thương mại với giá bằng không (zero) đồng các ngân hàng gồm Ngân Hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank) và GP bank (Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu) hiện vẫn còn đang thua lỗ tiếp tục làm người gửi tiền âu lo.
Theo những gì được thấy tóm tắt nêu ra, luật tổ chức tín dụng mới, có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Giêng 2018, cho phép nhà cầm quyền đưa những ngân hàng “yếu kém” vào sự “kiểm soát đặc biệt” của Ngân Hàng Nhà Nước. Sau đó, tùy tình thế, có thể có các quyết định tiếp theo như cho sáp nhập vào ngân hàng khác, chuyển ngân hàng đó sang tay một nhóm đầu tư khác hay chia cắt thành nhiều mảng trước khi cho phép ngân hàng ngắc ngoải được khai phá sản như giải pháp cuối cùng.
Nói với hãng thông tấn Reuters, ông Nguyễn Minh Phong, một kinh tế gia tại Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Xã Hội ở Hà Nội, cho rằng tuy cho phép ngân hàng khai phá sản là hữu ích cho Ngân Hàng Nhà Nước, nhưng việc khai phá sản nhiều phần không được tuyên bố trong thực tế. Ông cũng cho rằng nhà cầm quyền chỉ chấp thuận cho phá sản như biện pháp cuối cùng khi không thể giúp nó cải thiện.
Ngày 31 Tháng Mười 2017, tổ chức lượng giá đầu tư tài chính quốc tế Moody’s Investors Service đổi đánh giá khu vực ngân hàng tại Việt Nam từ “ổn định” sang “tích cực” cho viễn ảnh từ 12 đến 18 tháng sắp đến. (TN)
No comments:
Post a Comment